Hiệu quả bảo vệ môi trường từ mô hình “5T”

23/10/2018 | 08:14 GMT+7

“Tuyên truyền, thu gom, tái chế, tiết kiệm, tươi tốt”, với các nội dung này mô hình 5T của Trường THCS Trường Long A, huyện Châu Thành A, đang phát huy hiệu quả tích cực trong việc giáo dục ý thức thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường của giáo viên và học sinh.

Rác tái chế được đội tình nguyện của trường gom về điểm lưu trữ để bán sau 2 tuần.

Trường sáng, xanh, sạch, không có rác

Bà Trần Thị Hồng Thắm, ở ấp Trường Bình, xã Trường Long A, có con học tại trường, chia sẻ: “Mỗi lần đến trường rước con tôi đều ấn tượng bởi khuôn viên sạch, đẹp của trường. Cho con học tại đây tôi thấy rất yên tâm. Vì đây không chỉ là môi trường giáo dục học tốt mà là nơi nâng cao ý thức tự giác của học sinh khi tôi luôn thấy từng nhóm học sinh chăm sóc bồn hoa, nhặt nhanh những ly nhựa, chai trên sân trường để vào thùng rác phân loại của nhà trường”.

Những năm trước, học sinh trong trường có thói quen xả rác mọi nơi mặc dù đã được thầy cô nhắc nhở nhiều lần. Giờ ra chơi, các em thường ăn quà vặt, có em ăn và vứt rác ngay tại chỗ trong khuôn viên trường. Thậm chí thức ăn còn được đưa lên phòng học và rác chất trong hộc bàn, trên nền phòng học. Góc phòng học thì ẩm mốc do hậu quả từ những ly nước đá, nước ngọt do học sinh uống vội để tập trung một chỗ. Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Xuất phát từ những lý do trên, nhà trường đã đưa ra thực hiện mô hình này. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay ý thức học sinh rất tốt, không còn tình trạng học sinh bỏ rác thải bừa bãi mà đã đúng nơi quy định”.

Mô hình 5T được trường bắt tay vào thực hiện năm học 2017-2018. Đây là một quy trình mà nhà trường đề ra để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em. “Tuyên truyền” là để nâng cao nhận thức và kiến thức. Giáo viên trường đã thiết kế đa dạng các hình thức tuyên truyền như sử dụng các tài liệu, tranh, ảnh kết hợp với phổ biến vào các giờ ngoại khóa cho học sinh. “Thu gom” là các em biết đâu là rác tái chế, rác không tái chế được để tự phân loại. “Tái chế” là nhà trường bố trí 4 thùng rác tái chế (gồm: chai nhựa, giấy, ly uống nước...) và 4 thùng rác không tái chế (gồm bọc ni-lông, lá cây...) có nắp đậy lớn để học sinh cho vào thùng. “Tiết kiệm” là từ nguồn rác tái chế sẽ được đem bán gây quỹ cho hoạt động, phong trào Đội. “Tươi tốt” ngoài các rác tái chế được bán thì rác hữu cơ sẽ được trường ủ làm phân để bón cho cây. Em Nguyễn Phước Dư, học sinh lớp 7A1, bộc bạch: “Sau khi uống nước xong thay vì bỏ ngay vào thùng như trước thì lượng nước đá còn dư lại trong ly, chai chúng em đã đổ vào bồn hoa của trường, vừa giúp cho việc lưu trữ rác tái chế vệ sinh, không bốc mùi vừa làm cây xanh tươi tốt, khoe sắc trong sân trường mát rượi. Nhờ trường thực hiện mô hình 5T này mà việc bảo vệ môi trường sống em thấy không khó, quan trọng là từ những hành động nhỏ nhất của mỗi người”.

Nâng ý thức bảo vệ môi trường

Chuyển nhận thức thành hành động, mô hình 5T đã thu hút học sinh, giáo viên tham gia rất tích cực. Theo đó, nhà trường có ngay 1 đội tình nguyện bảo vệ môi trường gồm 10 thành viên. Các em học sinh tình nguyện vào các buổi học sẽ thay phiên nhau nhắc nhở, kiểm tra các bạn giữ vệ sinh và thu gom rác tái chế về khu vực lưu trữ phía sau trường. Nhà trường bố trí 1 bao lưới đủ rộng để sau 2 tuần sẽ gom bán 1 lần. Em Nguyễn Duy Bảo, học sinh lớp 7A4, thành viên đội tình nguyện, bộc bạch: “Không chỉ chủ động cùng các bạn giữ vệ sinh trường lớp, em về nhà cũng tranh thủ giúp mẹ quét dọn nhà cửa, động viên các cô chú gần nhà phân loại rác. Em thấy rất vui vì giúp ích cho gia đình và xã hội nâng cao ý thức bảo vệ môi trường”. Năm học 2017-2018, thực hiện mô hình 5T, Trường THCS Trường Long A đã thu được gần 990kg rác tái chế, sau khi gom bán đã thu về gần 2 triệu đồng gây quỹ “Kế hoạch nhỏ” để phục vụ hoạt động Đội của trường. 

Cô Lâm Kim Ny, giáo viên tổng phụ trách Đội của trường, cho biết: “Không có gì là vô ích, rác thải cũng vậy, điều quan trọng là làm thế nào để tận dụng được rác thải hiệu quả. Và quan trọng hơn nữa là ý thức của học sinh, việc rèn cho các em các kỹ năng sống này sẽ góp phần định hình nhân cách, lối sống lành mạnh cho các em trong tương lai, sống tiết kiệm, chân thành vì lợi ích chung của tập thể”.

Từ những hiệu quả mang lại mô hình 5T đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A chỉ đạo nhân rộng trong toàn huyện. Ông Đỗ Hồng Mến, Phó Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Thành công của mô hình là động lực để nhà trường tiếp tục thực hiện mô hình mới để rèn thêm kỹ năng sống cho học sinh, để các em phát triển toàn diện cả tri thức và nhân cách”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>