Nghề cao quý trong những nghề cao quý

21/11/2017 | 08:13 GMT+7

Niềm vui lớn nhất của nhà giáo đó chính là sự khôn lớn và thành đạt của học trò. Để thực hiện được điều đó, cùng với sự chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả cộng đồng, đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà đã không ngừng nỗ lực vượt khó, xứng đáng là những nhà giáo mẫu mực có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi.

Bài 2: Nâng tầm sự nghiệp trồng người

Sau gần 14 năm, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà đã có một bước tiến rất dài. Đó là thành quả từ những tấm lòng, để nghề cao quý thật sự cao quý!

Giáo viên chủ động đổi mới, sáng tạo sẽ tạo sức hấp dẫn trong mỗi tiết học cho học sinh.

Tự tin thoát khỏi “vùng trũng”

10 năm trước, nhắc đến giáo dục Hậu Giang, nhiều người vẫn còn dùng từ “vùng trũng”, nhưng hiện nay tỉnh đã kiện toàn hệ thống trường lớp từ mầm non đến trung cấp, cao đẳng, đại học, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia từ mầm non đến THPT đạt trên 52%, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trong tỉnh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phát triển về số lượng lẫn chất lượng.

Trước đây, tỷ lệ đạt chuẩn của giáo viên khi mới chia tỉnh chỉ có 60-70%, tỷ lệ trên chuẩn chỉ hơn 15%, nay tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý ở các cấp học đạt chuẩn là 100%, tỷ lệ vượt chuẩn khá cao, nhất là cấp học mầm non, mẫu giáo, tiểu học hơn 86%. 100% cán bộ quản lý được học các lớp quản lý giáo dục, chính trị trung cấp, tăng cường chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ.

Khi mới chia tách tỉnh, cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ chỉ có khoảng 6 người mà nay toàn ngành đã 183 người có trình độ thạc sĩ. Vui khi học sinh ngày càng yêu thích môn học của mình, thầy Huỳnh Văn Minh, giáo viên dạy môn vật lý, Trường THPT Lê Quý Đôn, thị xã Ngã Bảy, bộc bạch: “Học sinh bây giờ ngày càng hứng thú với các tiết học có ứng dụng công nghệ thông tin nên tùy theo bài học, tôi đã lựa chọn tiết dạy phù hợp có ứng dụng máy chiếu, hình ảnh minh họa cụ thể để vừa kết hợp lý thuyết với thực hành để các em dễ tiếp thu. Việc tạo điều kiện để các em được trải nghiệm, thử nghiệm qua các vật thật giúp học sinh có tự tin, chịu khó nghiên cứu, sáng tạo hơn trong môn học”. Thầy Minh về công tác tại Trường THPT Lê Quý Đôn vào năm 2003, khi đó thầy chỉ tốt nghiệp đại học, đến nay với trình độ thạc sĩ (năm 2010) thầy đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn vật lý của trường. Từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 20 học sinh giỏi cấp tỉnh do thầy phụ trách bồi dưỡng. Thầy từng được bình chọn là giáo viên “Giỏi toàn diện về tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Từng cá nhân các thầy cô cố gắng, nỗ lực, đã góp phần cho giáo dục Hậu Giang thoát khỏi “vùng trũng”.

Nỗ lực bứt phá

Năm 2017 là năm ngành giáo dục tỉnh nhà đạt được thành tựu rực rỡ, khi có đến 10 nhà giáo, học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017, trên 600 giải thưởng cấp quốc gia, khu vực, cấp tỉnh… Trở về trường sau chuyến ra Hà Nội dự lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017 và nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, em Trần Văn Thương, học sinh lớp 12TN2, Trường THPT Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Em mừng lắm khi lần đầu tiên được đi ra Hà Nội nhận giải thưởng. Để có kết quả tốt như ngày nay chính là nhờ thầy cô giáo ở trường đã tận tình hỗ trợ em, nhất là thầy Lưu Hoàng Thức. Nhờ thầy đã khơi nguồn sáng tạo trong em để em và bạn mình chế tạo thành công “Xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh”.

