Hoa khuyến học

18/01/2018 | 07:55 GMT+7

Khuyến học, khuyến tài đã đồng hành cùng giáo dục Hậu Giang từ những năm đầu chia tách. Để rồi, những bông hoa khuyến học biết vươn lên tìm con chữ, mong đổi đời xuất hiện ngày một nhiều thêm và những người ra sức vận động mạnh thường quân chăm lo cho công tác khuyến học, khuyến tài là những bông hoa đẹp nhất...

Ước mơ được đến trường của Phan Ngọc Nhã Anh (bên phải), chưa bao giờ vụt tắt vì được sự quan tâm của cộng đồng.

Khi “hạt giống” trên đất khô cằn được vun phân, tưới nước

Anh Nguyễn Khắc Huy, đang công tác tại Ngân hàng Sacombank chi nhánh Hậu Giang, là một trong những tấm gương vượt khó học tốt, từng được nhận học bổng của chương trình Hoa lúa do Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang trao tặng. Anh Huy kể: “Năm tôi vừa thi tốt nghiệp xong, cha mẹ ở nhà cùng lúc bị bệnh, khi đó căn nhà duy nhất của cả gia đình phải bán đi để lo thuốc thang cho cha mẹ. Rồi cả nhà dọn ra ngoài thuê một phòng trọ nhỏ để sinh sống. Sau đó, biết mình đậu vào Trường Đại học Tây Đô, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn đi học tiếp sẽ là gánh nặng cho cha mẹ, không học thì sau này biết sẽ làm được gì. Nhờ sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ của mọi người, tôi mới tự tin vào học đại học”.

Lúc trước, gia đình anh Huy sống chủ yếu dựa vào công việc buôn bán ở chợ Vị Thanh, từ khi cha mẹ anh bị bệnh, bao nhiêu tài sản của gia đình phải bán hết để lo chạy chữa. Hai năm đầu học đại học, những khi không có lịch học anh đều về nhà chăm lo cho cha mẹ, chạy xe ôm, bán vé số… để kiếm thêm thu nhập trang trải kinh tế gia đình. Hai năm cuối đại học, anh vừa đi học vừa xin đi chạy bàn ở các quán ăn, quán cafe hay dọn dẹp nhà… Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn và tinh thần ham học của cậu sinh viên nghèo, nhiều mạnh thường quân đã hỗ trợ chi phí học tập giúp anh yên tâm đến trường. “Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng chưa lúc nào tôi muốn từ bỏ việc học vì tôi biết không học thì sau này chẳng thể thay đổi được số phận. Rất may, những năm khó khăn đó, tôi đã được trường, chi hội và Hoa lúa xét hỗ trợ nhiều suất học bổng”, anh Huy chia sẻ thêm.

Chia tay anh Huy, đi trên con đường đang được trang trí với những sắc hoa rực rỡ để đón chào xuân mới, chúng tôi tìm gặp cô học trò nhỏ Phan Ngọc Nhã Anh, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Him Lam, thành phố Vị Thanh, một trong những học sinh được nhận học bổng do tổ chức Vietnam Scholarship Foundation (VNSF) tài trợ. Nhã Anh nói: “Em rất mừng khi 2 năm nay em đều được nhận học bổng VNSF vào đầu mỗi học kỳ để trang trải chi phí học tập. Do học bổng này chỉ dành cho học sinh có thành tích khá, giỏi liên tục nên em sẽ cố gắng học thật tốt để tiếp tục được nhận học bổng đến trường”.

Nhà thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, căn nhà hiện tại của gia đình Nhã Anh đang ở được cất tạm trên phần đất của người quen cho mượn. Do cha em bị tai biến, nên gánh nặng kinh tế gia đình phụ thuộc vào công việc bán vé số hàng ngày của mẹ và 4 anh em Nhã Anh. Sau giờ học ở trường, hai người anh lớn của em đi đưa đón học sinh ở trung tâm ngoại ngữ để kiếm thêm thu nhập, còn anh Tư, mẹ và Nhã Anh cùng nhau đi bán vé số. Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng anh em Nhã Anh đều rất ham học.

