Hấp dẫn với dự án giúp người nuôi cua đinh tăng lợi nhuận

05/04/2019 | 08:35 GMT+7

Với kinh phí khoảng 2 triệu đồng, hai em học sinh Mai Trí Công và Khưu Dịch Tiến, học sinh lớp 10VL, Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, cùng với giáo viên của mình đã sáng tạo ra dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh”. Dự án giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát quá trình ấp trứng cua đinh và đạt được tỷ lệ trứng nở gần 100%.

Thầy và trò bên dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh”.

Dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” đã xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Ý tưởng từ sự khó khăn của người nuôi

Chia sẻ lý do chọn và thực hiện dự án này, thầy Huỳnh Sinh Lel, cho biết: “Sở dĩ, thầy và trò chọn thực hiện dự án vì hiện nay ở tỉnh mình có nhiều mô hình nuôi cua đinh và người thân trong gia đình tôi cũng đang nuôi. Vấn đề người nuôi đang gặp phải là khan hiếm nguồn con giống. Khi cua đinh sinh sản, người nông dân ấp thủ công tỷ lệ trứng nở ra cua đinh con không cao, chỉ khoảng 50%, rất hiếm trường hợp đạt được 70%. Từ thực trạng đó, thầy và trò chúng tôi đã nảy ra ý định nghiên cứu một máy ấp trứng cua đinh như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất có thể, giúp giải quyết được nhu cầu về nguồn giống cho người chăn nuôi”. Theo chia sẻ của thầy Lel thì một con cua đinh một năm chỉ đẻ 2 đợt, nhiều nhất khoảng 4 ổ trứng, mỗi ổ trứng chỉ đẻ trung bình từ 6-9 trứng. Số lượng trứng khá ít nên người nuôi không ai bán trứng mà để lại ấp, nuôi cua đinh thịt. Sau khoảng 4 năm nuôi, khi cua đinh đạt trọng lượng từ 4-5kg sẽ được xuất ra bán, giá thị trường 1kg cua đinh thịt khoảng 600.000 đồng. Tuy nhiên, với tỷ lệ trứng nở từ 50-70% thì trung bình mỗi ổ trứng có khoảng 2 trứng không nở thì thiệt hại cho người nuôi khá nhiều. 

Phấn khởi khi dự án của nhóm mình thực hiện mang về niềm vinh dự cho nhà trường và gia đình, em Mai Trí Công chia sẻ: “Chưa bao giờ em có cảm giác bất ngờ và thấy hạnh phúc đến vậy. Có được kết quả này chính là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của thầy cô nhà trường. Đặc biệt là thầy Huỳnh Sinh Lel, thầy đã nhiệt tình hướng dẫn để chúng em mang về kết quả cao nhất trong cuộc thi”.

Đam mê nghiên cứu dự án

Nghĩ là làm, thầy và trò chủ động nghiên cứu về tập tính, môi trường sống, thời gian sinh sản, môi trường sinh sản của cua đinh, nghiên cứu cách ấp trứng thủ công, đo nhiệt độ, độ ẩm, thời gian và điều kiện thuận lợi cho trứng cua đinh nở… và tiến hành cài đặt phần mềm theo dõi bằng điện thoại di động. Em Khưu Dịch Tiến thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên em tham gia nghiên cứu một dự án khoa học. Em không ngờ rằng mình lại được giải cao nhất ở hội thi cấp quốc gia. Nhờ nghiên cứu dự án em hiểu hơn về tập tính, môi trường sống của động, thực vật. Giúp bổ sung cho em nhiều kiến thức hay”. Lợi thế của nhóm là được sự hỗ trợ về trứng cua đinh, kỹ thuật nuôi và cách ấp trứng cua đinh thủ công của ông Trần Văn Lập, ở ấp 1, xã Vị Tân (một người nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cua đinh) nên thầy và trò đã mày mò nghiên cứu và thiết kế các thiết bị, gắn các cảm biến vào thùng xốp ấp trứng cua đinh theo cách riêng của mình để đem lại hiệu quả cao.

Quy trình ấp trứng được thầy và trò thực hiện trong thời gian 90 ngày. Điểm hấp dẫn của dự án là máy ấp trứng đựơc cài đặt phần mềm theo dõi bằng điện thoại di động, có gắn camera quan sát giúp theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, quá trình trứng nở, còi báo hiệu khi có vấn đề bất thường xảy ra… Đặc biệt hơn là còn cài đặt âm thanh, tiếng nhạc vào thùng xốp để tạo môi trường tự nhiên như: tiếng nước chảy, tiếng chim hót. Thầy Lel chia sẻ: “Điểm khó khi thực hiện dự án là hiện nay chưa có ai nghiên cứu máy ấp trứng cua đinh để tham khảo và cũng không ai bán trứng cua đinh để nghiên cứu. Ngoài ra, khoảng cách thời gian giữa các ổ trứng cua đinh đẻ xa nhau nên gặp khó trong việc điều chỉnh các nhiệt độ, độ ẩm phù hợp… Tuy nhiên bằng sự đam mê, ham học hỏi, kết hợp với tính kiên nhẫn mà sau 2 lần thực nghiệm, từ tỷ lệ trứng nở 60% trong lần thực nghiệm 1, thì lần thực nghiệm 2 tỷ lệ trứng nở ra cua đinh con đạt 100% (với 9/9 trứng nở).

Em Mai Trí Công cho biết: “Chúng em đang có hướng nghiên cứu là sẽ trang bị thêm pin năng lượng mặt trời để máy có thể hoạt động trong thời gian mất điện. Bên cạnh đó, tạo dây truyền khi cua đinh nở có thể tự động bò xuống vị trí khu vực nuôi và bộ đếm cua đinh tự động”.

Chính niềm đam mê và những ý tưởng sáng tạo đã giúp hai em học sinh tự tin tạo nên sản phẩm có lợi cho mọi người. Dự án hứa hẹn sẽ tạo ra sự đột phá, giúp tăng thêm thu nhập, giảm chi phí cho người nuôi cua đinh hơn cách ấp trứng thủ công rất nhiều.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>