Giữ gìn tiếng mẹ đẻ

19/01/2018 | 08:20 GMT+7

Bên cạnh việc chăm lo để học sinh yên tâm theo đuổi con chữ, các trường có đông học sinh dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh việc dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc.

Các giờ học tiếng dân tộc của học sinh Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3, luôn tạo không khí sôi nổi cho học sinh.

Học tốt tiếng mẹ đẻ, sẽ học tốt chương trình tiếng Việt

Tiếng thầy và trò đọc bài, trò chuyện với nhau bằng tiếng Khmer, tiếng học sinh tranh luận về bài tập vừa được thầy giao… là không khí sôi nổi rất dễ bắt gặp ở các lớp dạy tiếng Khmer dành cho học sinh đồng bào dân tộc ở Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3, huyện Long Mỹ. Thầy Danh Săm Bộ, giáo viên dạy tiếng dân tộc của trường, tâm sự: “Ở đây khi học sinh dân tộc lên đến lớp 2 các em mới được học tiếng dân tộc. Trong các tiết dạy tiếng dân tộc, giáo viên và học sinh cũng trực tiếp sử dụng tiếng Khmer trong quá trình giao tiếp luôn, cho các em dễ tiếp thu bài. So với trước đây, bây giờ phụ huynh đồng bào dân tộc đã quan tâm rất nhiều đến việc học tập của con em. Nhờ vậy, việc dạy và học tiếng Khmer ở trường cũng thuận lợi hơn”. Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 hiện có 4 giáo viên dạy tiếng Khmer. Hàng năm, giáo viên đều được đưa đi tập huấn về kiến thức chuyên môn.

Đối với học sinh đồng bào dân tộc Khmer, các em đều được nhà nước hỗ trợ gạo, chi phí học tập hàng tháng. Chương trình dạy tiếng dân tộc chủ yếu tập trung dạy cho học sinh kỹ năng đọc và viết. Ông Danh Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3, nói: “Học sinh đồng bào dân tộc được học chương trình tiếng Khmer 4 tiết/tuần. Khi các em học tốt tiếng mẹ đẻ, thì sẽ học tốt được chương trình của tiếng Việt. Hiệu quả rõ nhất mà chúng tôi thấy được là hàng năm, vẫn có nhiều học sinh đồng bào dân tộc đạt thành tích cao trong các hội thi, phong trào do ngành phát động”. Trường Tiểu học Lương Nghĩa 3 có 352 học sinh đang theo học, học sinh đồng bào dân tộc có 192 em. Còn trên địa bàn huyện Long Mỹ, hiện có 5 trường đang giảng dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc, với 36 lớp và 556 học sinh theo học.

Không riêng gì trên địa bàn huyện Long Mỹ, nhiều năm nay ở Trường Tiểu học Vĩnh Trung 3, huyện Vị Thủy, cũng tích cực đẩy mạnh việc dạy tiếng Khmer để góp phần giữ gìn tiếng mẹ đẻ cho các em. Ông Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Tuy học sinh của trường rất ít, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức dạy tiếng Khmer cho các em. Đặc biệt, học sinh đồng bào dân tộc ở trường được học tiếng dân tộc quanh năm chứ không riêng gì trong năm học. Vì ngoài thời gian trong năm học, đến lúc nghỉ hè các em cũng được tiếp tục học tiếng dân tộc qua các lớp được tổ chức tại chùa”. Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Vĩnh Trung 3, có 161 học sinh, trong đó có 43 em là học sinh đồng bào dân tộc.

Khoảng 36% học sinh được học tiếng dân tộc

Toàn tỉnh hiện có 2.267 học sinh đồng bào dân tộc đang theo học ở các trường. Kết thúc học kỳ I, năm học 2017-2018 chỉ có 10 trường tiểu học đang thực hiện dạy chương trình tiếng Khmer cho học sinh, với 55 lớp và 807 học sinh theo học. Trong đó, thành phố Vị Thanh có 4 trường với 15 lớp và 218 học sinh; huyện Vị Thủy có 1 trường với 4 lớp và 35 học sinh theo học; huyện Long Mỹ có 5 trường với 36 lớp và 556 học sinh theo học. Ngoài ra, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam cũng đang tiến hành tổ chức dạy tiếng dân tộc.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện nay có số lượng học sinh dân tộc khá đông, nhưng hiện chỉ có khoảng 36% học sinh đồng bào Khmer được học tiếng dân tộc. Việc học tiếng dân tộc luôn được Hậu Giang quan tâm nhiều năm qua. Theo chia sẻ của một số trường hiện có học sinh dân tộc theo học, nhưng không tổ chức dạy được tiếng dân tộc cho các em là vì không có giáo viên giảng dạy tiếng dân tộc hoặc số lượng học sinh dân tộc quá ít. Ông Châu Phước Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vị Thủy 2, huyện Vị Thủy, cho biết: “Mấy năm trước, trường đều có dạy tiếng dân tộc Khmer cho học sinh, nhưng từ đầu năm học này, chương trình học bị gián đoạn. Do giáo viên dạy tiếng dân tộc đã xin nghỉ. Rất may là hiện nay chúng tôi đã hợp đồng được giáo viên mới để giảng dạy. Nhà trường luôn tích cực vận động để các em đến lớp đầy đủ”.

Kết thúc năm học 2016-2017, có 12 trường trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy tiếng Khmer cho học sinh đồng bào dân tộc với 61 lớp và 973 học sinh theo học. Số giáo viên dạy tiếng dân tộc là 35 giáo viên. Cấp tiểu học có 11 trường dạy tiếng dân tộc với 57 lớp và 860 học sinh theo học; cấp THCS có 4 lớp với 102 học sinh; cấp THPT có 6 lớp với 169 học sinh theo học

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>