Giờ học hay hơn, nhờ đồ dùng sáng tạo

05/12/2017 | 08:56 GMT+7

Là 1 trong 15 mô hình được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai nhân rộng trong năm học 2017-2018. Mô hình “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học” của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, thành phố Vị Thanh, đang phát huy hiệu quả, kích thích học sinh hứng thú học tập.

Thật thú vị

Hấp dẫn, sinh động chính là cảm nhận của bất cứ ai khi chứng kiến giờ học toán của học sinh nhà trường. Giờ học có rất nhiều tranh ảnh, đồ dùng dạy học đẹp mắt. Các em không chỉ chăm chú học tập cùng cô giáo mà còn tích cực phát biểu bài, nhất là việc tự tin lên thực hiện các phép tính. Em chạy lên cầm con số gắn lên bảng, em cầm những hình con thú, bông hoa được cắt sẵn lên ghép vào kết quả từng bài toán, một số học sinh ngồi bàn tính với nhau, có em giơ tay để hỏi cô vấn đề mình chưa hiểu… Giờ học luôn có sự tương tác qua lại của thầy và trò. Cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A, chia sẻ: “Từ khi áp dụng thực hiện giảng dạy bằng bộ đồ dùng học tập này, các em học sinh tích cực học tập hơn hẳn. Các em không còn rụt rè, ngại lên bảng, ngại phát biểu mà chủ động hơn trong tiết học. Trẻ thích thú với màu sắc mới lạ, tranh ảnh đẹp mắt và nhất là tiết học không bị nhàm chán. Học sinh luôn được thực hành với những hình ảnh sinh động”.

Học sinh thích thú với các tiết học khi có những đồ dùng sáng tạo, phù hợp.

Mô hình “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học”, được cô Linh thực hiện vào đầu năm học 2016-2017, bằng cách tận dụng những hộp quà, giấy bìa cứng không còn sử dụng để cắt dán tạo nên những mẫu vật đẹp mắt. Qua đây, cô dạy cho học trò cảm nhận cái đẹp từ những hình ảnh đầu tiên từ vỏ hộp, sau đó là những mẫu vật có sẵn bên trong hộp như dạy học trò nhận biết hình vuông, hình chữ nhật, hình lục giác, rồi từ đó, chỉ cách tính chu vi, diện tích, thể tích. Không chỉ vậy, từ những hình hộp cô cắt dán thành những chậu hoa, rồi con vật, cây lá… Điểm đặc biệt của bộ dụng cụ này là học sinh có thể di chuyển tùy thích trên bảng mà không bị rớt nhờ đã được dán những miếng lá nam châm phía sau. Em Phùng Thị Nguyệt Nhi, học sinh lớp 3A, bộc bạch: “Trước đây, em làm toán rất yếu, làm bị sai hoài nhưng từ khi được cô giảng dạy, cô cho em xem hình ảnh, được cầm những con số trong tay, cô dạy em đếm số qua ví dụ có thật nên bây giờ em đã học toán tốt hơn. Giờ học toán với em nay rất thú vị”.

Mô hình khơi nguồn sáng tạo

Để tiện cho việc gắn ghép các con số, hình ảnh vào bảng, cô Linh đã nghĩ ra việc mua những miếng nam châm lá về cắt nhỏ để gắn vào giấy bìa cứng, để có những con vật sinh động, cô lên mạng tải về rồi cùng học sinh ngồi tô màu, cắt dán… Từ những vật dụng bỏ đi đã tạo nên một sản phẩm đồ dùng học tập độc đáo. Chính bộ đồ dùng học tập này đã khơi nguồn cho những mô hình sản phẩm dạy học hữu ích trong nhà trường.

Với phương châm “Học đi đôi với hành”, việc triển khai sử dụng hiệu quả mô hình “Sử dụng đồ dùng dạy học các môn học ở tiểu học” đã giúp giáo viên trường từng bước nâng cao chất lượng dạy, học sinh hứng thú hơn trong tiết học. Bằng chứng là đã có nhiều sản phẩm được tạo ra giúp ích rất nhiều cho dạy và học trong nhà trường do học sinh sáng tạo. Như sản phẩm: “Những chiếc hộp đa năng sử dụng tích cực trong học tập các môn ở tiểu học” của Phạm Thảo Nhi và Trần Khánh Băng, học sinh lớp 4A. Qua sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Mỹ Linh, sản phẩm đạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ 4 năm 2017. Thảo Nhi cho biết: “Khi được giáo viên hướng dẫn, càng ngày em càng thích làm đồ dùng học tập hơn. Em thấy sản phẩm sử dụng rất tốt cho việc học nhóm. Không chỉ vậy còn giúp cho việc học mỹ thuật, luyện từ và câu, môn tự nhiên xã hội… rất hiệu quả. Việc vận dụng phù hợp trong từng môn học cụ thể giúp chúng em hiểu bài nhanh hơn”. Nhi đang tiếp tục cùng bạn của mình thực hiện phần mềm liên quan đến vấn đề lịch sử, địa lý địa phương để tạo cho giờ học tập lịch sử ngày càng thú vị hơn.

Ông Lê Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, cho biết: “Nhờ giáo viên, học sinh chủ động, sáng tạo thêm đồ dùng dạy học đã giúp nhà trường nâng cao hơn chất lượng dạy và học. Việc sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học đã tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao chứ không đơn thuần chỉ là “Thầy đọc trò chép”, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện chủ động tìm kiếm tri thức, sắp xếp hợp lý quá trình học tập, tự rèn luyện của bản thân”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>