Học tiến sĩ được trả lương

03/01/2018 | 10:50 GMT+7

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới khiến lượng nghiên cứu sinh (NCS) giảm hẳn. Tuy nhiên, với ngay với những người làm tiến sĩ vì mục đích khoa học, chi phí đầu tư quá thấp có thể là rào cản lớn để nâng cao chất lượng đào tạo.

Cần nhiều tiến sĩ cho các trường đại học

Thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay đang có vấn đề, song ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng không thể vì thế mà không làm nữa.

“Cũng giống như không thể vì những đứa trẻ hư mà người ta không sinh con nữa, hay không phải vì tai nạn mà cấm mọi người tham gia giao thông” – ông Sơn so sánh.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình rằng dù người ta nhiều lần nhắc tới con số 24.000 như một minh chứng cho số lượng tiến sĩ quá nhiều ở Việt Nam, song nhu cầu giảng viên có trình độ tiến sĩ thực sự có chất lượng, nhất là cho các trường đại học, vẫn rất lớn.

Thống kê đến năm học 2016-2017 của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số giảng viên (GV) có trình độ tiến sĩ ở các trường đại học Việt Nam khoảng hơn 16.000 người. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 22% tổng số giảng viên.

Số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Việt Nam qua các năm. Đồ họa: Lê Văn.

Theo GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội, với con số 22%, tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam vẫn quá thấp so với thế giới. “Tỉ lệ này ở Malaysia là 75%, ở Singapore, Hoa Kỳ còn cao hơn”.

Ông Đức nhận định, chất lượng đội ngũ GV một khi được nâng cao sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng đầu ra của SV.

“Do vậy, việc đào tạo bổ sung tiến sĩ cho các trường đại học là hết sức cần thiết” – ông Đức nhận định.

Một khảo sát của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy nhu cầu phát triển đội ngũ GV có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2018-2025 của các trường là 21.404 người đào tạo trong nước, 14.468 người đào tạo ở nước ngoài.

Theo đó, để đạt mục tiêu tỉ lệ GV có trình độ tiến sĩ đạt mức 30% vào năm 2030 thì mỗi năm, Việt Nam phải đào tạo thêm từ 1.000-3.000 tiến sĩ.

Tuy nhiên, bất cập là ở chỗ, hiện nay, trong số khoảng 1.000 tiến sĩ được đào tạo mỗi năm, chỉ có 1/3 là giảng viên các trường đại học.

Rõ ràng, nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường đại học là có thật. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát tình trạng vàng thau lẫn lộn trong đào tạo tiến sĩ hiện nay.

NCS giảm vì yêu cầu công bố quốc tế

Tháng 4/2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 08 về quy chế tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ thay thế cho quy định cũ (Quy chế 08) với nhiều quy định chặt chẽ hơn từ đầu vào cho tới đầu ra cũng như tiêu chuẩn đối với người hướng dẫn.

Theo đó, việc đào tạo NCS gắn nhiều hơn với hoạt động nghiên cứu khoa học. NCS phải đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ cao hơn so với quy định cũ khi thi đầu vào. Bên cạnh đó, quy chế mới cũng yêu cầu NCS phải có ít nhất 2 bài báo quốc tế mới được bảo vệ luận án tốt nghiệp.

Người hướng dẫn cũng phải đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ như có công trình công bố quốc tế hay đề tài nghiên cứu đang thực hiện.

Mặc dù thông tư để hơn 1 năm làm giai đoạn chuyển tiếp trước khi áp dụng đầy đủ tất cả các quy định từ 1/1/2019, song đã có thể ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ các cơ sở đào tạo.

Theo TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo sau Đại học, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, năm 2016-2017, trường có 150 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ. Trong đợt tuyển sinh đầu tiên vào tháng 10/2016 – trước khi ban hành Quy chế 08 - trường đã tuyển được 130 NCS. Tuy nhiên, trong đợt tuyển sinh thứ 2 sau khi thông tư có hiệu lực (18/5/2017) chỉ tuyển được 20 NCS - vừa đủ chỉ tiêu.

Ông Thành nhận định kể từ khóa tuyển sinh 2019-2020, khi “chuẩn nâng cao đúng nghĩa” được áp dụng, thì chắc chắn số lượng NCS đủ điều kiện sẽ sụt giảm. Không chỉ vậy, ngay cả số lượng các thầy cô đủ các điều kiện hướng dẫn theo quy định mới cũng không nhiều.

“Trong số 400 GV của trường hiện nay chỉ có khoảng 1/4 đáp ứng đủ các điều kiện để hướng dẫn NCS theo quy định mới” – ông Thành cho biết.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân đang lên kế hoạch để hỗ trợ GV trong việc viết các bài báo, công bố báo cáo tại các hội thảo quốc tế và đặc biệt là các tạp chí có uy tín thuộc danh mục ISI và Scopus nhằm “nâng cấp” đội ngũ đáp ứng quy định mới.

Còn theo GS Nguyễn Đình Đức, mỗi năm ĐHQG Hà Nội có khoảng 300-350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, kể từ khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế 08, trong năm 2017 toàn ĐHQG Hà Nội mới chỉ tuyển được 140 chỉ tiêu, chưa bằng một nửa.

Dù vậy, với mục tiêu “siết chặt” đào tạo tiến sĩ, cuối tháng 11 vừa qua, trên cơ sở quy định của Bộ GD-ĐT, ĐHQG Hà Nội ban hành quy chế tuyển sinh đào tạo tiến sĩ của riêng đơn vị này với những quy định có phần chặt chẽ hơn đối với từ NCS, người hướng dẫn cho đến thành viên hội đồng bảo vệ luận văn.

