Cơ hội khi học nghề

04/10/2018 | 08:17 GMT+7

Hiện nay, dù công tác tuyển sinh ở các trường nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng việc tập trung đảm bảo chất lượng đầu ra vẫn luôn được các trường chủ động thực hiện để thu hút học viên...

Nhờ kịp thời đảm bảo việc làm đầu ra cho người học, việc chọn học nghề đã được nhiều người quan tâm hơn.

Chủ động đầu vào

Không giống như các trường cao đẳng, đại học chỉ đợi người học đến đăng ký xét tuyển, nộp hồ sơ tuyển sinh, mà từ nhiều tháng nay, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã rất chủ động để tìm học viên cho một mùa tuyển sinh mới. Trước tình hình tuyển sinh ngày càng khó khăn, trong khi trường có đến 11 nghề đào tạo, nên những ngày này cán bộ tuyển sinh của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh đang ráo riết dồn sức cho công tác tuyển sinh. Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Đến thời điểm này, chúng tôi đã tuyển sinh được 6 nghề, đạt hơn 65% chỉ tiêu được giao. Hiện tại, còn 5 nghề chưa tuyển được tại trường thì chúng tôi cũng đã liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ở các địa phương để chiêu sinh mở lớp. So với mọi năm thì tình hình tuyển sinh năm nay của trường tương đối khả quan hơn. Năm nay, không chỉ thu hút được học sinh tốt nghiệp THCS, mà hiện cũng có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đến đăng ký học nghề”.

Năm 2018, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh được giao tuyển sinh 350 chỉ tiêu cho 11 nghề đào tạo. Hiện các nghề như kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính và thú y, trường đã tuyển sinh đủ số lượng để mở lớp. Với nhiều biện pháp để thu hút người học, năm nay cũng đã có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT và nhiều học sinh tốt nghiệp THCS với học lực từ trung bình đến khá cũng đã đến trường để đăng ký học nghề.

Còn ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật cũng thấy trước được khó khăn trong công tác tuyển sinh từ nhiều năm nay, nên ngay khi kết thúc năm học vừa rồi cán bộ tuyển sinh của trường đã xuống tận địa bàn để vận động học viên. Ông Lý Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Dù trường có 4 ngành đào tạo, nhưng mấy năm nay chỉ có 2 ngành là chế biến và bảo quản thủy sản, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, mới thu hút được người học thôi. Bên cạnh đó, do năm nay nhu cầu ngành nghề có nhiều chuyển biến sang các nghề như xây dựng, điện… nên cũng khiến trường gặp khó trong công tác tuyển sinh”. Với 4 ngành đào tạo, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật được giao tuyển sinh 180 chỉ tiêu, tuy nhiên hiện trường chỉ mới tuyển được 60 chỉ tiêu. Ngoài 2 ngành chủ lực chuyên về thủy sản và thực phẩm, thì hiện ngành kế toán hành chính sự nghiệp và quản lý đất đai của trường có hồ sơ nộp vào rất ít.

Tuyển sinh song hành với giải quyết việc làm

Dù còn nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, nguồn đầu vào không đạt như mong muốn, nhưng để khẳng định thương hiệu nhà trường và nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, các trường nghề không chỉ chú trọng đến đổi mới công tác giảng dạy, mà còn tập trung đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng.

Nhờ chủ động tìm kiếm các đơn vị cần sử dụng lao động phù hợp với những nghề trường đang đào tạo, đến nay Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh đã có 11 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đặt hàng tuyển dụng. Theo ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Dù có rất nhiều đơn đặt hàng đào tạo, nhưng nguồn cung lao động của trường vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu các đơn vị. Đa phần, học viên ở đây sau khi học xong lý thuyết và thực hành nghề tại trường, đều được gửi đến thực hành, thực tập trực tiếp tại các đơn vị đã ký kết hợp đồng tuyển dụng với trường. Sau quá trình thực hành, thực tập tại công ty, doanh nghiệp tất cả các em đều được nhận vào làm ngay khi ra trường, mà không cần qua các bước thử việc nữa”. Hiện tại, tất cả các nghề đào tạo ở Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh đều đã có đơn vị đặt hàng tuyển dụng, với mức lương từ 3-40 triệu đồng/tháng, tùy theo từng nghề.

Dù chỉ tốt nghiệp trường nghề, nhưng so với nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học phải vất vả đi tìm việc làm phù hợp với ngành học, thì học viên Trần Phát Tới ở Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, lại không phải lo nhiều về việc làm khi ra trường. Tới bộc bạch: “Năm 2016, khi vừa tốt nghiệp xong là em có việc làm ngay đúng với nghề mình học luôn. Cũng nhờ được trường gửi vào thực tập tại công ty, nên đến khi ra trường công ty đã tiếp nhận em vào làm chính thức, không cần phải thử việc nữa. Không chỉ riêng mình em, nhiều bạn học cùng lớp với em ai giờ cũng đã có việc làm ổn định ngay khi ra trường hết. Đến nay, mỗi tháng em cũng thu nhập được hơn 10 triệu đồng”.

Cũng nhờ chủ động tìm đơn vị đặt hàng đào tạo để giải quyết đầu ra cho học viên, hiện mỗi năm Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật cũng có hơn 90% học viên có việc làm ngay khi ra trường. Ông Lý Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện tại, học viên của ngành chế biến và bảo quản thủy sản, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm của trường sau khi học xong, sẽ được Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang nhận vào làm ngay. Bởi lẽ, do trước khi ra trường, các em sẽ được gửi đến công ty để thực tập trực tiếp, nên công ty sẽ nắm rõ tay nghề của từng học viên thuận lợi cho việc tuyển dụng. Mấy năm nay, do đầu ra quá ít cũng gây nhiều khó khăn cho trường trong việc ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho các đơn vị”. Hiện tại, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật đã ký kết hợp đồng cung ứng lao động không giới hạn cho Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang.

Hiện nay, với điều kiện thị trường lao động đang thiếu nguồn nhân lực có kỹ thuật, tay nghề, dư thừa nguồn lao động có trình độ đại học, thì việc đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội ở các trường nghề sẽ là hình thức kết nối cung - cầu lao động hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, dư thừa lao động trình độ cao. 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>