Chú trọng thực hành và trải nghiệm

10/10/2018 | 08:43 GMT+7

Cùng với việc nâng cao chất lượng chuyên môn, các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây hết sức coi trọng việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Hùng Vương hướng dẫn học sinh tham quan tại các khu di tích lịch sử.

Sân chơi thu hút học sinh

Em Ngô Thị Bào Y, học sinh lớp 7A8, Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Em rất thích được nghe thầy cô hướng dẫn cách xử lý tình huống thường gặp ngay tại trường. Vì tại đây, thầy cô nêu vấn đề, đặt câu hỏi để từng bạn có cách xử lý tình huống khác nhau. Giáo viên sẽ chỉ ra những cách ứng xử, giao tiếp tốt nhất cho chúng em”. Với chủ đề “Kỹ năng giao tiếp ứng xử”, chương trình “Sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống” đã trở thành sân chơi kỹ năng sống lần đầu tiên được Thành đoàn Vị Thanh phối hợp với Nhà thiếu nhi, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, Công ty Thiên niên kỷ tổ chức, rất thu hút học sinh.

Hấp dẫn, mới lạ, thú vị, chính là những nhận xét mà các em học sinh nói về “Sân chơi lưu động giáo dục kỹ năng sống” vừa qua. Thầy cô đặt câu hỏi trực tiếp, học sinh sẽ trả lời các tình huống rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày để các em thực hành và trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn như khi bị bạn chê mình xấu thì em phải trả lời như thế nào? Hay trường hợp bị bạn bè cô lập em phải làm sao? Hay khi chị hoặc mẹ lỡ nấu một món ăn không ngon các em ứng xử như thế nào? Có em trả lời em sẽ ăn luôn, có em trả lời không ăn kêu mẹ nấu lại, có em thì ra tiệm ăn... Em Phan Thanh Ngân, học sinh lớp 9A4, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Em rút ra được kinh nghiệm cho mình, khi nói chuyện hay nhận xét về một người nào đó phải tế nhị. Trong gia đình phải luôn quý trọng, lễ phép với ông bà, cha mẹ, anh chị. Mình giao tiếp tốt thì mọi người sẽ yêu và quý mình hơn, tránh được những lời nói xúc phạm, không hay có thể xảy ra”.

Hay Chương trình huấn luyện “Em làm chiến sĩ” trong dịp hè năm 2018 tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Vị Thanh dù chỉ diễn ra trong 3 ngày ngắn ngủi, nhưng các em thiếu nhi được chơi, được học các kỹ năng cần thiết như: tính kỷ luật, đúng thời gian, tự đi chợ, nấu ăn, trồng rau… rất bổ ích. Ông Lê Văn Kết, Giám đốc Nhà thiếu nhi thành phố Vị Thanh, cho biết: “Song song với việc học chữ thì học sinh hiện nay quan trọng là trang bị nhiều kỹ năng sống. Với mong muốn ngày càng tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích, giúp học sinh trang bị thêm các kỹ năng mềm cần thiết, thời gian qua nhà thiếu nhi đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cho học sinh. Học sinh chỉ khi được thực hành, được trải nghiệm thì mới có kỹ năng ứng xử, giao tiếp trước các tình huống”.

Và cách làm thiết thực

Tùy vào điều kiện của mỗi trường, từng cấp học, lứa tuổi mà các trường học trên địa bàn tỉnh lựa chọn nội dung, hình thức giáo dục kỹ năng sống phù hợp, hiệu quả. Ông Trần Văn Mười, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Trong năm học này, nhà trường sẽ tiến hành thực hiện mô hình “Giáo dục học sinh nữ, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em”. Ban giám hiệu sẽ phối hợp với giáo viên các môn giáo dục công dân, sinh học và ngữ văn để có những buổi tư vấn, tọa đàm trong học sinh nữ. Mô hình sẽ hỗ trợ các em nữ các kỹ năng cần thiết, cụ thể để phòng và tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nhất là tập trung ở các em nữ có cha mẹ đi làm ăn xa, ở nhà một mình…”.

Bằng các hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục ngoại khóa, tham quan tại các khu di tích, bảo tàng trong ngoài tỉnh, các trường học, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn giáo dục công dân, ngữ văn, sinh học… luôn khéo léo lồng ghép vào các kỹ năng sống cần thiết cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Hùng Vương, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Mỗi năm, trường đều tổ chức cho đội viên tham quan các khu di tích lịch sử. Tôi thấy mừng vì từ những chuyến tham quan trẻ rèn được kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng học tập, giao tiếp, thuyết trình, lắng nghe, quan sát và giải quyết tình huống”.

Hay việc tổ chức cho học sinh trang trí lớp học, giao cho mỗi lớp chăm sóc một bồn hoa, cây cảnh, hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật tình nguyện… Qua các hoạt động này, học sinh không chỉ học cách chăm sóc cây mà còn học cách thực hiện một hoạt động cụ thể, cách thuyết phục người khác tham gia, cách quan tâm người lớn tuổi… Từ đó, các em hiểu được giá trị và trách nhiệm của mình với xã hội. Bà Lê Hồng Đào, Trưởng phòng Pháp chế, chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Cùng với cung cấp kiến thức văn hóa, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường góp phần giúp các em hoàn thiện nhân cách, tự tin, chủ động, xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống, giúp các em trưởng thành, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Giáo dục kỹ năng sống được xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách của ngành giáo dục, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà internet phát triển như vũ bão, nếu học sinh thiếu định hướng thì rất dễ bị dẫn dắt bởi những quan điểm sống lệch lạc, thiếu chuẩn mực”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>