Ông Đức kỳ vọng việc siết mạnh các điều kiện sẽ giúp giảm bớt nhu cầu học tiến sĩ, tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng.

Đã đến lúc phải trả lương cho NCS

Mặc dù lạc quan với quy định chặt chẽ hơn trong đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT hay của ĐHQG Hà Nội, nhiều người vẫn cho rằng ngay cả với những người làm tiến sĩ vì mục đích khoa học thật sự, chất lượng vẫn khó đảm bảo do chi phí đào tạo hiện nay quá thấp.

GS Nguyễn Đình Đức cho biết hiện nay một thầy hướng dẫn một NCS mỗi năm được trả... 1,5 triệu đồng, kinh phí chi cho đào tạo 1 NCS mỗi năm khoảng 7,5 triệu đồng. “Chưa có một nước nào kinh phí đầu tư đào tạo NCS lại thấp như vậy”.

Nghiên cứu sinh cần được trả lương để nghiên cứu.

Đồng tình với nhận định này, TS Lê Trung Thành nhận định “So với mức đầu tư vài chục ngàn USD mỗi năm của NCS ở nước ngoài thì thấy kinh phí nước ngoài hơn trong nước 25-30 lần. Đây là khoảng vênh rất lớn”.

Nhiều người từng nhắc tới sự khác biệt rất lớn trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam khi so sánh với nhiều nước trên thế giới. Đó là: Ở Việt Nam hầu hết NCS đều học kiểu tại chức, bán thời gian và không được trả lương. Trong khi đó, thế giới coi việc học tiến sĩ là một công việc kết hợp giữa học và làm toàn thời gian được trả lương.

GS Nguyễn Đình Đức cho biết kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài đến từ 3 nguồn: Từ ngân sách Nhà nước, nhà trường và từ các đề tài nghiên cứu của các giáo sư. Vì vậy, những người học NCS ở nước ngoài thường được trả lương từ chính các đề tài, dự án của giáo sư hướng dẫn, thông qua đó thực hiện công việc nghiên cứu của mình. Còn ở trong nước, hầu hết các NCS đều làm khi đang “tại chức” và việc nghiên cứu trở công việc phụ. Các giáo sư coi việc hướng dẫn NCS là một nguồn thu nhập.

"Có thực mới vực được đạo. Khi người hướng dẫn không có tiền để trả cho NCS thì NCS phải ưu tiên đi làm việc khác để kiếm tiền còn việc học chỉ là phụ. Mà khi đã không ưu tiên và không tập trung nghiên cứu toàn thời gian thì rất khó có nghiên cứu chất lượng để có công bố ISI đứng tên đầu được" – TS Nguyễn Nam Trân (Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) nhận định.

Mới đây, ĐHQG TP.HCM vừa tuyên bố sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm trả lương cho học viên cao học và nghiên cứu sinh tham gia đề tài. Dù việc này đã được thực hiện không chính thức tại một số trường, song một quy định chính thức tại một ĐHQG là một tín hiệu đáng mừng trong hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam.

Thay đổi cơ chế đầu tư đào tạo tiến sĩ

Thừa nhận thực tế giáo sư trả lương cho NCS là phổ biến trên thế giới và bản thân mình vẫn đang dùng tiền từ các đề tài để hỗ trợ các NCS, GS Nguyễn Đình Đức cho biết ở Việt Nam không phải giáo sư nào giỏi cũng có đề tài khi đề tài nghiên cứu khoa học hiện nay chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước, còn doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm tới chuyên nghiên cứu khoa học.

“Ngay cả Quỹ Nafosted cũng yêu cầu các chủ nhiệm đề tài phải có NCS trước rồi mới duyệt đề tài chứ cũng không cho phép có đề tài rồi mới tuyển NCS” – ông Đức cho hay.

Từ đó, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ đào tạo tiến sĩ sử dụng ngân sách là rất cần thiết.

Chung quan điểm, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng nếu nói trách nhiệm của Nhà nước là đầu tư cho giáo dục thì việc hỗ trợ thông qua công tác đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực là "trúng" nhất.

Ông Sơn cũng đề xuất, cần phải gắn đầu tư cho nghiên cứu khoa học với đào tạo tiến sĩ thì chất lượng đào tạo tiến sĩ mới có thể nâng lên.

“Dứt khoát phải có học bổng để người làm NCS đủ thu nhập để sống, để không phải giảng dạy ở trường nữa thì mới có thể yên tâm tập trung làm nghiên cứu được”.

Ông Sơn ước tính, chi phí cho mỗi NCS dạng học bổng trung bình phải khoảng 70 triệu đồng mỗi năm để cung cấp ít nhất mỗi tháng 5-6 triệu đồng cho mỗi NCS, đủ để duy trì cuộc sống.

Để thực hiện điều này, ông Sơn đề xuất Nhà nước đặt hàng nghiên cứu khoa học cho các trường theo “gói” với những điều kiện như số công trình, sản phẩm nghiên cứu hay số lượng tiến sĩ đào tạo được. Còn lại, trường sẽ tự xây dựng, lựa chọn các đề tài phù hợp chứ không giao theo từng đề tài như hiện nay.

và tất nhiên, câu chuyện của vấn đề sử dụng ngân sách cuối cùng vẫn là chất lượng và hiệu quả.

Theo Lê Văn - Vietnamnet

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>