“Có cực, thiệt thòi hơn cũng gắn bó với nghề”…

09/11/2017 | 06:57 GMT+7

Đó chính là những lời chia sẻ của các giáo viên mầm non, mẫu giáo về nghề mình đã chọn khi thời gian gần đây dư luận đang rất quan tâm đến chế độ, tiền lương của giáo viên cấp học này!

Giáo viên mầm non rất cực, việc không đếm xuể, nhưng chính sách đãi ngộ chưa nhiều.

Giữ lửa nghề

Cô Mai Thị Hiền, giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên, phường IV, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi cũng xem thông tin cô giáo 37 năm dạy học, nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, cùng làm nghề với nhau ai cũng thấy buồn. Trước hoàn cảnh này, tôi cũng đã tự đặt ra cho mình câu hỏi là tâm huyết, hết mình với nghề, nhưng khi về hưu không biết mình sẽ có mức lương bao nhiêu, có đủ lo được cuộc sống hàng ngày hay không? Thú thật, trước đây tôi cũng đã từng gắn bó với nghề, cũng vì khó khăn trong cuộc sống mà nghỉ dạy, rồi lại quyết định đi dạy lại bởi tôi nhớ lắm tiếng cười trẻ thơ”… Hơn 6 năm gắn bó với nghề, bao buồn vui đã nếm trải với công việc đầy nhọc nhằn này, cô Hiền cũng nhận ra rằng được dạy trẻ mỗi ngày là một niềm vui, với cô đó là lúc “lửa nghề” đã nhen nhóm.

Đang chăm chút cho trẻ từng muỗng trong bữa ăn sáng, cô Liên Huyền Chân, giáo viên phụ trách nhóm trẻ 24-36 tháng tuổi Trường Mầm non Vành Khuyên, bộc bạch: “Giáo viên không yêu nghề thì chắc sẽ không trụ được với nghề. Công việc ở trường đã vất vả, khó khăn, trong khi đó vẫn phải lo cuộc sống gia đình với đồng lương ít ỏi. Bản thân tôi luôn cố gắng tìm ra trong sự lo toan, vất vả ấy niềm vui trong công việc. Những lúc nghe trẻ ríu rít nói cười, hát ca, kể chuyện… bao nhiêu mệt mỏi trong công việc dường như tan biến. Nhìn những đôi mắt thơ ngây ấy, những tiếng cười nói trong trẻo ấy, những đôi má ửng hồng phúng phính ấy… khiến tôi thêm gắn bó với nghề, mặc dù biết đồng lương giáo viên mầm non không là bao nhiêu”. Với cô Chân, chỗ dựa vững chắc nhất để cô gắn bó với nghề chính là sự động viên, quan tâm của gia đình. Gia đình chồng hiểu, thông cảm cho sự đi sớm về trễ, đôi lúc thiếu chăm chút cho bữa cơm gia đình… Tất cả đã tạo thêm niềm tin cho cô yêu nghề đến ngày hôm nay.

Hàng ngàn giáo viên mầm non, mẫu giáo là hàng ngàn câu chuyện đời, chuyện nghề, nhưng tựu trung lại ở họ là sự yêu nghề, mến trẻ và cả sự cảm thông của hậu phương là gia đình của mình.

“Sống với trẻ con, tâm hồn mình cũng trẻ lâu hơn”

Công việc bắt đầu từ sáng sớm, kéo dài đến chiều tối, nhiều lúc phải tận dụng thời gian trẻ ngủ trưa để hoàn thành nốt các yêu cầu về giáo án, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Làm không xong lại phải ôm việc về nhà. Bởi vậy, việc nhà, việc đón con… nhiều lúc phải nhờ chồng, nhờ ông bà nội ngoại hai bên giúp cho một tay. Làm sao để mỗi giáo viên mầm non làm hết khối lượng công việc ở trường, ở nhà, chăm sóc, giáo dục mấy chục trẻ mà lúc nào cũng dịu dàng và đầy yêu thương? Câu trả lời được minh chứng qua chính sự tâm huyết, yêu nghề của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Mỹ Thu, giáo viên Trường Mầm non Hoa Mai, thị xã Long Mỹ. Cô giáo đã hơn 24 năm gắn bó với nghề giữ trẻ. Cô Thu thổ lộ: “Khi mới bước vào nghề, đồng lương ít ỏi, cuộc sống nhiều thứ phải lo cũng có lúc tôi định chuyển qua nghề khác. Thế nhưng, thời gian đã làm cho tôi hiểu được ý nghĩa công việc. May mắn là tôi có người chồng hết mực quan tâm, sẵn sàng chia sẻ việc nhà, chăm lo, đưa rước con cái để tôi yên tâm với công việc”.

Khi biết thông tin đồng nghiệp nghỉ hưu với mức lương 1,3 triệu đồng, cô Thu nói: “Nửa đời người những ngày ở trường chúng tôi có khi nào có được bữa ăn trưa đúng nghĩa. Vừa cầm chén cơm có bé khóc lại chạy vội ra dỗ dành… Chúng tôi phải thay phiên nhau tranh thủ ăn thật nhanh. Ăn xong lại phải trực cho các bé ngủ. Bé nào ngủ áo cao quá rốn lại phải nhẹ nhàng kéo lại… phải lo cho các bé từng li, từng tí như lo cho con mình vậy”.

Trong môi trường giáo dục đặc thù này, sự cảm thông, thấu hiểu của phụ huynh chính là động lực và là niềm an ủi đối với các cô. Bà Nguyễn Thúy Hằng, phụ huynh học sinh Trường Mầm non Vành Khuyên, bày tỏ: “Với lượng lớn công việc phải làm vừa chăm lo chất lượng trẻ, vừa tạo sự tin cậy cho nhà trường, phụ huynh… thì đồng lương hưu của giáo viên cần được cải thiện để xứng đáng với công sức của các cô”.

Bỏ qua những thiệt thòi trong cuộc sống, những phút chạnh lòng khi suy ngẫm về nghề của mình, áp lực từ phía phụ huynh… các giáo viên mầm non vẫn đang tích cực chăm lo cho những chồi non, để các em có đủ kỹ năng, tự tin bước vào cấp học kế tiếp trong cuộc đời.

“Sống với trẻ con, tâm hồn mình cũng trẻ được lâu hơn. Đây là hạnh phúc ít người có được. Mình sẽ cố gắn trau dồi nghề nghiệp hơn để xứng đáng là người mẹ thứ hai của trẻ”, cô Quách Hồng Nhu, một giáo viên trẻ của Trường Mẫu giáo Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tâm đắc với nghề.

“Giáo viên mầm non vất vả, nhiều công việc và áp lực lắm!”

Ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Giáo viên mầm non vất vả, nhiều công việc và áp lực lắm. Nhất là các cô đã là mẹ, là vợ càng vất vả hơn. Có mẹ là giáo viên mầm non nhưng nhiều đứa trẻ phải chịu thiệt thòi khi không được mẹ đưa đón đến trường như những bạn khác. Do khối lượng công việc quá nhiều, nếu người chồng không thấu hiểu và thông cảm dễ dẫn đến những va chạm trong cuộc sống. Chúng tôi rất hiểu và cảm thông, hy vọng sẽ có thêm nhiều chính sách đãi ngộ, tăng lương để giáo viên thêm động lực, không chạnh lòng với nghề của mình”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>