Độc đáo mô hình sáng tạo xanh

06/12/2017 | 08:15 GMT+7

Dùng những kiến thức đã học và quan sát thực tế, các giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra những mô hình độc đáo để góp phần chung tay bảo vệ môi trường sống.

Tác phẩm thiết bị cảnh báo xâm nhập mặn của tác giả Lê Thanh Liêm đoạt giải nhất hội thi.

Cùng với đô thị hóa đã khiến môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mặt khác, thời tiết, khí hậu diễn biến ngày một thất thường, tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp các năm qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Thấy được tác hại của việc xâm nhập mặn nên thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Him Lam, ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, đã vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm để xây dựng ý tưởng trong việc tìm giải pháp để thực hiện mô hình thiết bị cảnh báo xâm nhập mặn.

Theo thầy Liêm, sản phẩm này là sự kết hợp ưu điểm của trái nổi so sánh tỷ trọng và phát ra tín hiệu digital cho các vi mạch điều khiển. Qua quá trình thí nghiệm cho thấy, hệ thống phản ứng linh hoạt với sự thay đổi nồng độ mặn của môi trường và phát ra tín hiệu để có thể phát hiện mặn. “Đây là một sáng kiến độc đáo, không tốn kém mà giá thành lại rẻ so với các thiết bị đo nồng độ mặn bên ngoài thị trường và hoàn toàn có thể áp dụng vào thực tế. Từ mô hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến để ngày càng hoàn thiện hơn”, thầy Liêm bộc bạch.

Xuất phát từ việc rác thải của các bạn cùng trường vứt khắp mọi nơi, hai em Trần Công Trứ và Võ Trần Khánh Linh, học sinh Trường THPT Long Mỹ, thị xã Long Mỹ đã hình thành ý tưởng tạo ra thùng rác thông minh với nhiều tính năng ưu việt như: tự bật nắp khi có người đến gần, thậm chí phát ra âm thanh khi rác đầy, phát hiện mùi hôi hoặc khí gas, tự động gọi điện vào số điện thoại đã được cài đặt sẵn... Ý tưởng này nhằm góp phần nâng cao ý thức của các bạn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường.  

Theo nhóm tác giả, từ những kiến thức đã học kết hợp với sự tìm hiểu thêm thông tin trên mạng internet và sự góp ý của thầy hướng dẫn, hai em đã bắt đầu thí nghiệm mô hình thùng rác thông minh. Cấu tạo của mô hình đơn giản chỉ là một thùng rác bình thường, sau đó sẽ được lắp đặt một số thiết bị cần thiết dùng để phát tín hiệu. Sau khi thí nghiệm thành công, hai em đã áp dụng thực tế tại lớp đang học là 12T2 của Trường THPT Long Mỹ. Giờ đây, các bạn học sinh trong lớp rất thích thú với mô hình này và ý thức trong việc bỏ rác vào thùng đã nâng lên rõ rệt.

Em Võ Trần Khánh Linh chia sẻ: “Nếu tính toán giá thành lắp đặt khoảng 1 triệu đồng/thùng. Tuy giá này là khá đắt so với một số thiết bị bên ngoài thị trường, nhưng nó là chiếc thùng rác 4 trong một, tức là có hàng loạt chức năng cùng một lúc. Nếu thiết bị này được sử dụng rộng rãi sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân, học sinh trong việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như tâm lý ngại dơ tay khi mở nắp thùng. Tuy nhiên, nếu có điều kiện, chúng em sẽ lắp đặt thêm hệ thống ánh sáng để có thể phát hiện thùng chứa rác ngay cả vào ban đêm”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo xanh năm 2017, dù các mô hình, sản phẩm dự thi chưa có tính vượt trội, ý tưởng chưa thực sự sáng tạo; có những mô hình, sản phẩm có ý tưởng trùng nhau; số lượng mô hình, sản phẩm dự thi còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng. Thế nhưng, từ những ý tưởng của cuộc sống thường ngày, các em đã tận dụng những vật liệu phế thải làm ra những chiếc đèn ngủ, tranh trang trí, đồ dùng học tập ngộ nghĩnh thể hiện trình độ kỹ thuật cao, tinh tế, nghệ thuật. Rất nhiều mô hình sản phẩm quan tâm đến đời sống, sản xuất như: mô hình phân loại rác trường học, thiết bị cảnh báo xâm nhập mặn, máy báo mực nước, thùng rác thông minh…

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hậu Giang, thành viên Ban giám khảo Hội thi Sáng tạo xanh năm 2017, đánh giá: “Hầu hết các mô hình, sản phẩm dự thi có tính giáo dục cao. Từ những ý tưởng đơn giản của cuộc sống hàng ngày, các em đã tận dụng những vật liệu phế thải làm ra những mô hình độc đáo. Một số tác phẩm đạt giải cao có thể ứng dụng vào thực tiễn trong đời sống hàng ngày. Với những tác phẩm này, chúng tôi rất hy vọng sẽ phần nào nâng cao ý thức của một số bộ phận người dân, nhất là lứa tuổi học sinh để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, với mục tiêu vì một môi trường xanh - sạch - đẹp”.

Sau gần 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã tiếp nhận 77 tác phẩm. Trong đó, tiểu học 22 tác phẩm, trung học cơ sở 30 tác phẩm, trung học phổ thông 10 tác phẩm và 15 tác phẩm của nhóm đoàn viên, thanh niên đang học tập, giảng dạy tại các trường. Ban giám khảo đã lựa chọn 19 mô hình, sản phẩm tiêu biểu có ý tưởng mới, đầu tư công phu, phù hợp với khả năng tư duy sáng tạo của lứa tuổi các em để trao thưởng. Trong đó tập thể có 1 giải; về cá nhân có 1 giải nhất, 3 giải nhì, 6 giải ba và 8 giải khuyến khích.

 

Bài, ảnh: THANH THÚY

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>