Mẹ hiền của học sinh khuyết tật

24/10/2017 | 09:19 GMT+7

Bằng tình yêu thương, hết lòng với học sinh kém may mắn, nhiều năm qua cô Lê Thị Lý Huệ, giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang, đã giúp nhiều trẻ tiến bộ rõ rệt.

Cô Huệ (bìa phải) luôn gần gũi và quan tâm học sinh.

Nhiệt huyết với nghề

Như một thói quen, cứ 7 giờ mỗi buổi sáng, không cần tiếng trống trường nhưng các em học sinh ở lớp khiếm thính 3B vẫn vào lớp ngồi ngay ngắn, trật tự. Trên bục giảng, cô Huệ luôn nở nụ cười trìu mến với học trò. Lớp học không nghe tiếng đánh vần ê, a… mà cô trò chỉ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ cử chỉ, ánh mắt. Tận mắt nhìn cô Huệ kiên nhẫn hướng dẫn học sinh lớp khiếm thính phát âm, uốn từng nét chữ, lặp đi lặp lại cử chỉ tay… khiến nhiều người cảm phục sự tận tâm, lòng nhiệt huyết của cô giáo dành cho đàn em thân yêu của mình.

Cô Huệ chia sẻ: “Dẫu đã biết trước dạy học sinh khiếm thính sẽ khó khăn hơn học sinh bình thường nhiều nhưng khi thực tế vào nhận lớp, tôi vẫn thấy rất bỡ ngỡ. Vì các em mới vào trường, cô trò không thể giao tiếp với nhau. Mới vào học tập tại trường, xa nhà nên các em hay khóc, không muốn học. Mỗi lần lên lớp, tôi hay dỗ dành để các em bớt nhớ nhà, cho các em đồ chơi, đồ dùng học tập để các em làm quen dần với việc học rồi từ từ dạy các em từng ngôn ngữ cử chỉ để các em có thể giao tiếp với nhau, dễ tiếp nhận trong các giờ dạy. Vì học sinh khiếm thính không thể nghe giảng về nghĩa của từ, nên tôi thường chuẩn bị các đồ vật để các em có thể nhìn thấy, vẽ các hình lên bảng và diễn tả hành động để các em dễ tiếp thu. Cũng phải mất gần 2 tháng cô trò mới có thể làm việc với nhau suôn sẻ”.

Qua ngôn ngữ ký hiệu, em Danh Thị Yến, học sinh lớp 3B, cho biết: “Cô hay trò chuyện với chúng em, cô xem chúng em như con của mình nên em rất yêu mến cô”.

Không yêu nghề mến trẻ, sẽ không trụ được

Cô Huệ tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1981, năm 1982 cô  theo chồng về dạy tại trường cấp 1, 2 tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ. Công tác gần 30 năm, vì hoàn cảnh xa gia đình, nên khi nghe Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang đi vào hoạt động, cô xin về dạy để gần gia đình. Gắn bó với trường từ những ngày đầu mới thành lập, cô nhận ra đây mới là nơi mình cần đến và dành hết tâm huyết để giúp những cảnh đời kém may mắn. Cô cho biết: “Học sinh của trường mang khiếm khuyết như khiếm thính, khiếm thị nên có phần ảnh hưởng đến tâm sinh lý. Các em khá tự ti và dễ bị tổn thương, dễ bị kích động, đòi hỏi giáo viên phải thật kiên nhẫn, lúc nào cũng nhẹ nhàng, kiềm chế bản thân hết sức có thể. Tôi hiểu rằng nếu không yêu nghề, không có tình thương yêu các em, sẽ không thể trụ lại”.

Để có thể hiểu và kịp thời hỗ trợ các em trong giao tiếp nên vào các giờ giải lao, sau giờ học cô Huệ hay ở lại lớp trò chuyện, hỏi thăm tình hình gia đình của các em. Qua những lần trò chuyện, cô hiểu thêm về hoàn cảnh các em, càng cảm thấy thương các em hơn và quyết tâm dạy dỗ để các em có thể hòa nhập được với cộng đồng. Các em nói chuyện với cô giáo nên dần dần chịu học hơn, dễ tiếp thu khi cô dạy. Khi đã có thể giao tiếp được bằng ngôn ngữ ký hiệu, đã đọc được chữ trong sách bằng ngôn ngữ ký hiệu, các em bắt đầu có hứng thú với việc học, thường xuyên giao tiếp với nhau và trao đổi bài vở với các bạn trong lớp.

Chính sự nhiệt tâm, luôn quan tâm, giúp đỡ học sinh nhiệt tình mà cô Huệ đã góp phần giúp đỡ được một em học sinh của trường có thể nói chuyện được rõ ràng. Em Bùi Quốc Thái, học sinh lớp 3B, bộc bạch: “Em xem cô như người mẹ hiền. Nhờ cô mà em nói được”. Đây là một trường hợp học sinh khiếm thính đầu tiên khá hy hữu của Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang có thể nói chuyện được, thành quả này cũng nhờ phần lớn từ sự tận tình, chịu khó chăm lo của gia đình, nhà trường. Cô Lý Huệ chia sẻ: “Nhìn các em có thể giao tiếp với nhau, đọc được chữ, làm toán, tôi cảm thấy vui vì đó là một thành công trong việc giảng dạy của mình”.

Ông Trần Văn Thiên, Hiệu trưởng Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Cô Huệ với kinh nghiệm dạy học hơn 30 năm và trong gần 7 năm công tác tại trường này cô luôn tìm các phương pháp hay, hiệu quả để dạy học sinh khiếm thính. Có không ít học sinh nhờ cô dạy dỗ, can thiệp sớm đã có thể hòa nhập với cộng đồng”.

Mong học sinh khiếm thính, khiếm thị nói được câu: “Con chào cô”

Những cống hiến của bản thân cô Huệ đối với sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật đã được ghi nhận qua những tấm bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục… Cô chia sẻ mình vẫn đang nỗ lực thực hiện tiếp mong ước đơn giản của mình là “Một ngày nào đó sẽ có thêm một học sinh tới lớp và có thể khoanh tay “Con chào cô”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>