Giúp thầy cô cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao tay nghề

17/11/2017 | 07:58 GMT+7

Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được tổ chức 2 năm một lần đã tạo điều kiện cho thầy cô thể hiện năng lực chuyên môn, cùng trao đổi các phương pháp giảng dạy hay.

Phần hội giảng của cô Phan Thị Kim Thoa, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A.

Tiết dạy phù hợp với đặc thù lớp học

Hoàn chỉnh giáo án, nguyên vật liệu, ứng dụng công nghệ thông tin cho bài giảng thêm sinh động là những gì được cô Phan Thị Kim Thoa, giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Châu Thành A, chuẩn bị cho tiết dạy tích hợp ở hội giảng lần này. Cô Thoa chia sẻ: “Để tham gia hội thi năm nay tôi đã chuẩn bị từ rất sớm. Qua bài giảng của mình vừa rồi và các ý kiến góp ý của ban giám khảo, tới đây tôi sẽ rút kinh nghiệm và áp dụng thêm một số phương pháp mới để bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của học viên”. Do dạy ở trung tâm GDNN-GDTX, nên đa phần người học là lao động nông thôn, đôi khi giáo viên dạy nghề phải cầm tay chỉ việc cho từng học viên.

Với cách dạy tích hợp được chuẩn bị khá tốt, mỗi công đoạn thực hành được lồng ghép lý thuyết, nên tiết dạy của cô Thoa đối với học viên đang học ở hệ trung cấp cũng được đánh giá là hấp dẫn và phù hợp với đặc thù của lớp học. Em Võ Thị Huỳnh Như, học viên lớp may thời trang của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, nói: “Em thấy cách dạy của cô rất sinh động, dễ hiểu, mỗi công đoạn cô đều hướng dẫn rất tận tình. Không chỉ dạy lý thuyết, cô còn cho chúng em xem hình ảnh thật qua ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, cô luôn quan sát và lắng nghe học viên cũng như quan tâm trong lúc chúng em thực hành”.

Cùng rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy

Với những giáo viên đến từ các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp mới được chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, được tham gia hội giảng như thế này, sẽ giúp các thầy cô có điều kiện thể hiện năng lực chuyên môn, học hỏi và rút kinh nghiệm trong công tác giảng dạy. Thầy Nguyễn Hoàng Huynh, giáo viên dạy nghề Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, bộc bạch: “Ngoài các lý thuyết liên quan, trong bài giảng của mình tôi tập trung cho các em thực hành để cho ra sản phẩm. Đối với học viên ở các trường trung cấp nghề, tay nghề là yếu tố rất quan trọng. Qua hội giảng lần này, tôi đã học hỏi được rất nhiều đặc biệt chú ý hơn về vấn đề an toàn lao động và cách quản lý học viên khi thực hành”.

So với các lần trước, hội giảng năm nay có thêm một số ngành, nghề mới ở các trường cao đẳng, trung cấp tham gia như chế biến và bảo quản thủy sản, thể dục… Qua hội giảng sẽ chọn những giáo viên có bài giảng tiêu biểu, điển hình để tham dự Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018. Ông Hồng Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Hầu hết các bài giảng đã kết hợp được việc dạy kiến thức, hướng dẫn kỹ năng với việc giáo dục phẩm chất nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như một số tiết giảng chưa gắn liền với thiết bị tự làm, phương pháp dạy còn chưa sinh động, chưa lấy người học làm trung tâm… Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo điều kiện tập huấn, bồi dưỡng thêm kỹ năng nghề, cải tiến phương pháp dạy học, đẩy mạnh hoạt động giao lưu để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên”.

Giáo dục nghề nghiệp trong những năm gần đây đang gặp không ít những khó khăn và thách thức về công tác tuyển sinh, duy trì phát triển quy mô và làm sao để đảm bảo chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội là điều rất cần thiết. Hội giảng cũng là một trong những hoạt động góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, từng bước xây dựng đội ngũ nhà giáo mạnh về số lượng và bền vững về chất lượng.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>