Quán cà phê khuyến học ở Cần Thơ

24/07/2018 | 16:00 GMT+7

Quán cà phê Arduino, ở đường Lê Lai, phường An Phú, quận Ninh Kiều, là một trong những địa chỉ đặc biệt tại thành phố Cần Thơ. Không chỉ là quán nước, nơi đây là điểm đến quen thuộc của sinh viên có niềm đam mê về điện tử và cơ khí, là địa chỉ khuyến học cho những ai có niềm đam mê sáng tạo.

Ông Nhan Thanh (đứng) cùng các bạn sinh viên tại quán Arduino. Ảnh: MAI THẢO

Quán Arduino chia thành 2 không gian, tầng trệt dành cho khách đến giải khát, còn tầng trên dành cho sinh viên đến nghiên cứu, học tập và thảo luận nhóm. Arduino được ông Nhan Thanh, một thợ máy có hơn 30 năm trong nghề, mở ra với mục đích truyền những kinh nghiệm thực tế của bản thân cho các sinh viên. Điều này xuất phát từ việc ông từng trải và thấu hiểu những khó khăn của các bạn trẻ khi mới chập chững bước vào nghề kỹ thuật điện tử. Ông Thanh cho biết: “Trong nhiều năm làm việc, tôi tiếp xúc rất nhiều sinh viên và cảm nhận kiến thức các em rất vững nhưng lại thiếu ứng dụng thực tế, lại không kịp cập nhật những thiết bị đang thịnh hành trong sản xuất. Do đó, tôi mong các em đến đây để vừa học vừa tiếp xúc với những công cụ sản xuất đang được vận hành. Bên cạnh đó, tôi cũng thành lập một câu lạc bộ tự động hóa, mỗi tháng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các bạn vào 2 ngày đầu tháng và giữa tháng”.

Ông Nhan Thanh sáng chế chiếc máy in 3D có thể giúp tạo ra các vật mẫu có kích cỡ từ vài milimet đến 5 tấc. Đến đây, các bạn sinh viên không chỉ được tiếp cận thiết bị trên, mà ông Thanh còn trang bị một số bộ lập trình điều khiển trong điện công nghiệp, một số bo mạch tự động hóa để các bạn trẻ hiện thực hóa đề tài hay ý tưởng của mình. Chúng tôi tình cờ gặp Võ Quốc Trung Hưng, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ đang thực hiện luận án tốt nghiệp của mình tại đây. Hưng cho biết: “Làm đề tài ở nhà, thiếu thiết bị và dụng cụ. Đến đây, nhiều thiết bị có sẵn, nếu còn thiếu thì em mua để đóng góp vào. Từ khi đến đây, em thấy việc học của mình thêm tiến bộ nhờ sự hướng dẫn của chú Thanh và các anh đi trước”.

Khi mới bắt đầu ý tưởng kết hợp giữa kinh doanh giải khát với truyền kinh nghiệm về cơ khí, điện tử cho sinh viên, ông Thanh không tránh khỏi lo ngại khó thu hút khách. Qua thực tế 2 năm vận hành quán, lượng khách đến quán của ông một phần đúng như ý tưởng. Nhiều sinh viên ngành cơ khí điện tử xem đây là một địa chỉ quen thuộc để học tập và trao đổi kinh nghiệm. Trần Thành Đạt, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Ở đây chú Thanh hỗ trợ công cụ rất nhiều như: cờ lê, ốc, vít, máy in 3D, máy đo… Có gì không hiểu, chú Thanh đưa ra hướng xử lý, giúp em năng động hơn”. Ngay cả những người học về kinh doanh như Lê Chánh Duy cũng thường xuyên đến quán. Duy nói rằng: “Dù không học ngành cơ khí điện tử, nhưng môi trường tại quán Arduino này rất hòa đồng, rất dễ chịu, anh em, bạn bè sẵn sàng chia sẻ giúp mình nâng cao tinh thần học tập. Đến đây, mình học được nhiều điều từ kỹ năng sống, kỹ năng làm việc nhóm, nhất là nắm bắt những thông tin công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất kinh doanh”.

Một nửa diện tích kinh doanh của gia đình, ông Thanh dành cho việc nghiên cứu, học tập. Trong kỳ vọng của một người yêu nghề cơ khí, ông Thanh không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kinh nghiệm cho sinh viên, mà còn mong muốn các em vững tay nghề và có được việc làm sau khi ra trường. Đồng thời, ông hy vọng sẽ có người truyền lại tình yêu nghề, kiến thức, kinh nghiệm cho thêm nhiều người nữa. Ông Thanh nói: “Gặp những em nhiệt huyết, tôi đem hết những kinh nghiệm của mình chỉ lại cho các em. Ở đây, tôi không có gì phải giấu nghề”.

Arduino của ông Nhan Thanh là một góc nhỏ đáng trân trọng trong nhịp sống đô thị tất bật!

Theo MAI THẢO – Cần Thơ Online

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>