Hiến kế giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia

01/08/2018 | 15:55 GMT+7

Tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, 26 đại biểu đã trình bày những đánh giá và hiến kế giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia sau những bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, dư luận bức xúc và hoài nghi về độ chính xác, sự cần thiết của kỳ thi “2 trong 1” này.

Cuộc họp dự kiến chỉ diễn ra trong buổi sáng, nhưng vì có quá nhiều ý kiến nên đã kéo dài đến hết buổi chiều. Buổi họp có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhưng bộ trưởng không nêu quan điểm, chỉ lắng nghe.

Đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia, đa số các đại biểu đồng tình kỳ thi phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kỳ thi đã giảm áp lực thi cử, tốn kém cho xã hội khi phụ huynh, học sinh không phải vất vả di chuyển, ở trọ nhiều ngày để tham gia các cuộc thi. Những vấn đề về ùn tắc, tai nạn giao thông trong mùa thi cũng được giải quyết. Mục tiêu “đánh giá đúng năng lực học sinh làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng”, nếu địa phương làm nghiêm túc thì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay sẽ đảm bảo được. Tuy nhiên, sự gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La khiến việc đánh giá một số học sinh không đúng thực chất. Cái chưa hoàn thiện ở đây là khâu ra đề, khâu kỹ thuật, Bộ GD-ĐT phải tiếp thu và cải thiện trong những năm tới cho kỳ thi tối ưu hơn. Các đại biểu cho rằng trong 1-2 năm tới, kỳ thi vẫn tiến hành nhưng phải có giải pháp như: khâu coi thi, làm phách bài trắc nghiệm, lắp camera trong phòng thi, nơi chấm thi... đảm bảo tính chính xác.

Những trao đổi tại cuộc họp đi đến nhận thức chung về bản chất kỳ thi THPT quốc gia và các giải pháp hoàn thiện cho kỳ thi trong thời gian tới, lộ trình cải cách thi, tuyển sinh những năm tiếp theo. Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục tiến hành trong 2 năm 2019 và 2020, bản chất là xét tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu này. Đề của năm 2018 vừa qua được đánh giá là quá khó, chưa phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp khi có hơn một nửa số học sinh cả nước sẽ bị trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi. Về công tác chấm thi, các đại biểu trong cuộc họp đồng thuận không thể giao cho địa phương. Bộ GD-ĐT có thể chịu trách nhiệm về việc này, hoặc chấm tập trung, theo cụm, hoặc bộ giao cho trường ĐH phối hợp thực hiện. Đồng thời, Bộ GD-ĐT phải có những cải tiến về quy trình, kỹ thuật trong khâu tổ chức, phần mềm chấm thi... để kết quả thi được chính xác, tránh gian lận.

Cuộc họp thống nhất từ năm 2021 sẽ thay đổi căn bản việc thi, tuyển sinh đại học, theo hướng tiệm cận cách làm ở các nền giáo dục tiên tiến. Bộ GD-ĐT sớm công bố phương án và lộ trình cải cách chi tiết. Trong đó, trong tương lai sẽ có những trung tâm khảo thí độc lập theo mô hình SAT, ACT của Mỹ để giúp trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Theo THANH HÙNG – SGGp Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>