Khẩn trương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên, nhân viên theo tinh thần Nghị quyết 19

27/05/2019 | 08:44 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (đứng) phát biểu tại buổi làm việc.

(HG) - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị Đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vào ngày 25-5. Bộ trưởng nhấn mạnh: Các địa phương cần lưu ý tới chất lượng, tính thiết thực và hiệu quả khi xây dựng Đề án quy hoạch sắp xếp trường lớp. Việc gom các điểm trường, điểm lẻ lại phải đảm bảo các điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, không để học sinh bỏ học. Sau khi xây dựng xong đề án quy hoạch cần có Nghị quyết của Tỉnh ủy thực hiện đề án. Bộ trưởng lưu ý, tránh tình trạng giao khoán cho ngành giáo dục và đào tạo, quá trình thực hiện phải có lộ trình, bước đi, tăng cường giám sát của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh, để làm rõ trách nhiệm, đâu là của bộ, ngành, đâu là của địa phương, có giải pháp hỗ trợ tăng mức chi ngân sách địa phương cho giáo dục… Riêng việc tinh giản biên chế  đối với viên chức giáo dục, các địa phương không cắt giảm biên chế cơ học theo chỉ tiêu biên chế giao hàng năm để thực hiện tinh giản biên chế, mà cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp. Ngành giáo dục và đào tạo phải chủ động phát huy nội lực, nâng cao chất lượng giáo dục… Bộ trưởng khẳng định, không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển...

Các Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện tại, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tổng số 6.914 trường học từ mầm non đến THPT, với tổng số hơn 231.147 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở tất cả cấp học tăng, cụ thể: cấp học mầm non, mẫu giáo là 94,6%, cấp tiểu học là 99,64%, cấp THCS là 99,75%, cấp THPT là 99,86%. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Theo số liệu thống kê từ 13 tỉnh, thành trong khu vực theo định mức năm học 2018-2019, ĐBSCL còn thiếu 11.637 giáo viên mầm non, 2.583 giáo viên tiểu học, 2.157 giáo viên THCS, 401 giáo viên THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 giáo viên tiểu học, 1.073 giáo viên THCS, 3.579 giáo viên THPT, thực trạng trẻ mầm non, mẫu giáo học 2 buổi/ngày thấp, trẻ nhà trẻ huy động ra lớp chỉ đạt 11,1%, thấp hơn bình quân cả nước, phòng học xuống cấp, phòng học tre, lá còn nhiều, nhiều phòng học cần được xây dựng mới và nâng cấp…

Hội nghị lần này được tổ chức tại UBND thành phố Cần Thơ. Tham dự hội nghị có lãnh đạo của các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>