Nghề cao quý trong những nghề cao quý

20/11/2017 | 08:43 GMT+7

Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo không chỉ mang lại cho con người tri thức mà còn làm nên vốn sống, nhân cách sống. Xã hội luôn dành sự tri ân, trân trọng những người thầy !

Thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài khoa học.

Bài 1: Làm sao đếm hết công ơn người thầy !

Người đời vẫn nói:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Nhưng đâu phải lúc nào cũng vậy, nhiều thầy cô đã tự tìm đến học sinh của mình, tự mình mang con chữ đến cho những trò nghèo, những cảnh đời cơ nhỡ không có điều kiện đến trường. Với các thầy cô, còn dạy được cái chữ cho trò là niềm vui trong cuộc sống và cũng là trách nhiệm với nghề.

Vẫn lặng lẽ cống hiến cho đời

Tìm đến khu vực 2, phường Lái Hiếu, thị xã Ngã Bảy, hỏi thăm về lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Đỏ (cô Ba Đỏ), từ trẻ nhỏ cho đến những cụ già, ai ai cũng biết đến cô. Cô đã tình nguyện mở lớp dạy chữ miễn phí cho trẻ em nghèo, mồ côi, cơ nhỡ hơn 30 năm qua. Mái tóc đã bạc màu vì năm tháng nhưng đôi mắt vẫn sáng lên niềm hạnh phúc khi nhìn từng lứa học trò đã biết chữ và trưởng thành. Cô Đỏ chia sẻ: “Nhìn các con, các cháu biết đọc, biết viết, biết làm văn mà cô mừng rơi nước mắt. Vậy là tụi nhỏ đã hết mù chữ”. Trẻ em tham gia lớp học của cô đa số không có điều kiện đến trường, đến lớp như bạn bè.

Chia sẻ cơ duyên mở lớp dạy miễn phí cho học sinh hơn 30 năm qua, cô Đỏ cười hiền: “Là cái duyên, một lần tình cờ khi đang dạy mấy đứa con ở nhà, có một cô bé dáng gầy còm, nhỏ nhắn, da đen đúa, bàn tay vẫn còn dính đầy sình đứng khoanh tay nhìn cô dạy. Rồi chạy gần đến xin cô cho vào học cùng các anh. Tôi thương và có ý định mở lớp dạy cho các trẻ em nghèo từ đó. Lớp học lúc đó chỉ vài cháu nay lên đến hơn 80 cháu rồi, phải chia nhiều giờ để dạy các cháu vì hàng ba nhà cô quá nhỏ không đủ chỗ ngồi”.

Các em học tại lớp cô có độ tuổi khác nhau, có em 14 tuổi rồi mà mới tập đọc, có người hơn 20 tuổi mà mới tập viết chính tả, nên cô Đỏ xây dựng kế hoạch hợp lý để quá trình học tập của các em không bị gián đoạn. Em Trần Văn Lắm, 14 tuổi, ở khu vực 1, phường Lái Hiếu, chia sẻ: “Nhà em khó khăn, cha em bị bệnh tâm thần, 2 anh em phải đi bán vé số để lo miếng ăn. Nhờ cô Ba thương cho em vào học không lấy tiền mà bây giờ em đã biết chữ, biết cộng các con số rồi, không còn sợ thối tiền lộn cho người ta nữa”.

Ở cái tuổi 74, sức khỏe yếu dần, nhưng cô Đỏ vẫn hàng ngày lên lớp chỉ dẫn cho những trò nhỏ của mình biết con chữ, bài học làm người. Noi gương cô, cháu ngoại cô hiện đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn sau giờ học trên trường cũng tranh thủ dạy các em nhỏ cùng bà của mình.

Còn lớp học tình thương của bà Lâm Thị Năm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, cũng đã giúp nhiều trẻ em khó khăn biết đến cái chữ, lớp học hè được mở từ năm 2005. Bà Năm chia sẻ: “Trẻ vùng nông thôn, không có điều kiện vui chơi, những ngày hè rất khó quản lý trẻ, có thể xảy ra tai nạn đuối nước hay phải bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa nên tôi nghĩ mở lớp học hè sẽ giúp trẻ và gia đình các em nhiều hơn. Dạy trẻ học tôi cũng thấy đỡ nhớ trường, nhớ lớp”. Bà Năm trước khi nghỉ hưu là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thuận 2 (nay là Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Tân Hòa). Ông Võ Văn Đồn, ở ấp 2A, xã Tân Hòa, thổ lộ: “Được bà giáo Năm giúp đỡ, dạy học miễn phí cho con tôi nên con mới có sức học tốt như hiện nay. Tôi thấy rất mừng và biết ơn bà Năm nhiều lắm”.

Nhìn những đôi mắt chăm chú làm bài của học sinh, bà Năm bộc bạch: “Tôi thấy, dạy trẻ chính là dạy bản thân mình. Về hưu rồi, nhưng tôi cũng sẽ học, học mãi, học đến khi nào tôi không còn sức để học nữa thôi. Tôi sẽ tích cực tham khảo thêm các cách dạy học hiện đại, khoa học mới hiện nay trên mạng để giúp trẻ tiếp thu bài tốt hơn”. Trước tấm lòng nhân ái và tận tâm với học trò, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng cũng gửi tặng bà Năm một phần quà để ghi nhận những cống hiến của bà với sự nghiệp giáo dục.

