Giáo viên chủ nhiệm - Cầu nối giữa nhà trường và gia đình

09/04/2019 | 09:00 GMT+7

Không chỉ với vai trò người thầy, hết lòng quan tâm theo dõi việc học hành của học sinh mình, các giáo viên chủ nhiệm còn chia sẻ, hỗ trợ kịp thời những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vươn lên học tốt.

Cô Nguyễn Hồng Bích, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh luôn quan tâm hỗ trợ học sinh.

Vượt khó, học tốt nhờ sự quan tâm của giáo viên

Đây là câu chuyện cảm động mà cô Nguyễn Hồng Bích, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ về cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của mình, em Phan Kim Tươi, cựu học sinh lớp 12A3 năm học 2012-2013. Hoàn cảnh gia đình em Tươi khi ấy rất khó khăn. Mẹ bỏ cha con em khi em 10 tuổi. Cha thì bị câm, điếc bẩm sinh, sức khỏe lại yếu ớt nhưng để có điều kiện cho em ăn học cha em phải gồng mình đi làm thuê làm mướn để có bữa cơm hàng ngày. Còn em phải tranh thủ một buổi đến trường, một buổi ở nhà đánh lá mía với cha. Khó khăn là vậy nhưng em Tươi chưa từng nghỉ học ngày nào, cho đến khi ba em bị tai biến không thể đi lại được. Cô Bích chia sẻ: “Có đến thăm nhà, tận mắt chứng kiến cuộc sống của hai cha con em, tôi mới thấy hết được những nỗ lực thời gian qua của em Tươi để theo đuổi con chữ. Trong ngôi nhà lá rách tả tơi, không có đến một vật dụng giá trị nào, ngoài tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người cha”. Thương cho hoàn cảnh em, cô Bích đã cùng với ban giám hiệu nhà trường quan tâm, hỗ trợ em không chỉ trong việc học hành mà cô còn nhận đỡ đầu em hết năm lớp 12. Cô tặng tập, quần áo, sách vở, vận động các bạn trong lớp động viên, hỗ trợ tinh thần để em có thêm động lực thực hiện ước mơ trở thành cô giáo dạy trẻ. Niềm vui của cô Bích chính là sau những nỗ lực, giờ đây em Tươi cũng đã trở thành giáo viên Trường Tiểu học Tân Bình 1. Mọi cảm xúc vỡ òa với hình ảnh, em học sinh ngày nào trở về ngôi trường xưa thăm lại cô giáo thân yêu của mình. Cô Bích thổ lộ: “Niềm vui của giáo viên chính là sự ham học của học sinh. Chúng tôi chỉ mong bằng sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời sẽ là nguồn động viên, tiếp thêm nghị lực để giúp các em học sinh vượt lên khó khăn, học tốt, thành người có ích cho xã hội”. Hiện tại, cô Bích vẫn đang tiếp tục nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn để tạo điều kiện cho các em yên tâm đến trường.

Hết lòng vì học sinh thân yêu

Không chỉ gây ấn tượng bởi những câu chuyện hết sức chân thật về sự nhiệt huyết, hết lòng quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà những câu chuyện về sự ứng xử linh hoạt khi hỗ trợ học sinh giải quyết các khó khăn như: vấn đề tình cảm trong học đường, bạo lực học đường, học sinh nghỉ học lấy chồng nước ngoài, vi phạm nội quy trường lớp… Trong đó, ấn tượng nhất là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Trịnh Văn Thì, thị xã Long Mỹ. Với chất giọng ngọt ngào, truyền cảm cô Hằng kể về cô học sinh mồ côi cha mẹ, được người ta nhận nuôi nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó mà em phải nghỉ học và định gã em cho người nước ngoài. Biết hoàn cảnh trên, cô Hằng đã đến nhà để thuyết phục mẹ nuôi em cho em tiếp tục đến trường. Không ít lần cô bị mẹ nuôi em xua đuổi, từ chối không nói chuyện. Bỏ qua mọi khó khăn, bằng tình yêu thương học trò, lấy tấm lòng người mẹ ra khuyên nhủ, cô Hằng đã dần dần thuyết phục được mẹ em. Dù con đường từ nhà mình đến nhà học trò đi lại rất khó khăn nhưng hàng ngày cô Hằng vẫn đến nhà hỗ trợ em làm bánh tăng thu nhập gia đình, chỉ em làm bài, giúp em chép lại các bài học từ vở của bạn… và kết quả mang lại là em đang là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Cô Hằng cho biết: “Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, câu chuyện về em học sinh này làm tôi nhớ nhất. Tôi nhớ bởi ý thức tự học và nghị lực vượt khó của em. Đây cũng là câu chuyện mà tôi thường hay kể cho học sinh của mình nghe. Tôi thường khuyên các em dù khó khăn đến đâu các em cũng phải cố gắng học tốt. Vì bên em luôn có thầy cô, bạn bè hỗ trợ. Chỉ có học các em mới thay đổi cuộc sống, tương lai của mình”.

Và không chỉ hai câu chuyện trên mà những câu chuyện được các giáo viên chủ nhiệm kể tại Hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, năm học 2018-2019 thêm một lần khẳng định sự yêu thương, quan tâm học sinh hết mình của thầy, cô giáo. Cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Chỉ có làm công tác chủ nhiệm bằng cái tâm yêu nghề, mến trẻ và tính linh hoạt không quá cứng nhắc, khuôn khổ thì mới hiểu được các em. Nhất là đối với học sinh chưa ngoan, hay vi phạm nội quy… thì cần nhiều thời gian và sự thông cảm, quan tâm hỗ trợ, động viên hơn. Không có học sinh xấu, chỉ cần mình yêu thương, quan tâm học sinh thật lòng, các em sẽ thay đổi, hoàn thiện nhân cách mình hơn”.

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Giáo viên chủ nhiệm không chỉ làm cầu nối cho nhà trường và gia đình hiểu, quan tâm hơn đối với các em học sinh, mà chính các thầy cô là người góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của học sinh. Để các em nhận thức được những điều chưa tốt trong đạo đức của mình để vươn lên học tốt, làm người tốt. Không chỉ là một người cha, người mẹ thứ hai của các em, các giáo viên chủ nhiệm còn cần là người bạn chân thành sẵn sàng chia sẻ những khó khăn của các em”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>