Thanh toán không dùng tiền mặt ở các trường học

10/11/2020 | 11:32 GMT+7

Năm học 2020-2021, ngành giáo dục và đào tạo áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Bước đầu thực hiện cách làm này, một số trường phát huy tốt lợi thế, còn một số trường đang gặp khó khăn và cần thời gian thực hiện.

Các trường hướng dẫn kỹ giáo viên chủ nhiệm cách hỗ trợ học sinh triển khai các khoản thu không dùng tiền mặt.

Chủ động phát huy lợi thế sẵn có

Ông Lê Hoàng Thúy, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bước đầu triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trường cũng gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác tư vấn, tuyên truyền đến phụ huynh học sinh mà nay tất cả học sinh toàn trường đều áp dụng hình thức này. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp giáo viên chủ nhiệm giảm bớt áp lực công việc. Bộ phận kế toán cũng làm việc khoa học hơn khi áp dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kê khai rõ ràng các khoản thu chi trong nhà trường”.

 Trường THPT Lương Thế Vinh có tổng số 20 lớp với 794 học sinh. Nhà trường đã phân loại các em theo các diện học sinh có điều kiện, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh thuộc diện cần hỗ trợ để phân kỳ giúp đỡ, tư vấn các em các hình thức đóng. 100% học sinh của trường đã hoàn thành đóng học phí không dùng tiền mặt mà thông qua hình thức thanh toán trực tiếp tại chi nhánh ngân hàng hoặc qua mạng điện thoại di động. Riêng khoản thu hộ bảo hiểm y tế, hiện các em học sinh trường cũng đang tiến hành thanh toán theo khả năng thực tế của gia đình, theo các hình thức: 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.   

Đã có một vài trường THPT triển khai đảm bảo 100% học sinh trường thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Ông Huỳnh Văn Méo, Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Sáu, cho biết: “Xác định thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu hiện nay, tiết kiệm thời gian, tiện lợi cho phụ huynh nên khi nhà trường nhận được công văn chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai cụ thể, rõ ràng quy trình, cách thực hiện trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn trường để hỗ trợ học sinh. Đến giữa tháng 10, 100% học sinh của trường đã hoàn thành đóng học phí không dùng tiền mặt”.

 Cách làm của trường là bố trí cán bộ Đoàn phối hợp với chi nhánh ngân hàng tại huyện mở tài khoản, tư vấn hỗ trợ học sinh cài đặt phần mềm thanh toán qua điện thoại di động. Bên cạnh đó, chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm từng lớp tổ chức họp phụ huynh và thông báo cách triển khai thu các khoản thu đầu năm như học phí, bảo hiểm y tế (thu hộ)… qua hình thức không dùng tiền mặt.

Khó khăn khi triển khai đồng loạt

Khó khăn trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục năm học 2020-2021 này chủ yếu là ở cấp THCS, tiểu học và mầm non. Nguyên nhân khó khăn theo chia sẻ của nhiều trường là phụ huynh không hiểu về các thao tác thực hiện thanh toán qua điện thoại di động. Bên cạnh đó, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh ở các trường vùng nông thôn, vùng sâu không có điện thoại thông minh, việc mở tài khoản tại ngân hàng… cũng là những vấn đề khó thực hiện.

Ông Lê Văn Thông, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Tiện lợi của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt là phụ huynh các em có thể đóng được bất kỳ thời gian nào, ở đâu cũng được, hạn chế được thời gian đi lại, không cần canh giờ học tại trường mới đến đóng... Tuy nhiên, học sinh của trường thuộc vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn rất nhiều, chưa kể nhiều em ba mẹ đi làm ăn xa ở với ông bà nên nhà trường chưa triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục. Cách làm này tôi nghĩ cần thời gian, ít nhất 1 - 2 năm học nữa mới thực hiện được”.

Đắn đo vì chưa biết cách sử dụng điện thoại di động để chuyển khoản tiền bán trú cho con, bà Nguyễn Thảo Tiên, một phụ huynh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Nhà ở tại phường V nhưng tôi không biết đi đến ngân hàng để thanh toán tiền cho con, giáo viên chủ nhiệm có hướng dẫn sử dụng điện thoại di động để thanh toán trực tiếp cho tiện lợi nhưng tôi chỉ biết sử dụng điện thoại để nghe gọi thôi. Các chức năng khác của điện thoại thì mù tịt. Vì thế việc đến trường đóng tiền mặt tôi thấy quen hơn”.

Từ những khó khăn thực tế xuất phát từ phía phụ huynh và điều kiện khó khăn của gia đình học sinh nên đa phần các trường học trong địa bàn tỉnh áp dụng 2 hình thức: thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống các ngân hàng, mạng di động hoặc đến đóng trực tiếp tại nhà trường. Ông Trần Thanh Nhân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục là cách làm hay nhưng theo tôi cần có thời gian để phụ huynh thích nghi và từ từ áp dụng. Nhà trường không cứng nhắc khi bắt buộc tất cả phụ huynh phải thực hiện hình thức thanh toán trên. Chúng tôi vẫn bố trí cán bộ thu tại trường đối với những phụ huynh chưa có điều kiện thanh toán qua điện thoại di động. Bên cạnh đó, tăng cường hướng dẫn để phụ huynh học sinh quen dần với cách thu mới này”.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của nhà trường; đồng thời, việc áp dụng hình thức thanh toán này cũng là giải pháp tích cực góp phần minh bạch hóa khoản thu trong nhà trường, giảm bớt nhiều thời gian trong việc thu chi để các trường tập trung trọng tâm cho công tác giảng dạy. Chúng tôi khuyến khích các trường học trên địa bàn nơi có ngân hàng và các trung gian thanh toán thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt…”.

Đáp ứng xu thế tất yếu…

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt, các đơn vị khẩn trương rà soát, phối hợp với các tổ chức tín dụng (các ngân hàng), các tổ chức trung gian thanh toán (các trung tâm viễn thông Viettel, Mobile, Vina) để thu học phí (giá dịch vụ giáo dục), lệ phí tuyển sinh và tất cả các khoản thu khác; thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, mã thanh toán QR-code hoặc phần mềm trên điện thoại di động… để người học và gia đình người học dễ dàng, thuận lợi thanh toán.

Đối với các khoản chi: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, học bổng học sinh, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, hỗ trợ chi phí học tập, chi chế độ hỗ trợ cho học sinh và người lao động thuộc diện chính sách… thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản tại kho bạc nhà nước nơi đơn vị nhận ngân sách nhà nước hoặc ngân hàng thương mại của đơn vị đúng theo quy định. Các trường chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để được hỗ trợ mở tài khoản, thẻ (miễn phí mở tài khoản, thẻ; miễn phí 1 năm không thu phí quản lý tài khoản, phí thường niên; miễn phí rút tiền từ các cây ATM của các ngân hàng liên kết…) cho phụ huynh và học sinh nhận thanh toán các chế độ chính sách không dùng tiền mặt.  

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>