Học tốt tiếng Anh từ một mô hình

24/07/2018 | 07:43 GMT+7

Nhằm giúp học sinh, đặc biệt là học sinh nông thôn học tốt tiếng Anh, thầy Nguyễn Hoàng Lăng, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, đã sáng tạo mô hình “Các nguồn năng lượng thay thế”…

Thầy Nguyễn Hoàng Lăng (bìa trái) trình bày các hiệu quả mô hình.

Em Nguyễn Thị Bích Ngọc, học sinh lớp 11CB1, chia sẻ: “Chúng em cảm thấy rất thú vị khi trong giờ học tiếng Anh được thầy Lăng cho xem mô hình “Các nguồn năng lượng thay thế”, vừa sinh động vừa hấp dẫn. Khi được nhìn các tòa nhà cao tầng, đập thủy điện, cánh quạt, tấm năng lượng mặt trời... Nhìn mô hình hoạt động giúp chúng em hiểu hơn các nguồn năng lượng thay thế là gì, với các từ mới”.

Để thực hiện mô hình này, thầy Lăng cùng đồng nghiệp là thầy Trương Trí Thiện tận dụng tấm kiếng thừa của trường khi dời về cơ sở mới rồi cắt ghép tạo thành một bể thủy tinh hình chữ nhật, dùng các miếng xốp từ thùng đựng ti vi, máy giặt, vỏ thùng giấy, mô-tơ nhỏ trong đồ chơi trẻ em... để cắt ghép tạo thành các tòa nhà, đập thủy điện, quạt gió... Thầy Lăng chia sẻ: “Tôi thấy học sinh hiện nay rất mơ hồ về các nguồn năng lượng thay thế. Có một số em không biết đó là gì. Trong khi trên hệ thống internet cũng có những tranh ảnh hay các video clip nói về nguồn năng lượng thay thế. Để giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết và dễ dàng tiếp thu các từ mới trong bài, tôi và đồng nghiệp đã thực hiện mô hình”. Nguyên tắc hoạt động của mô hình này khá đơn giản, khi nói về năng lượng gió thì giáo viên sẽ bật điện cho các mô-tơ hoạt động, cánh quạt sẽ quay, còn khi nói về năng lượng nước giáo viên sẽ xả nước đập thủy điện, từ đó làm cho 2 tua-bin quay tạo ra điện năng. Để có năng lượng mặt trời, sẽ dùng bóng đèn chiếu sáng lên miếng năng lượng...

Chia sẻ về mô hình này, thầy Trương Trí Thiện nói: “Bắt tay thực hiện cũng có nhiều khó khăn. Từ ý tưởng đến thành phẩm là điều không dễ. Bên cạnh đó, các kiến thức về môn vật lý và hóa học khá nhiều nhưng hoàn thành xong chúng tôi thấy học sinh rất thích thú trong giờ học”.

Với mô hình này, khả năng áp dụng trong các bài học cho học sinh từ THPT đến tiểu học rất phong phú, có thể hình thành chuỗi kiến thức liên kết không chỉ trong môn tiếng Anh. Mô hình có thể áp dụng được cho môn học địa lý với bài “Địa lý các ngành công nghiệp (công nghiệp năng lượng, công nghiệp điện lực)” của địa lý lớp 10, bài “Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm: công nghiệp năng lượng - sản xuất điện” của địa lý lớp 12; dùng cho học sinh lớp 5 với môn khoa học ở bài “Sử dụng năng lượng mặt trời, gió và nước”... Thầy Lăng thổ lộ: “Không chỉ giúp tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học, giáo viên còn có thể thông qua mô hình giới thiệu đến học sinh những quốc gia nào đã khai thác các nguồn năng lượng nhiều nhất thế giới. Vậy là học sinh lại có thêm vốn từ mới phong phú về các quốc gia. Đồng thời giới thiệu, mở rộng để học sinh biết thêm việc khai thác các nguồn năng lượng ở Việt Nam. Với mô hình này, việc học tôi thấy không bao giờ là đủ với cả học sinh và giáo viên”.

Từ tính sáng tạo và sự năng ứng dụng thực tế trong các môn học cao, sản phẩm thân thiện với môi trường, kinh phí thực hiện thấp mô hình “Các nguồn năng lượng thay thế”, đã xuất sắc đạt giải nhất Hội thi giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập cấp tỉnh năm học 2017-2018.

Ông Trần Hiền Hòa, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Giáo dục chuyên nghiệp, Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Đây là một mô hình dạy học khá sáng tạo, có tính ứng dụng thực tế cao. Từ sự sáng tạo này, giáo viên đã tạo nên tính ham học và giúp học sinh hiểu rõ các hiện tượng tự nhiên, hiểu rõ vai trò nhiệm vụ của mình trong việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Một mô hình mà có thể sử dụng được cho nhiều bài học”.

Bài, ảnh: CAO OANH 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>