Gỡ khó đầu năm học

12/09/2017 | 05:57 GMT+7

Những cái khó của ngành giáo dục và đào tạo vốn đã tồn tại lâu nay và rất cần giải pháp để khắc phục. 

Bài 2: Tháo nút thắt cho giáo dục

Để đạt con số 35 học sinh trên lớp dễ hay khó? Tuyển giáo viên hợp đồng khó hay dễ... đang rất cần lời giải.

Bổ sung đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất… là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.

Thêm chính sách hỗ trợ giáo viên hợp đồng

Khi hợp đồng, mỗi địa phương thực hiện theo một kiểu, có huyện ký hợp đồng với giáo viên mầm non 12 tháng, nhưng có nơi chỉ hợp đồng 9 tháng, 10 tháng… Cô Quách Hồng Nhu, giáo viên Trường Mẫu giáo Lương Tâm, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Là giáo viên hợp đồng nên các khoản phụ cấp thâm niên, đứng lớp… tôi đều không được hưởng, nhưng cũng may mắn là tôi được hợp đồng 12 tháng, chứ nếu thực hiện như các nơi khác có thì tôi không biết 3 tháng đó sẽ phải làm gì để có thu nhập lo cho gia đình nữa”. 

Mỗi giáo viên mầm non phải dành 10 giờ/ngày để thực hiện được các yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường và thêm khoảng 2 giờ/ngày để làm đồ dùng dạy học. Như vậy, mỗi năm giáo viên phải làm thêm hơn 730 giờ (không phân biệt giáo viên là biên chế hay hợp đồng) trong khi quy định là không quá 200 giờ/năm. Theo bà Lê Thị Thúy Loan, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hòa An, huyện Phụng Hiệp: “Do không có nguồn giáo viên, để đảm bảo đủ giáo viên và tuyển giáo viên đạt chất lượng. Trước mắt, giải pháp tình thế là nhà trường kiến nghị cho chúng tôi hợp đồng bảo mẫu (tốt nghiệp lớp 9 hoặc 12 thực hiện các phần việc như vệ sinh cho trẻ, chăm sóc trẻ…) để giảm bớt áp lực cho giáo viên, để giáo viên đứng lớp giảng dạy đạt chất lượng hơn. 

Học 2 buổi/ngày ở những trường có điều kiện

Việc dạy 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú là giải pháp để nâng cao hơn chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phòng lớp ở các trường (nhất là các trường điểm) chưa đảm bảo với nhu cầu thực tế học sinh tăng nhanh nên việc tăng thêm phòng học, giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày là cách được đa số ban giám hiệu và giáo viên các trường tiểu học còn khó khăn về cơ sở vật chất đề xuất. Cô Dương Ngọc Bích, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Lớp học đến 53 em, nếu áp dụng giải pháp tách lớp ra 2 buổi sáng và chiều sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh và cả giáo viên. Tôi nghĩ không nhất thiết phải tổ chức hết toàn bộ các khối lớp học 2 buổi/ngày”.

Còn ông Nguyễn Văn Út, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cây Dương 2, huyện Phụng Hiệp, nói: “Giáo viên nhà trường cũng không mấy mặn mà dạy 2 buổi/ngày. Nhất là năm nay, số học sinh tăng trong khi cơ sở vật chất của trường không đảm bảo nhu cầu dạy 2 buổi/ngày nhưng đại đa số phụ huynh đều đề xuất dạy 2 buổi để con em họ có điều kiện học tập, nâng cao hơn năng lực của bản thân. Tôi nghĩ cách duy nhất để trường đảm bảo cơ sở vật chất là đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất hiện tại. UBND huyện sớm xem xét, để trường nhận lại 2 phòng học đã cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện mượn sử dụng thời gian qua để đáp ứng thực tế nhu cầu giảng dạy”. Năm học 2017-2018, tại điểm chính Trường Tiểu học Cây Dương 2 được 16 phòng học nhưng có đến 17 lớp học, trường đã tận dụng 1 phòng chức năng để đảm bảo đủ phòng học.

Phát huy nhóm trẻ gia đình, xây dựng thêm trường tư thục

Trước áp lực sĩ số đông của các trường, việc đầu tư xã hội hóa xây dựng trường tư thục cũng là giải pháp được thành phố Vị Thanh thực hiện. Ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Việc hỗ trợ về chuyên môn, phát huy hiệu quả chất lượng của nhóm trẻ gia đình, vận động người dân có đủ điều kiện xây dựng trường mầm non tư thục sẽ là giải pháp giúp giáo dục thành phố giảm gánh nặng sĩ số ở hệ công lập, tạo điều kiện để các trường nâng cao hơn chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu để các trường có thêm điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất tại các trường”. Ngoài ra, việc các huyện, thị, thành phố thực hiện liên kết đào tạo với trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ, nhu cầu để có thêm nguồn tuyển cũng là một giải pháp giải quyết được vấn đề này trong vài năm tới.

Dù còn không ít khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, song với tinh thần hiếu học, ý chí vượt khó vươn lên, thầy và trò đã sẵn sàng bước vào năm học mới trong quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng, đạt kết quả cao trong năm học 2017-2018.

Để phục vụ khai giảng năm học 2017-2018, UBND tỉnh Hậu Giang đã thống nhất đầu tư nâng cấp, sửa chữa 69 điểm trường bức xúc về cơ sở vật chất trên địa bàn tỉnh để kịp khai giảng năm học mới, với tổng mức đầu tư là hơn 42,5 tỉ đồng. Trên địa bàn thành phố Vị Thanh có 4 điểm; huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A mỗi địa phương có 7 điểm; huyện Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy mỗi địa phương có 8 điểm; thị xã Long Mỹ và huyện Châu Thành mỗi nơi có 9 điểm; trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tổng cộng có 10 điểm.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã và đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các công trình trường học bằng nhiều nguồn kinh phí, chú ý các công trình bức xúc, cảnh quan môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, là thuyên chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu phù hợp với tình hình thực tế và phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>