Những trường ở vùng khó khăn nhất đã đạt chuẩn…

16/03/2018 | 07:30 GMT+7

Toàn tỉnh có 188/340 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, tăng 18 trường so với năm 2016. Trong số đó, có những trường ở những vùng khó khăn nhất đã đạt chuẩn, điều này chứng minh tỉnh và các địa phương luôn dành sự quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong công tác xây dựng trường chuẩn.

Trường THCS Long Phú với cơ sở vật chất khang trang đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.

Nối dài niềm vui lớn

Trong ngôi trường khang trang, rộng rãi, còn thơm mùi vôi mới, từng lớp học dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy, cô giáo, các em học sinh Trường Tiểu học Hòa An 1, huyện Phụng Hiệp, tỏ ra thích thú với từng tiết học… Em Bùi Thị Vân Anh, học sinh lớp 2A1, Trường Tiểu học Hòa An 1, chia sẻ: “Em và các bạn mừng lắm khi được học trong phòng lớp rộng rãi, đẹp và rất mát. Em sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng là học sinh của trường đạt chuẩn”. Trường Tiểu học Hòa An 1 là một trong những trường có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhất huyện. Ông Sầm Triệu, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Trước khi được quan tâm đầu tư xây dựng, tại vị trí này trước đây, phòng lớp xuống cấp trầm trọng, trường thiếu phòng học, phòng chức năng, sân, bãi, hàng rào không đảm bảo… đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện học tập của học sinh”. Trước những đòi hỏi cấp thiết trên, Huyện ủy, UBND huyện đã quan tâm hỗ trợ kinh phí kịp thời. Trường đã được đầu tư xây dựng mới 11 phòng học, phòng chức năng, nâng cấp sửa chữa sân, hàng rào… đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học của cả giáo viên và học sinh. Từ các điều kiện trên kết hợp với sự chủ động nâng cao chất lượng giảng dạy Trường Tiểu học Hòa An 1 đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2017.

Cùng chung niềm vui đạt chuẩn, Trường THCS Long Phú, thị xã Long Mỹ, đang nỗ lực để nâng cao và duy trì chất lượng dạy - học. Thầy Nguyễn Hải Thuyền, giáo viên dạy tin học Trường THCS Long Phú, bộc bạch: “Giáo viên chúng tôi đang triển khai nhiều phương pháp dạy mới, hấp dẫn để thu hút học sinh trong từng tiết dạy. Chúng tôi chú tâm đến việc vừa dạy kết hợp giáo dục đạo đức cho học sinh. Bên cạnh đó, cho học sinh thực hành, đặt câu hỏi nhiều hơn để các em phát huy được sự sáng tạo và óc khám phá của mình”. Trước đây phòng lớp, cơ sở vật chất của Trường THCS Long Phú đã xuống cấp nhiều, Thị ủy, UBND thị xã đã hỗ trợ kinh phí để trường nâng cấp sửa chữa 13 phòng học, 8 phòng chức năng và các hạng mục khác với tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng. Trường lớp khang trang, hiện đại là động lực để trường nâng cao chất lượng dạy và học.

Cơ hội để nâng chất lượng giáo dục

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của các trường học, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng giáo dục… Với ý nghĩa đó, nhiều trường đã phấn đấu hoàn thiện mình để tạo thương hiệu cho đơn vị. Nhất là các trường ở vùng khó khăn thì việc đầu tư xây dựng chuẩn sẽ giúp các trường hoàn thiện cơ sở vật chất, phục vụ tốt cho giảng dạy.

Toàn tỉnh có 188/340 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, tăng 18 trường so với năm 2016. Trong đó, mầm non, mẫu giáo có 52 trường đạt chuẩn (tăng 6 trường), tiểu học có 83 trường đạt chuẩn (tăng 5 trường), THCS có 44 trường đạt chuẩn (tăng 4 trường), THPT có 9 trường đạt chuẩn (tăng 1 trường). Phần lớn trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm qua đều nằm ở vùng nông thôn, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa. Điều này thể hiện một sự đầu tư đúng hướng cho giáo dục vùng sâu cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng giáo dục. Một thuận lợi khác mà ít trường nằm ở trung tâm thành phố hay các huyện, thị xã có được, là các trường vùng nông thôn có quỹ đất rộng, số lượng học sinh ít hơn, nên cơ bản đáp ứng được các tiêu chí số mét vuông/học sinh, diện tích nhà trường, cơ sở vật chất… nhất là ở huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành, thị xã Long Mỹ. Đây là các đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn không cao so với các huyện, thị khác trong tỉnh.

Để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường học đã cố gắng hoàn thiện mình theo các tiêu chuẩn được quy định. Cũng có những tiêu chí nằm ngoài tầm với của các trường nếu không nhận được sự quan tâm, đầu tư kịp thời. Đơn cử như Trường Tiểu học Ngô Hữu Hạnh 6, huyện Châu Thành. Trường này trước đây điều kiện rất khó khăn, không có phòng chức năng đã được huyện Châu Thành hỗ trợ xây dựng cơ sở mới với diện tích hơn 7.200m2 đã tạo điều kiện cho trường đạt chuẩn. Ông Lê Văn Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đến bây giờ tôi và các giáo viên vẫn không nghĩ mình được giảng dạy trong ngôi trường mới, đẹp và hiện đại như thế. Chúng tôi quyết tâm nâng chất lượng dạy và học. Sẽ tranh thủ các sự hỗ trợ để không học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà bỏ học”.

Nói về những kết quả mới khả quan này, ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Hoàn thiện cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo… dù là những tiêu chí bắt buộc trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng suy cho cùng thì những tiêu chí đó, những chuẩn đó cũng vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là một phong trào mà còn là một con đường tất yếu để các trường xây dựng thương hiệu cho mình”.

Năm 2018, ngành giáo dục và đào tạo phấn đấu đạt tỷ lệ từ 60-65% trường đạt chuẩn. Khó khăn hiện nay trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn là thiếu kinh phí và quỹ đất. Để sớm đạt kết quả này, ngoài lồng ghép vào chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng trường đạt chuẩn, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tăng cường xã hội hóa, riêng các trường sẽ chủ động phát huy nội lực, nâng cao chất lượng dạy và học...

 

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>