Như một hạt giống trên vùng đất khô cằn, khi được vun phân tưới nước, những bông hoa khuyến học đã đâm chồi, nảy lộc để hướng tới ánh sáng mặt trời, tự tin tìm tương lai tươi sáng. Có được điều đó là nhờ vào tấm lòng của những người cần mẫn, miệt mài với công tác khuyến học, khuyến tài.

Để những ước mơ không bị từ bỏ

“Còn sức là còn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Nhìn các em tôi lại nhớ mình ngày trước. Với những gì đã trải qua, tôi mong các em hãy vững tin, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Vì quanh các em vẫn còn rất nhiều mạnh thường quân bên cạnh”, đó là lời nhắn nhủ của ông Võ Thành Tuấn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phụng Hiệp. Hơn chục năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài, niềm vui lớn nhất của ông là nhìn thấy các em học sinh nghèo khó không dang dở chuyện học hành.

Năm 2006, khi Hội Khuyến học huyện Phụng Hiệp được thành lập, từ một hiệu trưởng ở trường tiểu học, ông Tuấn được phân công về hội khuyến học. Khi ấy, phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Phụng Hiệp còn nhiều khó khăn, đa phần người dân vẫn chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc tiếp sức đến trường. Ông Tuấn cho biết: “Lúc mới nhận công tác về hội, tôi cũng trăn trở lắm, phong trào lúc đó chưa mạnh, mà địa bàn quá rộng, hộ nghèo lại nhiều. Tôi tranh thủ tham mưu với các cấp lãnh đạo, chủ động đi tìm đơn vị tài trợ, mạnh thường quân… để vận động quà, học bổng cho các cháu học sinh”. Bằng quyết tâm và trách nhiệm của ông Tuấn và tập thể, nhiều năm nay Hội Khuyến học huyện Phụng Hiệp là một trong những đơn vị vận động quỹ khuyến học, khuyến tài nhiều nhất tỉnh.

Ở cái tuổi xế chiều, không chỉ ngày ngày lặn lội đi “xin” từng quyển tập, từng suất học bổng… ông Tuấn còn đồng hành cùng các nhà tài trợ để tìm đến hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ. “Trực tiếp xuống nhà các em, mới thấy hết học sinh trên địa bàn huyện mình còn khó khăn lắm. Nhiều em nhà ở trong ruộng, nhưng rất ham đi học, mỗi ngày các em phải xắn quần lội đồng, bơi xuồng hàng cây số để đến được lớp học…”, ông Tuấn nói.

Cuộc đời của những người đi “xin” vì học sinh nghèo là thế và với họ còn đi “xin” được đó là một niềm vui rất lớn, họ chỉ mong:

“Cộng đồng học tập chung tay

Để cho dân trí ngày càng nâng cao”

(Khuyến học khuyến tài - Nguyễn Đức Mía)

Hậu Giang là một tỉnh thuần nông, đời sống của bà con cũng còn rất nhiều khó khăn, vì thế công tác vận động quỹ khuyến học, khuyến tài chưa bao giờ “ngơi nghỉ”. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính đến nay, huyện Long Mỹ còn nhiều cái khó, trong đó có công tác khuyến học, nhưng không vì thế mà mọi người nản lòng. Bà Phạm Ngọc Sương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Do không có nhiều doanh nghiệp, mạnh thường quân đóng trên địa bàn, công tác vận động khó lắm. Ở đâu người ta cũng đi vận động, nên càng khó”… Hiểu rõ những khó khăn đó, nhiều người con từng sống, chiến đấu ở vùng đất anh hùng Long Mỹ đã và đang trở về cùng địa phương chăm lo cho thế hệ tương lai bằng nhiều việc làm thiết thực như tặng quà, tặng học bổng, trao xe đạp… 

Với những mạnh thường quân, những suất quà, những suất học bổng trao đi, họ mong muốn nhận lại là những học sinh mình giúp đỡ trở thành người có ích cho xã hội và ngày nào đó sẽ quay về phục vụ lại cho chính quê hương mình, đỡ đần tiếp cho thế hệ đàn em…

Toàn tỉnh có 3.906 gia đình học tập, 137 dòng họ được công nhận là dòng họ học tập, 352 cộng đồng ấp/khu vực được công nhận là cộng đồng học tập, 225 đơn vị học tập (trường học, doanh nghiệp, cấp xã, phường, thị trấn…).

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>