Sáng tạo vì lợi ích cho cộng đồng

03/01/2018 | 08:06 GMT+7

Năm 2017 đánh dấu nhiều đổi mới sáng tạo trong dạy và học của ngành giáo dục và đào tạo thành phố Vị Thanh, nổi bật nhất là kết quả nghiên cứu khoa học trong học sinh.

 “Bộ thiết bị tự động lọc nước tự nhiên từ ao, hồ, sông… thành nước sinh hoạt và nước uống bằng năng lượng mặt trời” của nhóm 2 em học sinh Trường THPT Vị Thanh.

Dấu ấn

Xuất sắc khi vượt qua 57 sản phẩm đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 vừa mới diễn ra, Dự án “Bộ thiết bị tự động lọc nước tự nhiên từ ao, hồ, sông… thành nước sinh hoạt và nước uống bằng năng lượng mặt trời”, của nhóm 2 em học sinh Trường THPT Vị Thanh đã làm hài lòng ban giám khảo, người tham quan. Đây là dự án được đánh giá khá cao bởi tính ứng dụng thực tế vào cuộc sống người dân. Em Bùi Huỳnh Quan Khải, học sinh lớp 12A4, Trường THPT Vị Thanh, bộc bạch: “Đến bây giờ, em vẫn không nghĩ là dự án của chúng em đạt giải nhất. Em thấy mình rất vui khi những cố gắng, nỗ lực của mình và thầy đã mang về kết quả xứng đáng. Nghiên cứu khoa học rất khó, tốn nhiều thời gian nhưng nó lại rất hấp dẫn, từ nghiên cứu của mình có thể giúp ích cho đời sống của mọi người”.

Dự án của nhóm học sinh này thực hiện khá công phu, đồ sộ và nhất là nguồn kinh phí thực hiện khá cao, khoảng hơn 15 triệu đồng. Thầy Hồ Văn Tuấn, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh thực hiện dự án, bộc bạch: “Đây là dự án thầy và trò đã ấp ủ từ lâu nhưng lo ngại trước mắt là nguồn kinh phí khá cao nên cũng có chút đắn đo nhưng từ niềm đam mê với khoa học, từ cảm giác vui mừng khi được tận tay cầm ly nước lọc, mát, ngọt, an toàn, vệ sinh sau quá trính lắng lọc từ sản phẩm của mình uống thì mọi vất vả, tốn kém đều xứng đáng. Nhờ nghiên cứu khoa học mà thầy và trò dám nghĩ, dám làm và dám thực hiện vì lợi ích mọi người”.

Bộ thiết bị tự động lọc này là một thiết bị đa năng giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng lũ và người dân sống trên ghe thuyền cung cấp năng lượng điện cho các nhu cầu cần thiết như: chiếu sáng, xem tivi, quạt gió, cung cấp nước sinh hoạt (khoảng 2-30m3 nước/ngày). Bộ thiết bị này còn cung cấp 20 lít nước uống mỗi giờ cho người dân. Ngoài ra, còn có khả năng phun xịt nước rửa xe, phun sương làm mát, tưới rau… Thành quả này có được là nhờ đóng góp, định hướng của các giáo viên.

Đủ sức, đủ tầm vươn xa

Còn với sản phẩm “Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh, thành phố Vị Thanh, nếu được đầu tư hoàn chỉnh sẽ là thiết bị hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn, được dùng cho các đội cứu nạn chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp khi xảy ra các sự cố về điện, đám cháy, rò rỉ khí gas… Em Nguyễn Dương Hoàng Sơn, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Vị Thanh, bộc bạch: “Chúng em được sự quan tâm, động viên hỗ trợ của nhà trường, gia đình và thầy cô nên mới có được sản phẩm thành công như thế này”.

“Thiết bị tìm kiếm cứu nạn” của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh được điều khiển bằng điện thoại di động, là sự kết hợp giữa sự tiện lợi của chiếc xe ôtô và chiếc máy bay. Xe ôtô sẽ mang theo rô bốt đi vào hiện trường vụ việc, nhờ vào các cảm biến nhận được từ rô bốt gửi về điện thoại qua sóng 3G, 4G, người điều khiển sẽ có thể quan sát rô bốt bằng camera được gắn và truyền trực tiếp về màn hình. Nhờ cảm biến nhiệt độ, phát hiện khí gas, lửa… nên sản phẩm này nếu được sử dụng tại các khu chung cư, siêu thị, môi trường sản xuất công nghiệp và hỗ trợ con người làm nhiệm vụ phản ánh thông tin. Từ những ưu điểm của mình sản phẩm đã xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ XXIII - năm 2017.

Điểm ấn tượng, tạo nên dấu ấn với mọi người trong nghiên cứu khoa học năm qua ở ngành giáo dục và đào tạo thành phố là khi xuất sắc đạt giải nhất toàn đoàn ở Hội thi Sáng tạo xanh tỉnh Hậu Giang năm 2017 (Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang phát động), với 3 sản phẩm đạt giải nhì, ba và khuyến khích trong hội thi. Trong đó, mô hình “Diệt muỗi hành bằng biện pháp quang học” của nhóm 3 học sinh Trường THCS Phan Văn Trị đạt giải nhì đã góp phần nâng cao niềm đam mê với nghiên cứu khoa học trong học sinh nhà trường. Ông Trần Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Văn Trị, chia sẻ: “Lần đầu tiên học sinh trường đạt giải cao ở hội thi này, chúng tôi mừng vì ngày càng có nhiều học sinh thích nghiên cứu khoa học. Từ việc học sinh đam mê nghiên cứu khoa học đã thúc đẩy phong trào sáng tạo trong học tập của học sinh. Nhờ chịu khó tìm tòi, đào sâu những vấn đề cốt lõi mà những mô hình, sản phẩm sáng tạo đã có giá trị ứng dụng rộng rãi trong học tập, sinh hoạt của người dân”.

Tận mắt nhìn chiếc máy bay cẩu theo chiếc xe ôtô của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Vị Thanh bay vút lên cao, uống những giọt nước ngọt mát lạnh qua “Bộ thiết bị tự động lọc nước tự nhiên từ ao, hồ, sông… thành nước sinh hoạt và nước uống bằng năng lượng mặt trời” của nhóm 2 em học sinh Trường THPT Vị Thanh, hay được học tập thêm từ mô hình “Những chiếc hộp đa năng sử dụng tích cực  trong học tập các môn học ở tiểu học” của 2 em học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, lại thấy tự hào vì những sản phẩm từ học sinh đã đủ sức, đủ tầm để có thể vươn xa trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cùng bạn bè các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng và cả nước.

Gắn được việc “học đi đôi với hành”

Ông Huỳnh Hữu Thoại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh, cho biết: “Chủ động nghiên cứu khoa học giúp học sinh tiến bộ nhiều trong học tập, đây là cách học hiện đại và tích cực. Từ việc tham gia tích cực các cuộc thi, hội thi nghiên cứu khoa học giúp học sinh nâng cao kỹ năng học tập, làm việc nhóm, lập luận, trình bày… của học sinh được cải thiện rõ rệt. Chúng tôi thấy mừng vì học sinh biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống hiệu quả.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>