Học sinh trường chuyên tìm ra chất ức chế tế bào ung thư

03/05/2019 | 07:51 GMT+7

Nhờ đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ngành y - dược, hai em học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh là Trần Thị Cẩm Duyên và Trịnh Phú Hưng, học lớp 12H, đã tìm ra chất ức chế tế bào ung thư gan và tế bào ung thư vú từ dự án “Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính sinh học thân cây phèn đen”.

Cô và trò cùng nghiên cứu hoạt tính của thân cây phèn đen.

Kết quả bất ngờ từ phòng thí nghiệm

Xuất phát từ lo ngại thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, em Duyên và em Hưng đã bắt tay vào việc nghiên cứu dược chất của cây phèn đen, một trong số cây thuốc nam có sẵn trên địa bàn để kích thích khả năng thải độc của cơ thể, đặc biệt là ở gan. Em Trần Thị Cẩm Duyên, học sinh lớp 12H, chia sẻ: “Một lần tình cờ, em thấy ba mình chặt cây phèn đen nấu nước uống. Nghe ba nói cây này uống rất mát và giải độc tốt hơn các loại cây thuốc nam khác. Từ đó, lóe lên trong đầu em ý định tìm hiểu kỹ về cây này”. Kết quả tìm hiểu được khá thú vị, cây phèn đen thường được người dân gọi là cây múi, có họ hàng với cây diệp hạ châu đắng - một loại cây đã được khoa học công nhận có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh về gan. Cây phèn đen có tên khoa học là Phyllanthus reticulatious Poir. Trong y học cổ truyền, cây phèn đen được dùng để chữa bệnh về đường tiêu hóa như: tả, lỵ, tiêu chảy… Còn trong y học hiện đại, cây này đã được nước ngoài nghiên cứu ứng dụng để trị bệnh tiểu đường chống vi rút, kháng khuẩn… Đây là những tìm hiểu hấp dẫn, thu hút nhóm quyết tâm nghiên cứu hơn.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu, nhóm học sinh gặp khó ngay ở khâu tìm tài liệu dược tính. Cây phèn đen, là một loại cây rất ít có tài liệu tham khảo. Nhóm học sinh và giáo viên hướng dẫn là cô Lê Thị Anh Vy, giáo viên dạy môn hóa của trường đã tìm đến các phòng thuốc nam để tìm hiểu. Tuy nhiên, cũng chỉ là kinh nghiệm dân gian truyền nhau, chưa có tài liệu nào chính thống. Không bỏ cuộc, nhóm bắt đầu chuyển hướng tìm các nguồn tài liệu tham khảo dược tính từ sách nước ngoài.

Điểm may mắn của nhóm chính là em Hưng có vốn kiến thức tiếng Anh rất tốt. Bên cạnh đó dự án “Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính sinh học thân cây phèn đen” được sự quan tâm và hỗ trợ của thầy cô Trường Đại học Cần Thơ. Đặc biệt là cô Tôn Nữ Liên Hương, Phó giáo sư - tiến sĩ, Khoa khoa học tự nhiên của trường, cô không chỉ hỗ trợ về tài liệu và tạo điều kiện về phòng thí nghiệm mà còn hướng dẫn để nhóm thực hiện đúng theo các bước quy trình của một đề tài nghiên cứu khoa học. Bởi, theo cô Hương, dự án là một ý tưởng hay, nếu thực hiện thành công sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong y học. Không phụ tâm huyết và sự hỗ trợ của mọi người, sau gần 10 tháng nghiên cứu, kết quả mang lại từ phòng thí nghiệm, nhóm 2 học sinh đã tìm và tách được chất Kaempferol 3-O-á-L Rhamnopyranoside đã được xác định có hoạt tính ức chế tế bào ung thư gan và tế bào ung thư vú hiệu quả cao. 

