Kiểm tra đầu năm học: Nhiều chuyện phải lo

01/10/2018 | 08:16 GMT+7

Đoàn thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành thanh, kiểm tra, công tác tổ chức nhân sự, thu chi đầu năm học 2018-2019 và công tác dạy thêm, học thêm tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều chuyện phải lo.

Đoàn thanh tra kiểm tra thực tế tại Trường THCS Lương Nghĩa.

Sỉ số học sinh nơi thiếu, nơi thừa

Trong khi các trường học ở thành phố, thị xã phải chật vật với việc giảm tải học sinh trên lớp thì một số trường học ở địa bàn vùng sâu bố trí học sinh trên lớp chưa đủ số lượng theo quy định. Tại Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, trong quá trình kiểm tra Đoàn thanh tra đã khá bất ngờ khi sĩ số học sinh trên lớp của khối lớp 9 tại trường quá ít. Cụ thể: học sinh khối lớp 9 của trường chỉ có 110 em nhưng nhà trường bố trí đến 4 lớp, trung bình chỉ có 27-28 em trên lớp. Con số này so với quy định thì chỉ hơn nửa lớp (trung bình 1 lớp học cấp THCS là 45 học sinh). Với việc bố trí học sinh trên lớp chưa phù hợp này, Đoàn thanh tra đã yêu cầu nhà trường chỉ bố trí 3 lớp, việc tăng thêm 1 lớp là không cần thiết, dễ phát sinh kê quy mô. Yêu cầu phòng giáo dục và đào tạo nghiên cứu lại và bố trí lớp học cho phù hợp. Ông Trương Văn Be, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Mỹ, cho biết: “Đối với Trường THCS Lương Nghĩa, chúng tôi sẽ tiến hành sắp xếp bố trí lớp học lại cho phù hợp, giảm 1 lớp 9. Trước đó, phòng cũng đã duyệt danh sách lớp của trường và cũng đã giảm 2 lớp rồi”. Năm học 2018-2019, THCS Lương Nghĩa có tổng số 575 học sinh với 16 lớp.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại các trường cũng gây nhiều khó khăn trong việc phân công, phân việc cho giáo viên. Chẳng hạn như Trường THCS Tây Đô, huyện Phụng Hiệp dư đến 4 giáo viên. Trong đó, 2 giáo viên đang chờ điều chuyển của phòng giáo dục và đào tạo, còn 2 giáo viên chưa có hướng giải quyết. Hay tình trạng giáo viên phải “làm giùm” công việc của kế toán, thủ quỹ, như thu hộ tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế và cả bảo hiểm tai nạn… của học sinh, như Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Trường Mẫu giáo Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ… cũng đang gây áp lực thêm công việc cho giáo viên chủ nhiệm.

Nhiều khoản thu đầu năm

Thu quỹ trang trí lớp học đến 50.000 đồng/học sinh/năm (để mua quạt, vật dụng trang trí lớp, khẩu hiệu…), thu quỹ lớp học 5.000 đồng/tháng… là những khoản thu khá cao và không đúng quy định được Đoàn thanh tra yêu cầu chấn chỉnh ngay tại Trường THCS Tây Đô, huyện Phụng Hiệp. Theo Đoàn thanh tra thì kinh phí cho việc trang trí lớp học, làm mới các khẩu hiệu… trích từ kinh phí của nhà trường, không bắt học sinh phải đóng thêm. Nhà trường không được để học sinh thu và giữ tiền. Vì lứa tuổi học sinh còn nhỏ, việc giữ nhiều tiền là không an toàn. Ông Trình Hữu Ngọc, Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đô, cho biết: “Các khoản đóng góp trên đều dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh học sinh, nhà trường không giữ và thu các khoản này. Nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và yêu cầu các lớp đã thu trả lại những khoản đã đóng góp của học sinh”.

Hay thực trạng thu các khoản như: vệ sinh phí 150.000 đồng/năm, dụng cụ học tập cho trẻ từ 180.000 đến 210.000 đồng/năm trong khi số tiền thực tế không đến con số này. Bà Đ.T.M.X., phụ huynh trẻ ở Trường Mẫu giáo Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Vào đầu năm học, chúng tôi phải đóng rất nhiều khoản tiền cho con. Có những khoản kinh phí đóng góp thỏa thuận của cha mẹ học sinh khá cao. Phụ huynh ở nông thôn, kinh tế còn eo hẹp mà tính mức trần như vậy không hợp lý”. Đoàn thanh tra đã yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xem lại các loại quỹ tại Trường Mẫu giáo Hòa An, cái nào sai quy định thì chỉ đạo trường không thu tiếp và trả lại số tiền đã đóng cho phụ huynh…

Ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn về việc thực hiện các khoản thu, chi. Các khoản thu đầu năm phải thực hiện đúng quy định, các trường không thu, không đặt ra các khoản thu, các loại quỹ ngoài quy định gây khó khăn cho học sinh. Nhất là không để giáo viên chủ nhiệm thu các loại quỹ, khoản thu (cụ thể là bảo hiểm tự nguyện) mà tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn, giảm áp lực công việc cho giáo viên… Đồng thời, sẽ tăng cường công tác kiểm tra và sẽ có hình thức xử lý nghiêm đối với bất cứ trường học nào vi phạm”.

Vì một môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: “Vấn đề lạm thu đầu năm học luôn là điểm “nóng” được toàn xã hội rất quan tâm. Vì thế, tôi yêu cầu hiệu trưởng các trường học phải đẩy mạnh hơn tinh thần chủ động, tự giác, minh bạch trong thực hiện thu chi đầu năm học mới. Tất cả vì một môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, tạo niềm tin cho phụ huynh. Để mọi người tin tưởng cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>