Nữ doanh nhân nặng lòng với giáo dục

01/12/2017 | 09:06 GMT+7

Không phải là người con của Hậu Giang, nhưng với tấm lòng yêu quý nghề giáo mà gần 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Dung Thành phố Hồ Chí Minh, đã luôn đồng hành chăm lo các cựu giáo chức, cũng như giáo dục tỉnh nhà.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (bìa phải), Giám đốc Công ty Dệt may Nguyên Dung Thành phố Hồ Chí Minh, luôn quan tâm đến đời sống nhà giáo.

Đã từng ước mơ được mặc áo dài đi dạy…

Mỗi lần được tham gia họp mặt cùng Hội Cựu giáo chức tỉnh Hậu Giang là mỗi lần chúng tôi lại vẹn nguyên cảm xúc trước hành động hết sức tôn kính người thầy của bà Dung. Dù ở cương vị là giám đốc của một công ty ăn nên làm ra, là nhà tài trợ cho buổi họp mặt thường niên hàng năm, thế nhưng khi đứng trước những thầy cô giáo, bà luôn bày tỏ sự kính trọng. Mỗi lần lên bục phát biểu, bà luôn thành kính cúi chào trước chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Dung chia sẻ: “Được tham dự ngày Tết thầy cô (20-11) là niềm vinh dự của tôi, là động lực để tôi nhớ và thực hiện những lơi Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Với toi, người làm nên thành công ấy không ai khác là những nhà giáo, nên chúng tôi trân quý thầy cô lắm”.

Chia sẻ cơ duyên vì sao từ một doanh nhân bà lại có hướng rẽ sang chăm lo cho hoạt động giáo dục, bà Dung cho biết: “Tôi quê ở Quảng Nam. Hồi nhỏ rất yêu và mê nghề giáo, nhưng vì hoàn cảnh gia đình ngày trước rất khó khăn nên tôi chỉ có thể học hết cấp 1. Ước mơ trở thành cô giáo trong tôi đã phải tạm gác lại bằng những nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng gia đình. Tuy nhiên, tình yêu nghề giáo như một mạch ngầm nung nấu trong tôi, để khi đã ổn định cuộc sống, thành lập nên một công ty và có điều kiện kinh tế hơn trước, tôi đã nghĩ đến làm việc gì cho nghề mình yêu thích. Với tôi, chăm lo cho thầy cô, học sinh khó khăn cũng là cách mình thể hiện tình yêu với nghề giáo”.

Người gieo hạt giống yêu thương

Bà Dung kể: “Một lần tình cờ đi làm từ thiện cùng với mọi người, tôi bắt gặp hình ảnh một cô giáo đi dạy được 18 năm bị bệnh tâm thần, chứng kiến cuộc sống cực khổ của cô khi không có người thân chăm sóc mà thấy xot xa trong lòng. Cô giáo ấy nói với tôi: “Các bạn đợi tôi đánh răng, chải tóc rồi đi dạy chung nghe, để học trò nó đợi tội nghiệp”. Rồi cô giáo đó nhảy ùm xuống ao, lấy đất đánh răng, lấy sình non thoa lên người… Thấy thương lắm, từ đó, tôi quyết tâm bằng hết sức lực của mình cũng sẽ quan tâm, chăm lo cho các thầy cô trong điều kiện mình có thể”.

Năm 2008, tại tỉnh Bến Tre nơi bà bắt gặp hình ảnh cô giáo đó chính là nơi bà “gieo hạt giống yêu thương” trong chính mái nhà tranh gần như đổ nát của cô giáo trẻ. Bà Dung kể: “Tôi đã cùng các anh em trong công ty góp tiền hỗ trợ cất lại căn nhà cho cô giáo và hỗ trợ cô điều trị bệnh. Bây giờ cô giáo cũng đỡ rồi, đó chính là niềm tin, động lực để tôi gắn bó với công việc mình làm đến ngày nay”.

Bây giờ, bà Dung đã cùng đồng nghiệp của mình hỗ trợ cho giáo viên về hưu ở 8 tỉnh là Bến Tre, Kon Tum, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu. Mỗi giáo viên về hưu có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng. Như vậy, mỗi dịp lễ tri ân thầy cô giáo về hưu, bà đã trích ra ít nhất 3 tỉ đồng cho các hoạt động và hỗ trợ hàng tháng ở 8 tỉnh. Ông Lê Văn Thắng, giáo viên nghỉ hưu ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, chia sẻ: “Tôi rất mừng khi năm nay nhận được sự hỗ trợ hàng tháng 500.000 đồng từ Công ty Dệt may Nguyên Dung. Với số tiền này đã giúp tôi rất nhiều trong việc khám, chữa bệnh hàng tháng”.

Từ năm 2013 đến 2017, bà Dung cùng đồng nghiệp mình Công ty Dệt may Nguyên Dung đã tài trợ cho Hội Cựu giáo chức tỉnh Hậu Giang hơn 1.300 phần quà và tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng (trong đó hỗ trợ cho 250 hội viên với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng và hỗ trợ 5 lần tổ chức ngày 20-11, với số tiền 139,5 triệu đồng). Ông Trần Tấn Thời, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh, cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm, hỗ trợ động viên của bà Dung dành cho nhà giáo. Những suất quà nghĩa tình, những lời động viên thăm hỏi chân thành, ấm áp sẽ là động lực để các nhà giáo về hưu tỉnh nhà tiếp thêm nghị lực chung tay chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.

Bà Dung đang lên kế hoạch hết năm 2018 sẽ hỗ trợ cho giáo viên về hưu ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sớm xây dựng hoàn thành “Nhà phụng dưỡng tri ân thầy cô giáo” tại tỉnh Long An để những nhà giáo về hưu ở các tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, không người chăm sóc có nơi ăn, ở đến suốt cuộc đời…

Từ năm 2013 đến nay bà đã nhận được 5 bằng khen Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, 1 kỷ niệm chương của Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, 1 bằng khen UBND tỉnh Hậu Giang, cùng giấy khen Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang trao tặng.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>