Sáng tạo và đổi mới nhà trường

17/10/2017 | 07:39 GMT+7

Trong “9 nhiệm vụ, 5 giải pháp” của năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo xác định “Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp” là một trong những giải pháp hàng đầu nâng cao chất lượng dạy - học. Theo đó, việc ban giám hiệu dạy học theo quy định cũng nằm ở mục tiêu này.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý là giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học của các trường.

Khi ban giám hiệu lên lớp

Được tham gia tiết dạy ngữ văn của thầy Dương Công Đời, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ, sẽ cảm nhận rất rõ không khí học tập hào hứng. Từng nhóm học sinh được xếp bàn quay lại với nhau để cùng thảo luận nhóm, giải quyết vấn đề. Em Huỳnh Thị Quế Anh, học lớp 11A1, chia sẻ: “Chúng em rất mong đến giờ dạy của thầy Đời. Tiết học với thầy rất hấp dẫn, giờ học không khô khan, mà thầy cho chúng em xem nhiều tranh ảnh minh họa, có dẫn chứng cụ thể từng nhân vật, bài học. Chúng em còn được xem các đoạn video nữa. Giờ học ngữ văn luôn có nhiều cảm xúc, ý nghĩa vì thầy gần gũi, nhiệt tình”.

Thầy Dương Công Đời bộc bạch: “Làm quản lý một trường học, nhiệm vụ trọng tâm là phải nâng cao chất lượng dạy và học, nên từ những buổi đứng lớp giúp ích cho tôi rất nhiều trong việc sinh hoạt chuyên môn, tìm và định hướng cách dạy, cách truyền thụ cho từng tổ khối phù hợp. Đứng lớp là một hoạt động rất có lợi và rất cần thiết”. Với kinh nghiệm hơn 13 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, thầy Đời luôn có những sáng tạo tích cực góp phần đổi mới phương pháp dạy - học của trường. Trong đó, nổi bật nhất là việc vận dụng kiến thức liên môn vào trong giảng dạy. Từ việc vận dụng các kiến thức có liên quan với nhau trong các môn học đã giúp tạo được sự đam mê và yêu thích trong giáo viên và học sinh.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tăng cường công tác quản lý chuyên môn trong nhà trường, ngoài phần việc được phân công về công tác quản lý, tất cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường đều phải tham gia giảng dạy trên lớp theo quy định. Hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần. Với tinh thần sáng tạo, ham học hỏi, luôn chủ động trong việc định hướng mọi hoạt động cho nhà trường, ban giám hiệu các trường học trong địa bàn tỉnh đã luôn chủ động tìm và đưa ra những cách làm, mô hình hay để nâng cao chất lượng dạy và học.

Nhiều lợi ích khi quản lý dạy đủ số tiết

Trong quá trình giảng dạy, tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng có giáo viên dự giờ. Do đó người quản lý phải đầu tư cho chuyên môn. Qua những tiết lên lớp, học sinh sẽ có điều kiện tiếp xúc để gần gũi, chia sẻ tâm tư cùng với hiệu trưởng. Cô Lê Ngọc Hậu, giáo viên dạy tin học Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh, bày tỏ: “Giữa ca đổi tiết, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng khi có thời gian là lại qua phòng giáo viên tâm sự, uống nước và trò chuyện cùng giáo viên. Nhờ đó mà luôn nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Từng đó thôi đủ để thấy một sự gần gũi và sẻ chia”.

Được đánh giá là một trong những đơn vị có sự đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, Trường THCS Phan Văn Trị, thành phố Vị Thanh đang là điểm sáng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy Trương Minh Tân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị, cho biết: “Dù công việc rất bận rộn, thường xuyên phải đi dự họp nhiều nhưng chúng tôi luôn dành thời gian để nghiên cứu và soạn giáo án điện tử. Ban giám hiệu có chủ động học tập thì mới làm gương cho giáo viên và nhất là bản thân tự trau dồi trình độ chuyên môn thì bản thân mới không lạc hậu trong cách dạy”. Với kinh nghiệm hơn 15 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, thầy Tân có những đóng góp tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy và học của trường, như việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, trong việc soạn giáo án, lên điểm, thực hiện mô hình trường học kết nối, phần mềm “Lịch sử địa phương Hậu Giang”… qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi của Trường THCS Phan Văn Trị đạt trên 56%, trường đạt 5 giải cấp quốc gia, trên 25 giải thưởng cấp tỉnh, cấp thành phố đạt 66 giải…

Ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: “Việc thực hiện quy định về số tiết đứng lớp của ban giám hiệu sẽ có rất nhiều lợi ích đối với người quản lý, giúp chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng năm, sở đều có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn. Thanh tra sở cũng thường xuyên tổ chức thanh tra, kể cả thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm”.

Không ít hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa thực hiện tốt việc đứng lớp

Thời gian qua, ở các trường học trên địa bàn tỉnh có không ít hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa làm tốt vai trò của mình, chưa thực hiện tốt việc đứng lớp theo quy định. Đơn cử như trong đợt thanh tra tình hình nhân sự, công tác tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, chuyên môn tại nhiều điểm trường ngay sau năm học mới, đã phát hiện ra một số trường hợp hiệu trưởng, phó hiệu trưởng một số trường trên địa bàn huyện Vị Thủy dạy chưa đủ số tiết quy định.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích