Hơn 500 giáo viên dôi dư: vì ai nên nỗi?

13/03/2018 | 15:46 GMT+7

Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra sau khi UBND huyện Krông Pắk, Đắk Lắk thông báo chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên vì ''dôi dư''.

Tại buổi làm việc ngày 12-3, nhiều giáo viên bức xúc, đứng dậy đặt câu hỏi nhưng đều không được đại diện UBND huyện Krông Pắk giải đáp - Ảnh: TRUNG TÂN

Vụ việc từng được dư luận quan tâm hồi tháng 10 năm ngoái sau khi báo chí đồng loạt phản ánh. Theo đó, từ 2011-2016, huyện Krông Pắk liên tục ký hợp đồng lao động đối với hơn 600 giáo viên, nhân viên trường học, dư hơn 500 người so với biên chế.

Ngoài ra từ tháng 12-2014 đến tháng 6-2015, huyện này cũng đã bổ nhiệm dư 32 phó hiệu trưởng các trường học.

Vấn đề dư luận đặt ra ở đây là: tại sao lãnh đạo huyện và ngành giáo dục biết rất rõ hiện trạng dư thừa giáo viên các cấp, dư thừa vị trí phó hiệu trưởng ở các trường trên địa bàn nhưng vẫn quyết tuyển dụng, bổ nhiệm?

Thiết nghĩ đây chính là cốt lõi của vấn đề. Chỉ khi nào trả lời thấu đáo câu hỏi này thì mới mong chấm dứt được vấn nạn tuyển dụng tràn lan, khiến cho biên chế bộ máy cứ ngày càng phình to.

Trong những ngày qua, báo chí đã có bài viết phân tích, đánh giá vụ việc gây chấn động này.

Cô H. (giáo viên THCS), một trong những người sẽ mất việc, chua xót kể với phóng viên: "Tôi tốt nghiệp ĐH với tấm bằng khá. Lúc này có người chỉ bỏ 100 triệu đồng để "chạy hợp đồng", sau ba năm sẽ được xét duyệt vào biên chế.

Do nhiều năm huyện không tổ chức xét tuyển nên khi nghe hứa cứ "chạy hợp đồng" để chờ "vào biên chế", tôi quyết định làm theo. Hàng trăm giáo viên khác cũng như tôi, phải bỏ tiền mới được nhận vào hợp đồng.

Lương mấy tháng đầu khoảng 2,4 triệu đồng/tháng, nhưng sau đó giảm xuống trên 1 triệu đồng/tháng (hiện nay là 1.063.000 đồng/tháng). Tuy mức lương không đủ sống nhưng tôi nuôi hi vọng vào lời hứa sau ba năm được vào biên chế nên cũng cố gắng cầm cự".

Phản ánh của giáo viên với báo chí thiết nghĩ là có cơ sở bởi hơn 500 con người đã bị dồn đến bước đường cùng. Cơ quan công an cần vào cuộc để tìm cho ra sự thật đằng sau việc tuyển dụng ồ ạt này.

Đó không chỉ là mong muốn của lãnh đạo tỉnh, mà cũng là lời thỉnh cầu đẫm nước mắt của cô giáo trẻ Nguyễn Hiền Diệu - giáo viên Trường THCS Ngô Mây, thay mặt cho hơn 500 đồng nghiệp bất hạnh: "Ai trả lại thanh xuân, cho những năm tháng trên bục giảng?", "Ai đó hãy đòi lại công bằng cho giáo viên chúng tôi!".

Phải có người chịu trách nhiệm, như một vị hiệu trưởng giấu tên đã khẳng định: "Trách nhiệm này thuộc về những người đã ký quyết định tuyển dụng giáo viên" chứ không thể chỉ là "trách nhiệm chung của đảng bộ, UBND huyện liên quan đến việc tuyển dôi dư này" như bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện trả lời trước dư luận.

Hi vọng câu chuyện buồn này sẽ sớm được chính quyền các cấp giải quyết thấu lí đạt tình để hơn 500 người bị mất việc sớm ổn định cuộc sống; để thầy cô giáo toàn tâm, toàn ý với công việc "trồng người" của mình.

Theo NGUYỄN DUY XUÂN – Tuổi trẻ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>