Sau kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2017: Những điều đáng lo

15/06/2017 | 07:51 GMT+7

Học sinh khối 12 đã bước vào kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2017, có em tập trung, nhưng có em chưa chú trọng và nhìn vào kết quả, thấy có nhiều điều đáng lo...

Học sinh Trường THPT Cây Dương (huyện Phụng Hiệp) nỗ lực ôn tập trước kỳ thi.

Lo môn toán, sợ môn tiếng Anh

Không căng thẳng như kỳ thi thật, đa phần học sinh rời phòng thi với tâm lý thoải mái. Nhiều em cho hay, không quá khó để lấy điểm trung bình, ngoại trừ môn toán và tiếng Anh. So với đề thi năm 2016, đề thi lần này có sự phân tầng, vừa sức hơn, tiệm cận với đề thi thật hơn, đảm bảo được mục tiêu đánh giá năng lực học sinh, tăng cường câu hỏi mở, gắn với thực tiễn. Ghi nhận kết quả thi ở một số trường THPT, đa phần các em cảm thấy ngán ngại môn toán và điểm thi ở môn này khá thấp. Em Huỳnh Thanh Thảo, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Kết thúc kỳ thi thử, các môn thi khác em đều được trên 6 điểm, chỉ có môn toán và tiếng Anh em được 3 điểm mỗi môn, đây là 2 môn học em cảm thấy lo lắng”.

“Lo nhất là tiếng Anh, nhì là môn toán” vừa là câu nói vui nhưng cũng là những nhận định của cả học sinh, giáo viên và nhà trường sau kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2017. Kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức để học sinh làm quen khi kỳ thi chính thức diễn ra vào ngày 22-6 tới. Thầy Trần Thi Thơ, giáo viên dạy môn toán, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Năm nay, môn toán chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm. Học sinh vốn quen với cách làm tuần tự, từng bước một của đề tự luận, mỗi bước làm có thể kiếm điểm của từng phần, nay chuyển sang trắc nghiệm, thời gian trả lời chỉ 1,5 phút/câu, nhiều học sinh cảm thấy lúng túng. Điểm số thi thử không cao nhưng là cơ sở để chúng tôi hỗ trợ các em ôn tập”.

Tại sao học sinh dễ dàng được 5-6 điểm các môn khác nhưng để đạt điểm trên trung bình môn tiếng Anh lại khó khăn như vậy? Nhiều học sinh cho biết nguyên nhân do các em bị hỏng kiến thức ở cấp dưới, rồi không có niềm đam mê với môn học này. Em Ngô Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 12CB2, Trường THPT Chiêm Thành Tấn, chia sẻ: “Sau kỳ thi thử, em cảm thấy lo hơn, điểm thi tiếng Anh khá thấp em sợ mình sẽ không đạt được yêu cầu khi kỳ thi chính thức diễn ra”.  

Khảo sát kết quả ban đầu tại các trường THPT cho thấy, điểm phổ biến các môn tự nhiên và xã hội từ 5-7 điểm. Chỉ có cá biệt toán và tiếng Anh tỷ lệ điểm dưới trung bình khá nhiều.

Học sinh chưa hết sức mình

Ở một số trường còn trường hợp vào phòng thi trễ, làm bài thi không hết năng lực ở kỳ thi thử. Có em ôn tập chưa tới, sợ làm bài không tốt, điểm thi nhỏ, nên chỉ tham gia một số môn mà mình có thể tự tin đạt điểm cao. Ông Nguyễn Hoàng Liêm, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô, huyện Long Mỹ, cho biết: “Chưa tới kỳ thi chính thức nên một số học sinh chưa thi hết sức mình. Các em chỉ tham khảo đề, biết cách làm bài thi chứ sự chú tâm chưa có. Nhà trường cũng chỉ cố gắng động viên, khuyến khích các em thử sức với kỳ thi thử. Chúng tôi lo nhất là điểm liệt (1 điểm trở xuống), học sinh sẽ không thể tốt nghiệp”.

Tham gia kỳ thi thử THPT quốc gia năm 2017, Trường THPT Tây Đô có 139 học sinh dự thi. Kết quả, sau thi thử, khoảng 95% học sinh đủ điểm tốt nghiệp. Tuy nhiên, có 8 em rơi vào nguy cơ rớt. Trong đó có 2 em bị điểm liệt môn toán, 6 em không dự thi nên việc đánh giá, giúp học sinh lấp lỗ hỏng kiến thức cũng là một trách nhiệm khá nặng nề với nhà trường. Ông Huỳnh Văn Cừ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cây Dương, cho biết: “Kết quả kỳ thi sẽ là điều kiện thuận lợi hơn để nhà trường sẽ nỗ lực ôn tập tốt hơn trong thời gian còn lại để có thể đạt kết quả như mong muốn”.

Trước những đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tất cả các môn thi đều thi theo hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn ngữ văn, môn tiếng Anh đưa vào môn thi bắt buộc (không được chọn môn thi thay thế như những năm trước), môn toán thi trắc nghiệm 100%… thì ngay khi có kết quả thi thử, các trường THPT trên địa bàn sẽ siết tay ôn tập hơn, kỹ hơn trong hỗ trợ kỹ năng làm bài cho học sinh. Đặc biệt, quan tâm các em điểm thấp để giúp các em khắc phục, bù đắp lỗ hổng kiến thức, để đạt kết quả tốt hơn trong kỳ thi chính thức.

Nỗ lực đắp lỗ hổng kiến thức

Ông Nguyễn Hùng Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Mỗi năm, trước khi kỳ thi THPT chính thức diễn ra, Sở Giáo dục và Đào tạo đều tổ chức kỳ thi thử để học sinh làm quen. Kết quả của kỳ thi không quá quan trọng, chỉ là một kênh thông tin để biết thực chất năng lực của học sinh, rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung những thiếu sót, lỗ hổng trong công tác ôn tập trước khi các em bước vào kỳ thi thật. Qua cọ xát cũng giúp học sinh tích lũy được nhiều kỹ năng làm bài thi với quy trình, cách thức ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây cũng là cơ hội giúp nhà trường có sự phân loại năng lực học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, phụ đạo cho các em để có kết quả tốt nhất khi thi chính thức diễn ra”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>