Từ những câu chuyện trên mới thấy, đâu phải lúc nào phụ huynh cũng “bắc cầu kiều” để cho con em mình hay chữ. Đã có những người thầy, người cô đã tìm đến với những học trò của mình, như cô Năm, cô Đỏ và còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo khác vẫn ngày ngày gieo chữ, rèn nhân cách bằng cả tấm lòng, sự tận tâm cho học trò…

Tấm lòng nhà giáo

Góp thêm vào vườn hoa tri thức của ngành là những nhà giáo trẻ. Tuy trẻ tuổi đời lẫn tuổi nghề thế nhưng các nhà giáo đã luôn chủ động học hỏi, đổi mới và sáng tạo. Thầy Lê Thanh Liêm, 29 tuổi, giáo viên dạy vật lý, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Him Lam, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Với tôi, dạy học chính là sự đam mê. Chính vì thế tôi luôn chủ động tìm tòi cách dạy học hấp dẫn để thu hút học sinh vào từng tiết dạy. Tôi nghĩ dạy học không thể 1 chiều mà là sự tương tác, cộng hưởng qua lại từ 2 phía là người dạy và người học”. Xuất phát từ niềm đam mê với nghề giáo, thầy Liêm đã góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Nhờ thầy bồi dưỡng, có nhiều học sinh đạt giải cao từ các hội thi cấp tỉnh, quốc gia và khu vực với các mô hình “Xe xử lý rong rêu”, mô hình “Tàu thu gom rác”, “Xe 5 việc dùng năng lượng xanh”… Trong đó, mô hình “Đập ngăn mặn thông minh” đạt giải nhất cấp tỉnh và đạt giải 3 Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Nam, giải đặc biệt do Trường Đại học Cần Thơ trao tặng. Riêng bản thân thầy đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp tỉnh môn vật lý năm học 2016-2017. Với những cố gắng, nỗ lực của mình, thầy vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017.

Cũng sẽ là thiếu xót nếu không nói đến vai trò của những cán bộ quản lý ở các trường trong những ngày tri ân nhà giáo này. Là trường học có chất lượng nhất nhì của tỉnh, với phong trào mũi nhọn đạt rất cao, Trường THCS Lê Quí Đôn, thành phố Vị Thanh được xem là cái nôi đào tạo nhiều học sinh giỏi cho tỉnh. Khi mỗi năm đều có ít nhất 5 học sinh đạt giải quốc gia qua các cuộc thi. Người góp phần làm nên những kết quả này là thầy Phạm Văn Phân, Hiệu trưởng nhà trường. Từ năm 2007 đến nay, với vai trò là hiệu trưởng, thầy đã lãnh đạo, điều hành đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, từng bước đưa thành tích của trường ngày càng cao. Có thể kể đến việc tiên phong thực hiện dạy 2 buổi/ngày, mô hình “Trang trí lớp học”, phong trào tiếp sức đến trường thực hiện “3 đủ” rồi nâng tầm lên “4 đủ” cho học sinh nghèo… đã giảm đáng kể số lượng học sinh bỏ học. Thầy Phân chia sẻ: “Tham khảo những trường bạn tại thành phố lớn, thấy dạy 2 buổi/ngày rất hiệu quả nên tôi đã xin phòng giáo dục cho thực hiện thí điểm tại trường. Bằng niềm tin, sự yêu nghề mà đến nay hoạt động đã đi vào nề nếp và đảm bảo chất lượng”.

Chính nhờ việc tổ chức lớp dạy 2 buổi/ngày mà chất lượng học sinh khá, giỏi của trường tăng lên rõ rệt. Từ 21% năm học 2007-2008 đã tăng lên gần 70% học sinh khá giỏi năm học 2016-2017. Năm học 2012-2013, trường đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, năm học 2016-2017, trường đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng… Riêng bản thân thầy, 36 năm gắn bó với nghề, thầy đã vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2004, 3 năm liên tục (2006-2009) nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2010 nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và năm 2013, thầy nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước tặng…

Dù ở cương vị nào, các thầy cô cũng “gom hương, góp mật” cho đời, để mỗi em học sinh khi ra trường đều được trang bị một kiến thức tốt, vững vàng và nhất là có một nền tảng về cách đối nhân xử thế, trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Dạy trẻ chính là dạy bản thân mình

“Tôi thấy, dạy trẻ chính là dạy bản thân mình. Về hưu rồi, nhưng tôi cũng sẽ học, học mãi, học đến khi nào tôi không còn sức để học nữa mới thôi. Tôi sẽ tích cực tham khảo thêm các cách dạy học hiện đại, khoa học mới hiện nay trên mạng để giúp trẻ tiếp thu bài tốt hơn”, bà Lâm Thị Năm, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thuận 2, xã Tân Hòa, nói.

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh:

Lấy tiêu chí giáo dục đạo đức làm gốc để đánh giá tính hiệu quả của giáo dục

Trong buổi Họp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam cuối tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Công Chánh nhắn nhủ: “Ngành giáo dục cần chú trọng xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện cởi mở trong nhà trường với cộng đồng xã hội, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học trên địa bàn. Lấy tiêu chí giáo dục đạo đức làm gốc để đánh giá tính hiệu quả của giáo dục. Đội ngũ nhà giáo phải không ngừng tự học, đổi mới và sáng tạo để đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, vừa hồng, vừa chuyên. Gương mẫu, chủ động sáng tạo, đổi mới trong dạy và học để làm sao ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang luôn là điểm sáng của giáo dục khu vực và cả nước…”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Bài 2: Nâng tầm sự nghiệp trồng người

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>