Học và hành

29/11/2017 | 08:08 GMT+7

Sinh thời, Bác Hồ đã từng nhắc nhở: “Chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành...”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, các trường trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Tăng cường thêm các giờ học thực hành là một trong những giải pháp được giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị chú trọng.

Hiệu quả trong ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn

Theo ông Nguyễn Quang Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A: “Mỗi tiết học sẽ không khô khan nếu giáo viên biết thổi hồn vào từng bài giảng. Để khắc phục sự khô khan này, các thầy cô của trường đã chủ động đan xen thêm trò chơi, tổ chức học nhóm, để học sinh cùng tham gia tranh luận, đặt câu hỏi và tìm cách giải quyết bài tập”. Với sự hướng dẫn của giáo viên, cùng sự năng động, tích cực của học sinh mà giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam luôn sinh động, hiệu quả, học sinh khắc sâu được kiến thức. Khi các em chủ động tranh luận, giải quyết các vấn đề nhiều học sinh cũng bộc lộ được tài năng, năng lực của mình.

Để đưa lý thuyết vào thực tiễn, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam còn tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật, có nhiều sản phẩm được học sinh tạo nên mang tính ứng dụng cao. “Học tập nên gắn liền với thực hành để học sinh gắn với cuộc sống, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đây, giúp học sinh có thêm các kỹ năng, yếu tố rất cần thiết đối với học sinh hiện nay”, ông Sơn chia sẻ thêm. Việc giảm lý thuyết khô khan, tăng tính năng thực tiễn, thực hành ở các môn học đang trở thành yêu cầu cấp thiết, nhằm đổi mới cách dạy từ thụ động sang trực quan, sinh động.

Nhờ đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, những bài giảng gắn với thực tiễn đời sống, các giờ thực hành được tăng thêm mà tiết giảng của giáo viên Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, giờ không chỉ là giáo viên giảng, học sinh chăm chú lắng nghe. Ông Huỳnh Thanh Võ, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: “Hiệu quả thấy rõ nhất trong việc ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn của trường là mỗi năm, trường đều có sản phẩm nghiên cứu khoa học trong học sinh, đồ dùng học tập trong giáo viên. Thay vào đó, các em được trải nghiệm xung quanh kiến thức đã học. Học sinh của trường rất tích cực tham gia hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học”.

Từ việc tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực ở các trường trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Hàng năm có nhiều đồ dùng dạy học, sản phẩm nghiên cứu của giáo viên và học sinh ở các trường đã đạt giải thưởng trong hội thi các cấp. Những việc làm đó đã thể hiện được trách nhiệm làm theo lời Bác từng nhắn nhủ: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiện hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành…”.

Yếu tố giúp các trường tồn tại, phát triển

Bác Hồ cũng đã từng khẳng định: “Học với hành phải đi đôi, lý luận phải liên hệ thực tiễn”, cho nên không riêng gì các trường tiểu học, THCS, THPT, ở các trường trung cấp việc đẩy mạnh ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn đang được xem là yếu tố giúp các trường tồn tại. Ông Lê Văn Phi, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh, nói: “Cách đơn giản nhất trong việc đưa lý thuyết đã học vào thực tiễn là việc chúng tôi tìm doanh nghiệp để gửi học sinh vào thực tập, thực hành. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để các em được nâng cao tay nghề, làm quen với thực tế công việc. Nhờ cách làm này mà mấy năm nay, nhà trường đã nhận được sự tin tưởng của các doanh nghiệp khi tìm đến đặt hàng đào tạo”. Mấy năm nay, học viên ngành chế biến và bảo quản thủy sản của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật sau khi hoàn thành các học phần lý thuyết sẽ được trường gửi vào các Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú để thực tập. Những em có đủ điều kiện sẽ được giữ lại làm chính thức cho công ty, doanh nghiệp.

Còn đối với Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ tỉnh, đến nay đã có hơn 12 công ty, doanh nghiệp đã tiếp nhận học sinh của trường vào thực hành, thực tập và làm việc sau tốt nghiệp. Ông Trần Văn Trung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Bên cạnh việc tăng cường, mở rộng các hình thức tuyển sinh, nhà trường còn tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo như chú trọng phát triển mảng thực hành cho học viên. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho các em ngay khi ra trường”.

Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, các trường đã chủ động chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức một chiều, sang dạy học để phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho người học, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra, đó là: Để người học hiểu thấu vấn đề thì có hai cách dạy, một cách dạy thật tỉ mỉ và cách thứ hai là dạy bao quát. Nghĩa là phải chọn lấy cái gì cơ bản nhất, cốt yếu nhất mà người học không thể quên, không thể nhầm lẫn với cái khác, khi cần có thể đem ra vận dụng ngay và còn có thể bổ sung cho phong phú thêm.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>