Học sinh chủ động, giáo viên gợi mở

09/04/2018 | 08:04 GMT+7

Với phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, thời gian qua chất lượng dạy và học ở các trường không ngừng được nâng cao. 

Được tự tay chăm sóc vườn rau, cây kiểng ở sân trường, được học làm bác sĩ, làm thợ xây dựng ngay tại lớp... là những gì các bé ở Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị xã Ngã Bảy, được học trong thời gian qua. Nếu trước đây, đến lớp các bé chỉ đơn thuần được học hát, múa, được nghe cô giáo kể chuyện, thì hiện nay các em được tham gia nhiều hoạt động học tập hơn. Bà Đào Thị Ngọc Thu, Hiệu trưởng nhà trường, nói: “Đa phần các hoạt động giảng dạy hiện nay ở trường đều tập trung để trẻ hoạt động là chính. Ngoài các hoạt động vui chơi tại lớp, chúng tôi còn tăng cường cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời, để trẻ được thực hành nhiều hơn. Với cách giảng dạy theo hướng lấy trẻ làm trung tâm này, trẻ rất thích đến lớp, các bé được tiến bộ hơn rất nhiều”.

Các bé ở Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị xã Ngã Bảy, được tham gia các hoạt động ngay tại trường.

Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị xã Ngã Bảy, hiện có 286 trẻ đang theo học, ngoài điểm chính, trường còn có 2 điểm lẻ. Để giáo viên chủ động vận dụng các phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo các cô hàng tháng thay đổi chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, để thu hút trẻ. Hiện tại, ngoài làm đồ dùng, đồ chơi để trẻ được hoạt động ngay tại lớp, giáo viên của trường còn trồng rau, trồng cây ăn trái, cây kiểng để các bé được tự trải nghiệm thực tế như chăm sóc, cắt tỉa… Với cách giảng dạy này, đã tạo được hứng thú cho các bé, được nhiều phụ huynh rất đồng tình và hỗ trợ.

Không riêng gì các bé ở trường mầm non, mẫu giáo, thời gian qua phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm, cũng được giáo viên ở Trường Tiểu học Phương Phú 1, huyện Phụng Hiệp, áp dụng vào giảng dạy. Bà Lư Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Với phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, giáo viên chỉ là người gợi mở, các kiến thức liên quan đến bài học học sinh sẽ tự tìm hiểu. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng học hiệu quả với phương pháp này, đối với những em chưa theo kịp giáo viên sẽ chủ động chia các em vào nhóm nhỏ để hỗ trợ các em nhiều hơn. Từ khi áp dụng phương pháp giảng dạy này, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình của trường cũng đạt gần 100%”. Với phương pháp mới này, học sinh sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo đặc biệt kiến thức bài học sẽ được các em khắc sâu hơn.

Bên cạnh các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm còn được triển khai thực hiện ở một số trường THCS trên địa bàn tỉnh. Cùng với mong muốn để học sinh, sinh viên phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong quá trình học tránh theo lối mòn quá nhiều lý thuyết khô khan, từ đầu năm học 2017-2018, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang bắt đầu triển khai giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm. Bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Giảm lý thuyết khô khan, tăng khả năng thực hành, tập trung các hoạt động hướng về học sinh, sinh viên để các em ra trường có tay nghề vững vàng, là mục tiêu được trường tập trung thực hiện kể từ năm học này. Chúng tôi đã xác định giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm là hướng để nhà trường nâng cao chất lượng”.

Để khắc phục tình trạng “học chay, học vẹt”, chương trình đào tạo thiếu thực tế, không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, các trường đang chuyển dần từ lý thuyết khô khan sang các bài học gắn liền với thực hành thực tế cho các em. Cách lấy người học, việc học làm trung tâm, là một trong những cách để các trường từng bước tiếp cận với cách đổi mới phương pháp giảng dạy.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>