Mở ngành học mới từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Canada: Nhiều cơ hội cho sinh viên

09/10/2017 | 09:20 GMT+7

Sau 1 năm tiến hành khảo sát thị trường, đánh giá thị trường lao động và trang bị máy móc... ngành công nghệ thực phẩm và dược phẩm được xây dựng từ dự án “Kỹ năng nghề nghiệp Việt Nam” (VSEP), bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Canada tài trợ đã chính thức tuyển sinh, đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang.

Để tìm hiểu thêm về những lưu ý đối với ngành học mới này, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Mr.John Knapp (ảnh), chuyên gia về đào tạo nghề đến từ Canada.

Thưa ông, tại sao dự án lại chọn ngành công nghệ thực phẩm và dược phẩm để liên kết đào tạo tại Hậu Giang mà không phải ngành khác ?

- Khi chọn ngành công nghệ thực phẩm và dược phẩm để liên kết mở tại Hậu Giang, chúng tôi cũng đã tìm hiểu thị trường doanh nghiệp tại địa phương, cũng như dựa trên tham vấn của dự án VSEP và lợi thế của Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang để mở mã ngành này.

Dựa trên vùng nguyên liệu giàu tiềm năng là mía, khóm, cây ăn trái đặc sản có múi và vùng nuôi trồng thủy sản tập trung… nhưng hiện chưa khai thác hết. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của doanh nghiệp đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là thực phẩm sạch chế biến an toàn và tinh tế. Riêng đối với ngành dược phẩm hiện được phân thành nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất, đảm bảo chất lượng… và hiện công nghiệp dược phẩm ở Việt Nam đang trên đà phát triển, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang có lợi thế khi đã đào tạo các lớp khối sức khỏe như y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng.

Bên cạnh đó, khi ngành học này được mở tại Hậu Giang, sinh viên ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu, công ty liên quan đến lương thực, thực phẩm, cán bộ kỹ thuật, dược phẩm phục vụ cho các cơ quan nhà nước, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng…

Chương trình học của ngành học này sẽ được đào tạo như thế nào, thưa ông ?

- Đối với ngành học này, trong quá trình đào tạo sẽ tập trung vào trang thiết bị và đội ngũ giảng viên. Trang thiết bị phải phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp đang sử dụng. Giảng viên phải có kỹ năng tốt trong việc đào tạo sinh viên. Chúng tôi muốn giảng viên không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cho sinh viên được các kỹ năng thực hành và cách sử dụng trang thiết bị.

Sinh viên khi học ở trường cũng giống như đang làm việc ở môi trường doanh nghiệp. Khi sinh viên ra trường đi làm các doanh nghiệp sẽ thấy hài lòng về kiến thức cũng như kỹ năng mà sinh viên có được. Mong rằng, với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp sẽ đào tạo ra được những sinh viên năng động.

So với phương thức đào tạo ở Canada, ngành công nghệ thực phẩm và dược phẩm được đào tạo tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang có khác gì, thưa ông ?

- Tôi nghĩ sự khác biệt giữa chương trình đào tạo ở Canada và ở Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang sẽ ở phần kỹ thuật trong khối kiến thức. Bên cạnh đó, do hệ thống doanh nghiệp và các kỹ năng ở Việt Nam cũng có sự khác biệt hơn so với Canada. Tuy nhiên, gói kiến thức vẫn tương đồng, khác không nhiều lắm.

Thưa ông, đối với sinh viên khi đăng ký theo học ở ngành này cần lưu ý những gì ?

- Tôi nghĩ vấn đề mà các em cần lưu ý khi học nghành này thì chủ yếu là các em thấy bản thân có thực sự thích ngành này hay không, nếu thấy mình thật sự thích ngành này và muốn đeo đuổi nó thì mình cứ đăng ký thôi. Vì hiện nay, vẫn còn có một số em khi đăng ký theo học một ngành nghề nào đó cũng chưa xác định là mình thích cái gì và theo đuổi cái gì.

Ngoài Hậu Giang, còn tỉnh, thành phố nào được triển khai chương trình đào tạo này, thưa ông ?

- Mỗi địa phương chúng tôi sẽ chọn liên kết để mở một ngành học phù hợp. Ngoài tỉnh Hậu Giang, dự án VSEP còn được triển khai ở 2 tỉnh nữa là: Bình Thuận và Vĩnh Long, trong đó, ở Bình Thuận đã mở ngành học về du lịch, còn ở Vĩnh Long là về chế biến thực phẩm. 

Xin cảm ơn ông !

MỸ XUYÊN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>