Nhờ thầy Lưu Hoàng Thức hỗ trợ tận tình mà “Xe canh tác lúa đa năng sử dụng năng lượng xanh” đạt giải nhì Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Nam. Thầy Thức thổ lộ: “Mình là giáo viên dạy thể dục, không phải dạy hóa, sinh hay vật lý nhưng khi nghe các em đề xuất ý tưởng, được trường và đồng nghiệp hỗ trợ hết mình nên cũng gắng sức thực hiện. Quả thật khi nghiên cứu cùng các em, mình càng thấy thú vị và hấp dẫn. Việc nghiên cứu giúp cho mình nhận ra rằng không có việc gì khó chỉ sợ mình không làm. Bản thân là một giáo viên mình càng phải chủ động sáng tạo, chịu khó học hỏi mới là tấm gương để học sinh noi theo”.

Có thể thấy phong trào nghiên cứu khoa học trong ngành giáo dục thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, khơi nguồn cho những sáng kiến, dự án mang tính ứng dụng cao. Nhờ sự hỗ trợ của thầy cô, các em học sinh đã xuất sắc mang về các giải cao từ các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng, Hội thi Tin học trẻ với các sản phẩm nổi trội, với sản phẩm mang tính ứng dụng cao như “Máy nấu nước thông minh” của em Trần Vi Khan, học sinh Trường THPT Lương Tâm, huyện Long Mỹ; sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh; sản phẩm: “Hiscial 12 -  Mạng xã hội học tập môn lịch sử 12” của học sinh Trần Quốc Khang, Trường THPT Lương Tâm…

Phong trào nghiên cứu khoa học đã là một hoạt động thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong trường phổ thông, đào tạo những học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Đảm bảo theo phương châm “Học đi đôi với hành”.

Sự chăm chỉ đào luyện kiến thức từ những người thầy mới có thể đào tạo nên những lứa học trò giỏi và truyền “lửa” cho các em niềm đam mê học tập. Đổi mới giáo dục đang đòi hỏi không ngừng vươn lên của đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy và nâng cao chất lượng giáo dục. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Để thích nghi và nâng chất chính mình không cách nào khác là ý thức tự học, tự bồi dưỡng của những người thầy trên mọi cương vị dù quản lý hay giảng dạy. Đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ quản lý từ sở đến các trường và đội ngũ giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo Hậu Giang đã đi vào thế ổn định và ngày càng nâng tầm chất lượng. Các nhà giáo hiện nay luôn có ý thức tự nâng cao trình độ chuyên môn của mình để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tình hình mới. Các thầy cô giáo đang tích cực tôi luyện để thật sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo”.

Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 340 trường từ mầm non đến THPT. Trong đó: có 23 trường THPT, 62 trường THCS, 170 trường tiểu học và 85 trường mầm non, mẫu giáo, với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên 10.450 người. Tổng số lượng thạc sĩ toàn ngành là 183 người, 7.250 đảng viên, chiếm tỷ lệ 70,45%. Trong đó, cán bộ quản lý có 764 đảng viên, đạt tỷ lệ 98,71%; giáo viên là 5.860 đảng viên, đạt tỷ lệ 71,86%, nhân viên là 626, chiếm tỷ lệ 45,96%).

 

Giáo dục Hậu Giang đi lên như hiện nay là từ những tấm lòng !

Ông Bùi Văn Dũng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, nói: “Đó là tấm lòng của Đảng, chính quyền, của toàn thể nhân dân, của các nhà giáo dành cho sự nghiệp trồng người. Đảng, chính quyền đã quan tâm, chăm lo sát sao cho sự nghiệp giáo dục. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư cho việc kiện toàn cơ sở vật chất trường lớp học. Trong đó đặc biệt là giáo dục bậc học mầm non, mẫu giáo. Rồi hàng trăm ngàn mét vuông đất được người dân hiến tặng xây dựng trường học. Bà con đã sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em đến trường. Trong điều kiện kinh tế ngày càng khó khăn, thầy cô vẫn yêu nghề, bám trường, bám lớp để mang nguồn tri thức đến cho các thế hệ học trò”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>