Năm học mới ở trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên

29/08/2017 | 09:32 GMT+7

Lo học sinh đăng ký không đủ sĩ số để mở lớp, lo số giáo viên cơ hữu không đủ để đảm bảo giảng dạy ở các môn... là những trăn trở ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đầu năm học mới.

Học viên ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, nghe hướng dẫn nội quy những ngày đầu đến lớp.

Khó càng thêm khó

Là một trong những đơn vị có quyết định sáp nhập thành Trung tâm GDNN-GDTX cuối cùng của tỉnh, được bổ sung thêm chức năng GDNN, nên hiện nay năm học mới ở Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy còn nhiều khó khăn. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc trung tâm, chia sẻ: “Phòng học, nhà vệ sinh… đã xuống cấp rất nhiều, nhưng do không có kinh phí nên trung tâm chỉ có thể sửa chữa nhỏ thôi. Bên cạnh đó, để thực hiện chức năng GDTX hiện trung tâm cũng đang thiếu khoảng 5 giáo viên ở các môn cơ bản như địa lý, lịch sử, vật lý…”.

Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Ngã Bảy hiện có 6 phòng học, 2 phòng hành chính, 1 phòng làm việc của ban giám đốc, 1 phòng máy tính (số máy tính đã hư đang chờ thanh lý)… Để chuẩn bị cho năm học mới, trung tâm cũng đã khá chủ động tuyên truyền, vận động để thu hút học viên đăng ký theo học. Đến thời điểm hiện tại, trung tâm chỉ mới có 10 hồ sơ học sinh đầu cấp lớp 10 đăng ký theo học. Số lượng học sinh mới đăng ký học năm nay ở trung tâm không phải là số học sinh không vào được các trường THPT trên địa bàn thị xã, mà đa phần các em là những học sinh đã bỏ học lâu hoặc các đối tượng lớn tuổi.

Còn ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp, dù đã tập trung học sinh ra lớp, nhưng các thầy cô ở trung tâm vẫn cố gắng vận động số học sinh không vào được các trường THPT trên địa bàn đến lớp. Ông Lê Thanh Giảng, Phó Giám đốc trung tâm, bộc bạch: “Mong đến lúc khai giảng số lượng học viên ra lớp sẽ đông hơn, do số học viên đã đăng ký theo học ở trung tâm vẫn chưa đủ với số lượng học sinh không vào được trường THPT. Không chỉ đặt lớp tại trung tâm, để thuận lợi cho học viên, chúng tôi còn mượn các phòng học của trường tiểu học để đặt lớp như ở thị trấn Kinh Cùng, xã Tân Long và xã Phương Phú”. Đến thời điểm này, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phụng Hiệp đã có khoảng 68 học viên theo học ở 4 lớp. Trong đó, có 2 lớp 10 (1 lớp đặt ở trung tâm với 16 học viên và 1 lớp đặt ở thị trấn Kinh Cùng với 15 học viên); 1 lớp 11 với 18 học viên và 1 lớp 12 với 19 học viên.

Theo chia sẻ của các trung tâm GDNN-GDTX, khó khăn đang tồn tại hiện nay, một phần là do phụ huynh và học sinh chưa hiểu được việc học ở hệ thường xuyên học viên cũng có thể thi THPT như học sinh ở các trường THPT. Tuy nhiên, trong cái khó lại có cái khôn, một số trung tâm đã tìm được hướng đi thích hợp, để nâng tầm hệ GDTX.

Giải pháp tháo nút thắt tuyển sinh

Từ tháng 5 năm nay, các thầy cô của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, đã ráo riết đi tìm người học. Năm nay, trung tâm cũng đã chủ động liên hệ với các trường THPT, để gửi giấy báo trúng tuyển vào học ở hệ thường xuyên cho các em không trúng tuyển vào lớp 10, ngay khi các em đến rút hồ sơ ở trường THPT. Nhờ vậy, đến nay trung tâm đã tuyển sinh đầu cấp lớp 10 đạt chỉ tiêu được giao. Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc trung tâm, nói: “Tuy đã vận động đủ chỉ tiêu, nhưng hiện chúng tôi vẫn tích cực xuống các địa bàn để tiếp tục tìm học viên. Ngoài vận động học viên ra lớp hiện nay, chúng tôi cũng đang tìm giải pháp để giữ học viên khi các em đã vào học, để không xảy ra tình trạng các em bỏ dở việc học nửa chừng”.

Không chỉ vậy, đối với học viên đầu cấp lớp 10 năm nay, khi đăng ký theo học ở Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, mỗi em còn được hỗ trợ 10 quyển tập. Trung tâm còn dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ tập cho cả những học sinh lớp 11 và 12 của trung tâm. Năm học 2017-2018, trung tâm sẽ có 89 học viên theo học ở 3 khối lớp, sẽ có 2 lớp 10, lớp 11 và lớp 12 mỗi khối có 1 lớp.

Bên cạnh việc chủ động để tìm người học, hiện nay một trong những cách phối hợp cũng khá hiệu quả giữa các trường nghề và trung tâm GDNN-GDTX là việc tìm người học để cùng đào tạo. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp nghề chỉ có chức năng dạy nghề, trong khi đó đa phần học viên khi đăng ký học nghề là đối tượng đã tốt nghiệp THCS. Vì vậy, các em sẽ muốn cùng lúc được học nghề và học văn hóa, để vừa có bằng nghề, vừa đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT. Các trường nghề khi tìm được học viên sẽ giao lại cho các trung tâm GDNN-GDTX để các em có thể học văn hóa như mong muốn. Đây là một trong những cách làm đang được các trường nghề, cũng như các trung tâm hướng đến, để tránh việc “giẫm chân” lên nhau khi cùng tuyển sinh cùng đối tượng là những học sinh không vào được các trường THPT.

Theo chương trình học đã được UBND tỉnh phê duyệt, ở hệ GDTX, học sinh sẽ tựu trường vào ngày 28-8. Toàn tỉnh có 7 trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện, thị là huyện Vị Thủy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, huyện Châu Thành A, huyện Châu Thành và 1 trung tâm GDTX tỉnh đặt tại thành phố Vị Thanh.

 

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>