Lê Quí Đôn hay Lê Quý Đôn ?

22/08/2018 | 07:55 GMT+7

Ở Hậu Giang có 2 trường cùng mang tên một nhà bác học, nhưng có 2 cách viết khác nhau, đó là Trường THPT Lê Quý Đôn (thị xã Ngã Bảy) và Trường THCS Lê Quí Đôn (thành phố Vị Thanh). Vậy sử dụng “i” hay “y” trong chữ đệm của tên này mới chuẩn ?

Một danh nhân nhưng chữ đệm tên lại có cách viết khác nhau.

Chia sẻ vấn đề này, ông Đinh Minh Tri, Hiệu trường Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Trong hồ sơ đăng ký tên trường lúc đầu viết là “Quí” nhưng khi đó thầy Ba thấy như vậy chưa đúng với tên nhân vật lịch sử nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã có một văn bản quyết định đề nghị sửa tên trường từ “Quí” thành “Quý”. Và Trường THPT Lê Quý Đôn có tên như vậy từ năm 2006”.

Trong khi đó, ở Trường THCS Lê Quí Đôn, thầy hiệu trưởng Phạm Văn Phân, chia sẻ: “Khi xin đổi tên trường vào năm 2004, thầy Trương Văn Giàu, khi đó là hiệu trưởng nhà trường đã có cân nhắc rất kỹ khi chọn tên của một nhà bác học nổi tiếng để đặt cho tên trường và cách viết tên Trường THCS Lê Quí Đôn. Thầy là một giáo viên dạy ngữ văn rất giỏi và nhiều kinh nghiệm nên cách thầy viết tôi nghĩ là không sai chính tả. Viết “Quí” là thầy hiệu trưởng viết theo cách ghi giai đoạn đó. Tuy nhiên, hiện nay tôi cũng thấy rất nhiều trường viết là “Quý” với “y”. Còn về phần nói “Quý” hay “Quí”, chữ nào là đúng, chuẩn thì tôi cũng phải chịu luôn”.

Chia sẻ, cách viết “i” hay “y” theo chuẩn chính tả tiếng Việt, Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thu Cúc, cựu giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Chiêm Thành Tấn, chia sẻ: “Cách viết “i” ngắn và “’y” dài đều diễn tả âm vị /i/. Vì thế việc Lê Quý Đôn hay Lê Quí Đôn cách nào viết đúng, cách nào viết chưa chuẩn khó xác định. Tuy nhiên, khi tôi học thì tên của nhà bác học Lê Quý Đôn đều viết “Quý” theo “y”. Thông thường để viết đúng người viết phải chú ý và cố gắng nhớ cách viết từng từ để vận dụng tùy theo trường hợp. Ví dụ như khi nào dùng “tai” (từ chỉ lỗ tai người) khi nào dùng “tay” (chỉ cánh tay)…”.

Trong các cuộc tranh luận về các quy tắc chính tả tiếng Việt, cách viết “i” hay “y” là một vấn đề nhiều khi biểu hiện sự bất nhất cao độ, không có một quy tắc chuẩn xác. Có thể mỗi người đều có lý do riêng của mình khi bảo vệ cho một quan điểm nào đó, như là nguồn gốc Hán - Việt, lịch sử chữ viết hay hiệu ứng thẩm mỹ của từ ngữ… Nhưng việc thực tế 2 trường học trên địa bàn tỉnh có cách ghi tên khác nhau của cùng một nhân vật lịch sử lại thấy… kỳ kỳ.

Theo những tư liệu chính thống mà phóng viên tìm hiểu, nhà bác học Lê Quý Đôn (những tài liệu này đều sử dụng “Quý”), tên thật Lê Danh Phương là quan dưới thời Hậu Lê, ông là một nhà khoa học lỗi lạc ở nhiều lĩnh vực. Năm 1743, sau khi đỗ Giải nguyên thì đổi thành Quý Đôn, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Lê Quý Đôn sinh năm 1726, quê tại Diên Hà, trấn Sơn Nam hạ (nay là tỉnh Thái Bình). Ông được xem là thần đồng, hiền tài bậc nhất trong lịch sử Việt Nam và được người đương thời gọi là “túi khôn của thời đại”, vì ham hiểu biết, thích sưu tầm, ưa khám phá, lại có một trí nhớ siêu việt... Năm 1743, ông đỗ Giải nguyên (lúc mới 17 tuổi), năm 1752 ông đỗ Tiến sĩ, năm 1760 ông đi sứ Trung Quốc. Ông mất ngày 1-5-1784 tại quê mẹ ở làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Với tài trí thông minh và kiến thức uyên bác, Lê Quý Đôn đã để lại cho hậu thế rất nhiều bộ sách có giá trị đủ các thể loại như lịch sử, địa lý, thơ, văn, chú giải kinh điển, triết học, lý số. Tác phẩm của Lê Quý Đôn thống kê có tới 40 bộ, bao gồm hàng trăm quyển, nhưng một số bị thất lạc.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>