Hy vọng giúp ích cho mọi người

Cô Lê Thị Anh Vy, giáo viên hướng dẫn nhóm thực hiện dự án, chia sẻ: “Kết quả mang lại rất bất ngờ với cô và trò. Mọi sự cố gắng, công sức nghiên cứu, bỏ ra hết cả thời gian hè để cô trò lên Trường Đại học Cần Thơ thực nghiệm đã không lãng phí. Chúng tôi mừng vì đã tìm ra được chất giúp chữa trị bệnh cho mọi người, ức chế tế bào ung thư gan và tế bào ung thư vú hiệu quả cao (chất sạch tìm ra là Kaempferol 3-O-á-L Rhamnopyranoside)”. Được biết, đây là dự án đầu tiên cô Vy và 2 học sinh của mình nghiên cứu. Từ những kết quả mang nhiều lợi ích trong y học, dự án “Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính sinh học thân cây phèn đen” đã xuất sắc đoạt giải tư Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018-2019 khu vực phía Nam, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Em Trịnh Phú Hưng, học lớp 12H, thổ lộ: “Thời gian nghiên cứu của chúng em khá là ngắn nên chỉ có thể thực hiện trên 1 cao phân đoạn. Trong tương lai có thể tiếp tục nghiên cứu trên các cao phân đoạn còn lại và trên các bộ phận khác của cây như lá, rễ. Nhờ nghiên cứu thành công dự án này càng tiếp thêm niềm tin, động lực, giúp em hiểu hơn niềm đam mê và năng lực của mình với môn hóa học. Hiện tại, em đang tích cực ôn tập thật tốt để thực hiện ước mơ vào ngành hóa - dược, Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ”. 

Có thể thấy, đây là một phát hiện rất hay, rất có ý nghĩa của học sinh ở một tỉnh còn nhiều khó khăn. Nếu các em học sinh có điều kiện tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về nồng độ để áp dụng vào trong thực tế thì sẽ là một phương thuốc giá rẻ, dễ tìm mà lại có hiệu quả rất cao trong chữa trị bệnh ung thư. Và cũng là nguồn tư liệu quý để các nhà khoa học tham khảo và tìm ra các loại dược chất chữa bệnh phù hợp (không chỉ ở thân cây mà còn ở hoa, lá, rễ, trái… của câu phèn đen). 

Chia sẻ về quy trình thực hiện, em Trần Thị Cẩm Duyên, nói: Chúng em tiến hành thu mẫu cây phèn đen tươi sau đó phơi trong bóng râm, sấy, xay thành bột mịn. Bột mịn đem ngâm dầm với methanol ở nhiệt độ phòng trong vòng 24h thu được dịch chiết methanol. Dịch chiết methanol được đem cô quay bằng máy cô quay chân không thu được cao tổng và chiết lỏng, lỏng cao tổng thu được các cao phân đoạn như: cao Hex, cao DC, cao EA. Sau khi thu được các cao phân đoạn, muốn biết chúng có hoạt tính như thế nào em đã nhờ các phòng thí nghiệm Trường Đại học Cần Thơ khảo sát hoạt tính”. Kết quả thu được là các cao phân đoạn có khả năng kháng 2 dòng vi khuẩn gây bệnh ở đường tiêu hóa. Đồng thời cao EA có hoạt tính kháng viêm tốt nhất. Từ đó đã đặt ra học sinh câu hỏi tại sao trong cùng các cao như vậy mà cao EA lại có hoạt tính tốt nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy nhóm tiếp tục khảo sát hoạt tính hóa học của cao này và qua nhiều lần thực hiện thì đã tách ra được một chất sạch có dạng dầu màu vàng được đo phổ tại Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Hà Nội và được đặt tên là PR.EA06. Sau khi có kết quả đo phổ, học sinh nhờ quý thầy cô có chuyên môn hỗ trợ giải phổ. Kết quả giải phổ khi so với bảng phổ đã xác định tên của chất sạch là Kaempferol 3-O-á-L Rhamnopyranoside.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>