“Tiếng trống vui học”

13/09/2017 | 09:50 GMT+7

Được triển khai thực hiện vào đầu năm học 2016-2017, đến nay mô hình “Tiếng trống vui học” với những hình thức sinh hoạt hấp dẫn, sáng tạo đã góp phần giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Thỏa sức trải nghiệm

Đến thăm Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp) vào ngày cuối tuần, chúng tôi cảm nhận được không khí học tập khá vui nhộn của các em học sinh. Không phải là bảng đen phấn trắng mà là sân trường rộng thoáng với từng nhóm học sinh tụ họp lại với nhau để ghi ghi, chép chép vào một tờ giấy. Ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Đây là một buổi sinh hoạt của các em học sinh khối 4, 5 khi tham gia vào mô hình “Tiếng trống vui học” của nhà trường. Từ khi triển khai thực hiện đến nay, chúng tôi thấy các em rất thích thú và ham học hẳn lên. Nhất là các em trước đây khá rụt rè, nhờ đó mà mạnh dạn và hăng say phát biểu bài hơn”.

Các em học sinh thuyết trình về chủ đề của nhóm.

Phấn khởi khi cùng các bạn hoàn thành xong phần chơi của nhóm mình (trò chơi xé tờ giấy báo để tất cả mọi người đều đi qua lọt), em Nguyễn Khánh Vân, học sinh lớp 5A2, bộc bạch: “Hoạt động không chỉ là các trò chơi mà còn là các câu đố vui có thưởng, những câu hỏi hướng suy nghĩ về một hoạt động xã hội… Mỗi bạn đều được bày tỏ ý kiến, suy nghĩ của mình. Bây giờ em cảm thấy được đến trường, được học tập và sinh hoạt là một niềm vui”.

Mô hình “Tiếng trống vui học” được trường triển khai thực hiện thí điểm vào đầu năm học 2016-2017 cho học sinh khối lớp 4 và 5 tại Trường Tiểu học thị trấn Kinh Cùng. Vào mỗi thứ 6 hàng tuần, giáo viên tổng phụ trách đội sẽ phát tín hiệu tập hợp đội hình trong 20 tiếng trống. Học sinh sẽ nhanh chóng ra sân, tập hợp đội hình 2-3 vòng tròn, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ đứng giữa làm tâm, kết thúc tiếng trống thứ 20, các em sẽ phải hoàn chỉnh vòng tròn và được chấm điểm. Tiếng trống tiếp theo là để học sinh hô to khẩu hiệu của nhóm mình, đây được xem là vòng khởi động để các em bắt đầu vào sinh hoạt. Phần thứ hai là thể hiện phong cách nhóm và phần thứ ba là thảo luận nhóm. Phần thứ tư là trò chơi vận động, cuối cùng là thuyết trình ý tưởng. Đây là nội dung sinh hoạt khá hấp dẫn nhưng đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, thể hiện tinh thần đoàn kết, nhanh nhẹn, mang tinh thần tập thể cao…

Học mà chơi, chơi mà học

Cô Trần Kim Ngọc, giáo viên tổng phụ trách đội của trường, cho biết: “Không dùng lời nói, chúng tôi chọn hiệu lệnh tiếng trống cho mọi hoạt động. Bởi muốn tạo sự gần gũi, quen thuộc, cũng như tạo động lực cho các em học sinh. Mọi hoạt động của các em đều phải nhanh, linh động và dứt khoát để kết thúc một hoạt động và bắt đầu cho một hoạt động khác”.

Trước đây, học sinh chỉ quan tâm vào việc học, các hoạt động mang tính tập thể tham gia rất hạn chế, có tham gia cũng khá rụt rè, thụ động. Ngoài ra, trong nhiều buổi tổ chức sinh hoạt tập thể với các trò chơi vận động, trò chơi dân gian hay hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, chỉ khi nào thầy cô gọi tên mới chịu tham gia, còn không thì em nào tham gia là “mãi mãi” chỉ là các em đó. “Nhưng hiện nay với phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, mô hình “Tiếng trống vui học” đã dựa trên những điểm mạnh của các em để phát huy, khắc phục những hạn chế trong thuyết trình, phát huy sự chủ động, ý tưởng sáng tạo đã giúp các em học sinh hình thành kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng thuyết trình, bày tỏ ý kiến trước đám đông, nhờ đó mà chất lượng giáo dục của trường ngày càng nâng cao”, ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.

Nội dung chủ đề đưa ra theo tuần, tháng như giáo dục bảo vệ môi trường, yêu thương, kính trọng ông, bà, cha, mẹ; yêu thương thầy, cô, bạn bè; chủ đề về trường học thân thiện, học sinh tích cực… Trong mỗi chủ đề đưa ra, giáo viên chỉ là người định hướng, còn việc phát triển chủ đề đều do các em tự sáng tạo. Em Nguyễn Thị Yến Nhi, học sinh lớp 5A6, bày tỏ: “Nhờ tham gia mô hình mà em học tốt hơn, tích cực hơn trong thảo luận nhóm, hòa đồng, gần gũi hơn với bạn bè”.

Kết thúc năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học của trường đạt 99,8%. Kết quả này có sự góp sức của mô hình “Tiếng trống vui học”. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong năm học này.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>