Nâng chất nguồn nhân lực

02/10/2017 | 05:52 GMT+7

Thực hiện chính sách thu hút nhân lực đã tạo ra hiệu ứng nhất định, thu hút nguồn cán bộ chất lượng, khích lệ các cán bộ, công chức, viên chức chủ động nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc.

Cô Võ Thị Cẩm Tú (trái), cùng các giảng viên Trường Chính trị tỉnh chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Nhân lực chất lượng, hiệu quả công việc nâng lên

Hoàn thành xong lớp đào tạo sau đại học năm 2016, với kiến thức được trang bị, cô Võ Thị Cẩm Tú, Phó Trưởng khoa Khoa Lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Chính trị tỉnh), đang cùng các giảng viên trường góp phần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị cho các học viên học tập tại trường. Cô Tú chia sẻ: “Được trường chọn, cử đi đào tạo thạc sĩ, được bố trí công việc phù hợp, phát huy được những kiến thức đã được học tôi thấy rất mừng. Điều đáng mừng hơn là trong quá trình vừa học, vừa làm tôi nhận được sự quan tâm động viên hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Tôi còn được bố trí, sắp xếp thời gian giảng dạy hợp lý... Vì thế, tôi đã chủ động học thêm kỹ năng quản lý, xử lý mọi tình huống sư phạm để khi vào việc áp dụng được linh hoạt và mang lại hiệu quả nhất định sau khi học”.

Cô Tú công tác tại Trường Chính trị tỉnh từ năm 2006, từng được công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi toàn quốc vào năm 2015. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, cô Tú đã có nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng trong giảng dạy, điển hình như giải pháp nâng cao chất lượng giờ thảo luận trên lớp. Cô còn cùng với các đồng nghiệp thực hiện hơn 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa, cấp trường. Hiện tại, cô đang phối hợp với đồng nghiệp thực hiện tiếp đề tài nghiên cứu khoa học: “Nâng cao vai trò phụ nữ trường chính trị tỉnh Hậu Giang”…   

Phát huy sức trẻ, sự sáng tạo, trở thành những “tác nhân” tích cực tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực tại cơ quan, đơn vị mình công tác, là nhận xét của lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương khi nói về lực lượng cán bộ, công chức, viên chức sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Là một trong những cán bộ quản lý xuất sắc được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn cử đi đào tạo sau đại học (thạc sĩ vật lý), sau 2 năm với trình độ chuyên môn được nâng cao, ông Võ Văn Sol, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, đã góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh. Nhờ thầy định hướng, động viên, tạo điều kiện về cơ sở vật chất đã có nhiều dự án, sáng kiến hay của giáo viên, học sinh được áp dụng thực tế tại trường. Nhất là hiệu quả từ mô hình “Phân loại và xử lý rác thải”, giúp trường tiết kiệm mỗi năm hơn 10 triệu đồng. Không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường, mà từ những loại rác có thể bán được đã cấp được 2 suất học bổng cho học sinh nghèo khó khăn, mỗi suất 500.000 đồng. Ông Sol chia sẻ: “Trong quá trình học tập, tôi được mở mang tầm nhìn, được trải nghiệm và trang bị thêm cho bản thân nhiều kiến thức về chuyên ngành cũng như niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Với tôi, để nâng cao chất lượng dạy và học, không gì bằng việc khơi nguồn đam mê học tập trong họ”.

Yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững

Toàn tỉnh có tổng số 19.491 cán bộ, công chức, viên chức, có 829 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học, 11.978 trường hợp trình độ đại học, 2.514 trường hợp trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp là 3.564 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có 1.708 trường hợp có trình độ cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị có 6.765 trường hợp, còn lại là trình độ sơ cấp  lý luận chính trị và chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Để có được nguồn nhân lực có trình độ trên, trong suốt hơn 13 năm qua, Tỉnh ủy Hậu Giang đã thực hiện các chính sách về thu hút nhân lực, quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ để nâng cao về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Từ năm 2005 đến 2017, HĐND tỉnh đã ban hành 5 nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và chính sách thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành 3 quyết định để hướng dẫn thực hiện nghị quyết của HĐND. Theo đó, xác định con người là vị trí trung tâm trong toàn bộ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát huy nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng nhấn mạnh đến nhiệm vụ nâng cao trình độ dân trí và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, để góp phần đưa Hậu Giang trở thành tỉnh khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Hữu Tình, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh), cho biết: “Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách thu hút nhân lực theo Nghị quyết của HĐND tỉnh đã tạo ra hiệu ứng nhất định, thu hút số lượng lớn cán bộ có trình độ cao, khích lệ các cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học nâng cao trình độ chuyên môn. Công tác cử cán bộ, công chức, viên chức đào tạo, bồi dưỡng đúng quy trình và không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới”.

Người giỏi cần nơi làm việc ổn định, có điều kiện phát huy kiến thức và năng lực

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: “Trong chính sách thu hút nhân lực, quan trọng là điều kiện làm việc, sau đó mới tính đến chính sách đãi ngộ. Người giỏi cần nơi làm việc ổn định, có điều kiện phát huy kiến thức và năng lực. Vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi, bố trí việc làm đúng với năng lực, chuyên môn sẽ là điều kiện tốt để cán bộ phát huy năng lực, sở trường của mình. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần dựa vào sở trường, tài năng của người được tuyển dụng mà bố trí, bổ nhiệm vị trí việc làm phù hợp, tin tưởng trao cho người được tuyển dụng những vị trí tương xứng với khả năng, phát huy tối đa tài năng”.

 

 

Từ năm 2005 đến 2017, tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng và có bằng tốt nghiệp sau đại học của tỉnh là 206.165. Hàng năm tỉnh dành hơn 27 tỉ đồng phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực. Từ năm 2005 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết được 609 trường hợp được hỗ trợ sau khi học xong và có bằng sau đại học. Trong 13 năm, đã có 175 người đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học với 54 đề tài, dự án (trong đó có 52 đề tài, dự án được áp dụng rộng rãi) với tổng kinh phí gần 8 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>