Học đi đôi với hành

25/12/2019 | 08:33 GMT+7

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường, là giải pháp hiệu quả trong thời gian qua được các trường học trên địa bàn huyện Long Mỹ đang tập trung thực hiện. Góp phần thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”.

Em Trần Trọng Nguyễn (bìa phải), học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lương Nghĩa, đang thực hiện “Găng tay hỗ trợ cho người bị tai biến, bị liệt nửa chi trên và mất khả năng nói”.

Sáng tạo có tính thực tế cao

Nếu như cách đây 5 năm, nói đến phong trào nghiên cứu khoa học ở huyện Long Mỹ nhiều học sinh, giáo viên còn thấy khá bỡ ngỡ. Các sản phẩm dự thi chỉ dừng lại ở mô hình, nay phong trào đã được nhân rộng hiệu quả, tính thực tế rất cao. Điển hình như Trường THCS Lương Nghĩa, một trường vùng sâu, nhưng thời gian qua chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học được đánh giá cao khi nhiều năm liên tục đều có dự án mang về giải thưởng cấp tỉnh, quốc gia từ các cuộc thi như: Tin học trẻ, Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng... Em Trần Trọng Nguyễn, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lương Nghĩa, chia sẻ: “Nhờ thầy cô hướng dẫn nghiên cứu khoa học mà em thấy mỗi giờ học ngày càng hấp dẫn, cuốn hút. Em đã biết cách vận dụng lý thuyết vào những dự án khoa học, để tạo ra những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống của mọi người”.

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, mới đây tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2019-2020, em Nguyễn đã xuất sắc đạt giải nhì với dự án “Găng tay hỗ trợ cho người bị tai biến, bị liệt nửa chi trên và mất khả năng nói”. Đây là dự án thứ 2 em tham gia cấp tỉnh. Dự án đầu tiên em tham gia là “Nghiên cứu sự nảy mầm của hạt dưa hấu theo thời gian thực”. Dự án là giải pháp giúp giảm chi phí mua hạt giống, tăng năng suất cây trồng mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân. Xuất sắc đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2018-2019 và đạt 2 giải đặc biệt Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam do Trường Đại học Cần Thơ, Công ty Cổ phần giáo dục Việt Nam trao tặng.

Thầy Mai Trọng Hữu, giáo viên hướng dẫn em Nguyễn thực hiện các dự án, cho biết: “Lợi thế của em Nguyễn là em rất siêng và học rất giỏi. Em luôn dành nhiều thời gian để tự nghiên cứu khoa học. Đó chính là cách để em luôn nhạy bén và nảy sinh nhiều ý tưởng có ích cho cuộc sống. Tôi đã lựa chọn ý tưởng phù hợp nhất để em khai thác. Và kết quả mang lại, dự án “Găng tay hỗ trợ cho người bị tai biến, bị liệt nửa chi trên và mất khả năng nói” chuẩn bị nâng cấp các tính năng để trở thành thương phẩm”.

Nhiều hiệu quả nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học

Bén duyên với hoạt động nghiên cứu khoa học vài năm gần đây, nhưng với thầy Nguyễn Hoàng Lăng, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Tây Đô, đây là giải pháp rất hiệu quả để thầy thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”. Thầy Lăng bộc bạch: “Để học tốt tiếng Anh đối với học sinh trường nông thôn là một đều không hề dễ. Tôi đã tạo ra các mô hình, sản phẩm khoa học để khơi gợi niềm đam mê học tập, biến những giờ học tiếng Anh trở nên sôi động, hấp dẫn học sinh. Học sinh chỉ có đam mê, thích học thì mới học chăm và giỏi được”. Nghĩ là làm, thời gian qua thầy Lăng đã sáng tạo ra khá nhiều mô hình học tập như: “Các nguồn năng lượng thay thế” giúp học sinh học tốt từ vựng và tìm hiểu khá tốt các nguồn năng lực tự nhiên. Từ tính sáng tạo và sự năng ứng dụng thực tế trong các môn học cao, mô hình đã xuất sắc đạt giải nhất Hội thi giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập cấp tỉnh năm học 2017-2018. Hay dự án “Tăng hứng thú và rèn luyện kỹ năng tự học từ vựng tiếng Anh cho học sinh trung học qua các app trên smartphone”...

Ông Nguyễn Hoàng Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, cho biết: “Bây giờ hoạt động nghiên cứu khoa học đã không còn là sự mới mẻ và khó thực hiện đối với giáo viên và học sinh của trường. Tôi thấy rất mừng khi các giáo viên và học sinh trường đã biết chủ động trong nghiên cứu khoa học. Nhờ nghiên cứu khoa học, vai trò của người thầy ngày càng được phát huy cao. Ngoài tự đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình, người thầy còn cần khơi gợi kiến thức, hướng dẫn, định hướng học sinh phương pháp tìm tòi tri thức và triển khai dự án gắn liền với thực tế cuộc sống”. Từ việc đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, chất lượng dạy và học của Trường THPT Tây Đô ngày càng nâng cao. Trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh khá giỏi toàn trường đạt 60,2%, số giáo viên và học sinh giỏi cấp tỉnh đạt 26 giải, trong đó có 3 học sinh đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia, thi đua ngành đạt hạng nhì bảng B khối THPT, được UBND tỉnh tặng bằng khen tập thể lao động xuất sắc…

Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Thực hiện tốt phương châm “Học đi đôi với hành”, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, dạy học lấy học sinh làm trung tâm mà trọng tâm là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Từ những sản phẩm, mô hình, dự án thiết thực mang lại hiệu quả cho mọi người, các giáo viên và học sinh của huyện ngày càng khẳng định thương hiệu của huyện vùng sâu nhưng chất lượng giáo dục luôn vươn tầm”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>