Điểm số đã không còn nặng nề

16/06/2017 | 05:36 GMT+7

Kết thúc năm học 2016-2017, phụ huynh học sinh bậc tiểu học không còn thói quen coi trọng số điểm của con mình, giáo viên giảm áp lực về sổ sách...

Giáo viên có thêm nhiều thời gian để quan tâm, hỗ trợ học sinh khi đánh giá học sinh theo Thông tư 22.

Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Đó là những hiệu quả tích cực sau 1 năm triển khai thực hiện Thông tư 22, bổ sung sửa đổi một số điều về đánh giá học sinh Tiểu học ở Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, chất lượng giáo dục tiểu học năm nay được đánh giá khá tốt. Tôi thấy mừng vì các trường đã triển khai đánh giá đúng năng lực học sinh. Việc tạo tâm lý thoải mái trong học tập, không đặt nặng vấn đề điểm số đã giúp trẻ tự tin phát biểu bài hơn”.

Vui mừng vì kết thúc năm học 2016-2017 được nhà trường tặng giấy khen học sinh xuất sắc, em Trần Triều Thế, học lớp 5A6, Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Giờ học tập ở lớp em rất vui, tiết học rất sôi động, tụi em được nghe cô trao đổi nhiều lắm, em biết toán còn có nhiều cách làm bài nhanh mà vẫn cho kết quả đúng”.

Thông qua đổi mới, đánh giá, giáo viên đã giúp học sinh tự tin, có động lực hơn trong quá trình học tập. Vì không có sự so sánh giữa học sinh này với học sinh khác nên việc đánh giá không còn nặng nề đối với cả giáo viên và học sinh. Các em không còn bị áp lực về điểm số và thứ hạng nên tinh thần thoải mái hơn. Giáo viên không còn áp lực về việc phải ghi sổ sách trong việc đánh giá học sinh. Thầy Dương Văn Toàn, giáo viên Trường Tiểu học Phương Phú 1, huyện Phụng Hiệp, nói: “Việc đánh giá học sinh theo 3 mức độ: “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành” đã không còn tình trạng cào bằng điểm số của học sinh, khi các em đạt điểm 5, 6 cũng ngang với học sinh ở điểm 9, 10 (Thông tư 30 quy định đạt 5, 6 hay 9, 10 đều được đánh giá hoàn thành chương trình học). Còn cách đánh giá theo Thông tư 22 sẽ rõ hơn học sinh “Hoàn thành tốt” đương nhiên phải ở điểm 9, 10, còn “Hoàn thành” ở mức 6, 7, 8, còn em chưa hoàn thành thì phụ huynh phải tự nhận thấy con mình còn những điểm yếu”.

 “Biết con còn hạn chế chỗ nào để hướng dẫn thêm”

Không còn tâm trạng hồi hộp chờ đợi bảng điểm cuối năm của con như trước, bà Lâm Phương Thảo, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Mừng nhất là được xem những lời nhận xét của con mình, biết con còn hạn chế chỗ nào để hướng dẫn thêm. Việc nhận xét quá trình học tập kết hợp với điểm thi cuối học kỳ đã đánh giá rất sát năng lực học tập của con. Tôi đã không còn lo ngại điểm số như trước nữa. Điểm số không còn quan trọng, chủ yếu là con mình học được, có kiến thức”.

Điểm nổi bật ở Thông tư 22 trong năm học này được nhiều trường đánh giá chính là việc khen thưởng học sinh được quy định rõ ràng, đã khắc phục được tình trạng mỗi trường tiểu học có cách ghi giấy khen khác nhau hoặc giáo viên lúng túng khi khen thưởng học sinh. Ông Trần Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Tâm 1, huyện Long Mỹ, cho biết: “Sau 1 năm triển khai thực hiện tôi thấy Thông tư 22 đã đánh giá rất sát với năng lực học sinh. Việc đánh giá theo 3 mức độ: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành đã giúp giáo viên và phụ huynh hiểu và có giải pháp hỗ trợ học sinh kịp thời. Trong đó, đặc biệt là phụ huynh, nhìn vào giấy khen sẽ biết năng lực học tập của con mình”. Kết thúc năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt chương trình học 29,8%, có 67,6% học sinh được đánh giá là hoàn thành và chưa hoàn thành là 2,6%.

Đáng chú ý, Thông tư 22 quy định học sinh lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ môn toán và tiếng Việt. Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh đánh giá học sinh này với học sinh khác. Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết thêm: “Phụ huynh đã thấy tầm quan trọng của việc đánh giá thường xuyên, đánh giá cả quá trình học tập của học sinh nên không nặng lắm vấn đề điểm số cuối học kỳ. Điểm đánh giá học kỳ, cuối năm chỉ là đánh giá theo giai đoạn để xem lại việc giảng dạy của giáo viên với học sinh đã chính xác hay chưa nhằm điều chỉnh phương pháp dạy học và cách đánh giá phù hợp theo năng lực học tập của trẻ”.

Kết thúc năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 99% học sinh tiểu học được đánh giá là hoàn thành tốt và hoàn thành chương trình học.

Bà Trần Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thị xã Ngã Bảy, nhận định: “Thông tư 22 này là lời giải cho bài toán chống bệnh thành tích, hình thức là bài học lớn trong giáo dục, thông qua phương pháp kiểm tra đánh giá thực chất năng lực học sinh”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>