Sân chơi nghệ thuật cho giáo viên và học sinh

13/11/2018 | 10:02 GMT+7

Hai năm được tổ chức một lần, hội diễn văn nghệ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đã trở thành sân chơi nghệ thuật hấp dẫn để giáo viên và học sinh thể hiện tài năng, sự sáng tạo, tính năng động của mình qua các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Xoay quanh chủ đề “Tự hào nhà giáo Hậu Giang”, các tiết mục văn nghệ của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ tạo nét ấn tượng.

Ấn tượng tại hội diễn là chương trình văn nghệ của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Long Mỹ, với các tiết mục xoay quanh chủ đề “Tự hào nhà giáo Hậu Giang” như: “Nhớ ơn thầy”, “Người thầy năm xưa”… đã tạo nên sắc màu lung linh, đẹp mắt nhưng không kém phần cảm động. Khi các thầy cô tái hiện hình ảnh các em học sinh đồng bào dân tộc phải vượt khó khăn, bơi lội qua sông suối nguy hiểm để được đến trường học con chữ. Hay những giáo viên yêu nghề, tình nguyện giảng dạy ở vùng cao để mang kiến thức về cho học sinh. Hình ảnh những tấm giấy khen, những phần thưởng học tốt là minh chứng cho những nỗ lực, không mệt mỏi của thầy và trò. Thầy Lê Quốc Nhiệm, giáo viên Trường THCS Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Thời gian chuẩn bị cho hội diễn không nhiều nhưng vì tinh thần văn nghệ các giáo viên trường tôi tranh thủ thời gian rảnh vào các buổi tối để tập luyện cùng nhau. Nhờ những buổi tập như vậy mà mối quan hệ đồng nghiệp càng trở nên khăng khít. Quả thật, hoạt động văn nghệ giúp giáo viên được gần gũi và có những thời gian thư giãn bổ ích”.

Để lại vẻ trang nghiêm trong những giờ đến lớp, tạm gác công việc giảng dạy trên bục giảng, các giáo viên tham gia hội diễn văn nghệ ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang lần thứ IX năm 2018 đã tạo cho người xem cảm giác như đang được xem một chương trình văn nghệ chuyên nghiệp. Chẳng hạn như tiết mục múa “Sen Việt” của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh làm cho người xem được “mãn nhãn” khi ngắm nhìn những cánh hoa sen mềm mại đung đưa trước gió. Trên nền những giai điệu khoan thai, dìu dặt của âm nhạc dân tộc, các cô giáo như hóa thân thành những cánh sen khoe sắc trong những bộ trang phục biểu diễn cách điệu hoa sen kết hợp hài hòa với ánh đèn sân khấu huyền ảo. Họ khéo léo tạo hình nhiều vòng trong và ngoài tựa như những lớp cánh sen hồng phớt trắng ốp vào nhau, để rồi qua từng vũ điệu, những cánh sen lần lượt nở ra, vươn lên và nhảy múa. Nét đẹp mộc mạc và thanh khiết của hoa sen được các giáo viên, học sinh thể hiện qua các dáng múa uyển chuyển, tạo cảm giác rất chân thật. Mộc mạc, đằm thắm nhưng ngay thẳng và luôn vươn lên bầu trời xanh. Em Nguyễn Trọng Tín, học sinh lớp 12CB2, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Được múa, hát cùng thầy cô trong ngày hội diễn này em rất vui. Thầy cô không chỉ trang bị cho em kiến thức mà còn hỗ trợ em các kỹ năng trong biểu diễn, múa, hát… Em thấy vui vì được tham gia sân chơi nghệ thuật ý nghĩa này”.

Và sẽ là thiếu sót trong chương trình văn nghệ nếu không nhắc đến các tiết mục múa, hát của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ngã Bảy. Xoay quanh chủ đề “Vươn tầm cao”, với các tiết mục như: “Nét quê”, “Vì đàn em thân yêu”, “Ngã Bảy phố và sông”, “Hậu Giang vươn tầm cao mới” các thầy cô giáo đã làm cả hội trường rộn rã tiếng cười và những tràng pháo tay tán thưởng khi tái hiện được nét đẹp sông nước. Hình ảnh mái chèo, cái lờ, cái lợp, cái thúng, cái nia, hình ảnh người dân hăng say lao động để mang về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hình ảnh thầy cô giáo vượt qua mọi khó khăn để mang kiến thức về cho học trò… được thầy cô thể hiện càng làm cho chương trình thêm phần ý nghĩa. Cô Trần Thị Mỹ Xuyên, giáo viên Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, bộc bạch: “Quả thật càng xem càng thấy các bạn đồng nghiệp của mình múa, hát thật là hay. Các thầy cô không chỉ là những giáo viên giỏi, ưu tú của các trường mà khi đứng trên sân khấu với vai trò diễn viên ca, múa cũng uyển chuyển và điêu luyện”.

Chính sự nhiệt tình, tinh thần giao lưu học hỏi và trau dồi thêm kỹ năng diễn xuất mà các thầy, cô giáo, các em học sinh trình bày các tiết mục văn nghệ rất tự nhiên và thoải mái, không quá “gồng” vì lựa chọn bài hát quá sức mình. Tham gia hội thi này, có 14 đội tham gia, với 364 giáo viên, học sinh thuộc 8 phòng giáo dục và đào tạo, các trường THPT. Theo đó, mỗi đội thực hiện 1 chương trình văn nghệ xoay quanh chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước… Mỗi đội sẽ có từ 3-5 tiết mục gồm các thể loại: múa, hát đơn ca, song ca, tốp ca… Ông Võ Quốc Thoại, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, Phó Ban tổ chức hội thi, cho biết: “Để chuẩn bị cho hội diễn lần này một số phòng giáo dục và đào tạo trong tỉnh đã tổ chức hội thi ở cấp cơ sở để chọn lựa những cá nhân có năng khiếu. Tuy thời gian chuẩn bị của các đơn vị không nhiều nhưng hoạt động đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn ngành giáo dục. Đây thật sự là sân chơi để thầy cô thỏa sức thể hiện tài năng của mình. Đồng thời cũng là dịp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong giảng dạy lẫn nhau giữa các trường học, để thầy cô tiếp tục tâm huyết vì sự nghiệp “trồng người” mà mình đã chọn”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>