Thí điểm cho trẻ làm quen tiếng Anh trong trường mầm non: Khuyến khích dựa trên tinh thần tự nguyện

04/12/2017 | 07:43 GMT+7

Dự kiến trong tháng 12 này, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh sẽ tổ chức cho các trường mầm non tại phường I, phường III, phường IV, phường V, phường VII triển khai dạy thí điểm chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Để hiểu rõ hơn việc thực hiện chương trình này, bà Trần Thị Hoàng Dung, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vị Thanh (ảnh), chia sẻ với phóng viên Báo Hậu Giang:

- Mục đích triển khai dạy thí điểm chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non là nhằm giúp trẻ làm quen với tiếng Anh. Tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ đối với ngoại ngữ, chuẩn bị cho việc học tập tiếng Anh có hiệu quả của các em ở các cấp học sau.

Thưa bà, khi được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn là một trong 2 phòng giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện thí điểm này, bà cảm thấy như thế nào ?

- Chúng tôi rất mừng. Vì đây là cơ hội để trẻ được rèn thêm nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng giao tiếp, cảm thụ để trẻ làm nền tảng khi bước vào lớp 1. Lợi thế của các trường mầm non trong thành phố là điều kiện cơ sở vật chất, phòng lớp khá hiện đại, đội ngũ giáo viên có chuyên môn đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, là sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh. Việc cho học sinh làm quen tiếng Anh sớm là hoạt động không thừa, nhưng phải phù hợp điều kiện, cơ sở vật chất, đối tượng, nhu cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động khuyến khích dựa trên tinh thần tự nguyện.

Khi bắt tay thực hiện việc thí điểm này, đâu là những điểm khó, thưa bà ?

- Điểm khó mà chúng tôi chưa giải quyết được đó là kinh phí thực hiện thí điểm, cụ thể là định mức lương cho giáo viên giảng dạy. So với giáo viên dạy cấp 1, 2, 3, thời gian học là 45 phút nhưng các em có thời gian tự làm bài tập, còn đối với giáo viên dạy tiếng Anh tại trường mầm non thời lượng làm việc liên tục, giáo viên phải thường xuyên tương tác với học sinh. Ngoài điểm khó trên thì kinh phí để phụ huynh mua bộ sách chúng tôi cũng hơi lo, nhất là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với gần 110.000 đồng. Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại việc học tiếng Anh ở mầm non nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng quá trình hình thành hai kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ của học sinh, phát âm sai lâu ngày rất khó sửa chữa…

Trường Mầm non Vành Khuyên, phường IV, là một trong 5 trường được chọn thí điểm dạy tiếng Anh của thành phố Vị Thanh.

Trước những băn khoăn khá nhiều, vậy những việc phòng sẽ tập trung tới đây sẽ là gì, thưa bà ?

- Chúng tôi sẽ có một cuộc họp làm việc cụ thể với ban giám hiệu 5 trường tại 5 phường được chọn triển khai thí điểm để thống nhất lựa chọn phương án, cách thức tổ chức thực hiện để mang lại chất lượng nhất. Về chương trình học sẽ sử dụng nội dung chương trình, tài liệu đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định (Bộ sách giáo khoa Happy Hearts). Chương trình học này đều thực hiện bằng phần mềm hết, chứ không phải sách giáo khoa không, giáo viên chỉ đóng vai trò tổ chức nhận xét, trong quá trình học người bản xứ đọc trên phần mềm hết nên không phải lo ngại trẻ nghe, phát âm sai.

Điều quan trọng là chúng tôi sẽ chọn lực lượng giáo viên giảng dạy có năng lực, yêu nghề, có kỹ năng tốt (chuẩn B2) để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên tổ chức lớp, gây sự hứng thú cho bé. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc tham gia trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc. Nhà trường chỉ tổ chức triển khai thí điểm khi có đủ điều kiện, tất cả vì chất lượng học sinh.

5 trường được chọn thí điểm tại thành phố Vị Thanh là mầm non Sen Hồng, mầm non Vành Khuyên, mầm non Hoa Trà Mi, mầm non Tương Lai và mầm non Hướng Dương. Dự kiến mỗi lớp học có 25 học sinh, độ tuổi 4-5 tuổi. Thời lượng giảng dạy từ 1-2 tiết học tiếng Anh trong tuần, trong thời gian 35 phút/1 tiết, được bố trí không ảnh hưởng đến chương trình chung của nhà trường.

 

Xin cảm ơn bà !

CAO OANH thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích