Gỡ khó đầu năm học

11/09/2017 | 09:45 GMT+7

Bài 1: Nỗi lo cũ

Năm học mới dù Hậu Giang đã có nhiều nỗ lực chăm chút cho giáo dục, nhưng vẫn còn đó những khó khăn khách quan, đang cần tháo gỡ...

Thiếu thốn cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo... luôn là nỗi lo canh cánh của nhiều trường khi bắt đầu năm học mới. Để khắc phục khó khăn trước mắt, nhiều trường đã linh động áp dụng nhiều cách để học sinh học tập tốt.

Áp lực sĩ số

Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Vị Thanh) đón nhận 900 học sinh với 27 lớp học, tăng 3 lớp so với năm học trước. Nhìn dãy lớp học đông đúc học sinh, cảnh giáo viên chủ nhiệm lớp phải gắng hết sức để ổn định lớp, ông Phạm Duy Minh, Hiệu trưởng của trường, thổ lộ: “Lớp học tăng ngoài tưởng tượng, nhà trường đã dự trù nếu tăng chỉ có thể tăng thêm 1 lớp 1 thôi, sĩ số chỉ có thể 40 học sinh là nhiều, nhưng số lượng tăng đến 53 học sinh/lớp. Bàn ghế không đủ, không có giáo viên giảng dạy… những ngày đầu tựu trường chúng tôi chịu nhiều áp lực từ phía phụ huynh. Nhưng nay thì cũng ổn rồi, phụ huynh cũng thông cảm và dần quen với tình cảnh của trường”.

Lớp học đông đến 53 học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh.

Để giải quyết tình trạng lớp học phát sinh do tăng học sinh, ban giám hiệu của trường đã lấy 2 phòng chức năng gồm 1 phòng âm nhạc và 1 phòng ban giám hiệu để bố trí 2 lớp 1 phát sinh. Nhà trường được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh bổ sung 40 bộ bàn ghế và 2 giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, với con số thực tế học sinh quá đông như thế này thì ít nhất nhà trường cần thêm 2 lớp học và 2 giáo viên mới giảm bớt áp lực sĩ số “bùng nổ”.

Thực trạng học sinh trên lớp đông hơn mức quy định không chỉ có ở tiểu học, cấp học mầm non, mẫu giáo, THPT cũng chung tình trạng này, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành A, huyện Châu Thành A, cho hay: “Trường có cả 2 cấp học THCS và THPT, năm nay số lượng tuyển sinh đầu vào khá đông. Do không đủ phòng học, trường phải bố trí 49-50 học sinh/lớp đối với khối 6 và khối 10”. Những năm học trước, trường đã gặp tình trạng này và phải linh động bố trí cả các phòng chức năng (phòng tin học, phòng bộ môn) để đảm bảo phòng lớp cho học sinh học tại trường. Năm học này, trường còn thiếu 1 phòng học, nên lấy thêm 1 phòng chức năng nữa để học sinh có chỗ học tập.

Chung tình cảnh đó, Trường Mẫu giáo Hòa An (huyện Phụng Hiệp), cũng có đến 2 lớp lá số trẻ 44-45 trẻ/lớp. Cô Trần Thị Trúc Linh, giáo viên dạy lớp lá, bộc bạch: “Mấy tuần nay, tôi và một giáo viên khác rất vất vả với số lượng trẻ tăng quá mức hiện nay, nếu với số lượng này 3 cô dạy mới xuể”. Phòng học nhỏ hẹp, số lượng trẻ đông rất khó tổ chức các hoạt động. Ban giám hiệu đã phải chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ để thay phiên nhau dạy trong lớp và cả ngoài hiên phòng…

Khan hiếm nguồn giáo viên hợp đồng

Với lượng học sinh tăng cao, bên cạnh áp lực về cơ sở vật chất, nhu cầu về giáo viên cũng tăng theo. Nằm trong tốp trường có số lượng giáo viên thiếu khá đông, với 14 giáo viên đầu năm học, Trường Mẫu giáo Lương Tâm (huyện Long Mỹ), hiện chỉ nhận được 4 hồ sơ giáo viên đến hợp đồng. Bà Phạm Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Việc khan hiếm nguồn giáo viên hợp đồng đang làm khó nhà trường. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho chủ trương hợp đồng nhưng không có nguồn giới thiệu”. Năm học 2017-2018, Trường Mẫu giáo Lương Tâm có 274 trẻ với 10 nhóm, lớp. Trường có 3 điểm phụ và 1 điểm chính đặt tại ấp 3, xã Lương Tâm, trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú cho trẻ, trong năm học 2017-2018. Ngay khi kết thúc năm học, trường đã thống kê số lượng giáo viên, nhân viên thiếu để tiếp tục xin chủ trương hợp đồng lại, nhưng rất khó có nguồn.

Ông Trương Văn Be, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Giáo viên được lựa chọn nguyện vọng ứng tuyển nên phần lớn giáo sinh sau khi ra trường chọn vào những trường lớn, gần trung tâm. Từ đó dẫn đến thực trạng những trường ở xa nguồn tuyển thấp, ít có điều kiện tuyển chọn giáo viên giỏi. Mức lương hợp đồng không cao nên nhiều giáo viên bỏ nghề không theo nữa”. Theo số liệu thống kê, năm học 2017-2018, huyện Long Mỹ thiếu 135 giáo viên, nhân viên. Trong đó, cấp học mầm non, mẫu giáo thiếu 66 giáo viên, 20 nhân viên; cấp tiểu học thiếu 9 giáo viên, 16 nhân viên; cấp THCS thiếu 10 giáo viên, 14 nhân viên.

Cũng chung tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy, Trường THCS Tây Đô (huyện Phụng Hiệp) cũng đang chờ sự phân công nhân sự của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Ông Trình Hữu Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đô, nói: “Trường thiếu 1 giáo viên môn hóa, chúng tôi bố trí giáo viên cùng bộ môn giảng dạy “tràn” qua cho giáo viên thiếu, cũng gây nhiều áp lực cho giáo viên bộ môn vì có thể dạy quá tiết quy định”.

Huyện Phụng Hiệp là địa phương thiếu giáo viên và nhân viên nhiều nhất tỉnh, với 437 giáo viên, nhân viên thiếu.

Tình trạng thiếu giáo viên, chưa đáp ứng đủ phòng học đã trở thành “điệp khúc” nhiều năm nay của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh. Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do tăng dân số cơ học, học sinh trên lớp tăng nên tăng quy mô lớp của cấp học. Nguyên nhân sâu xa là do chính sách đãi ngộ giáo viên còn hạn chế, thiếu nguồn tuyển giáo viên nên khó giữ chân giáo viên hợp đồng.

Toàn tỉnh thiếu 1.439 giáo viên, nhân viên

Cấp học mầm non, mẫu giáo và tiểu học là thiếu nhiều nhất, với 943 giáo viên, nhân viên; tiểu học thiếu 350 giáo viên, nhân viên; THCS thiếu 146 giáo viên, nhân viên. Trong 8 huyện, thị, thành phố, huyện Phụng Hiệp là địa phương thiếu nhiều nhất với 437 người, kế đến là huyện Vị Thủy 240 người, thiếu ít nhất là thị xã Long Mỹ chỉ 92 người. Sở Nội vụ đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, bổ sung 21 giáo viên, nhân viên cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Bài, ảnh: CAO OANH

Bài 2: Tháo nút thắt cho giáo dục

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>