Trường Trung cấp Luật Vị Thanh: Thương hiệu sau 8 năm gầy dựng

31/08/2018 | 09:44 GMT+7

Đặt phương châm “Chất lượng - Trách nhiệm - Chuyên nghiệp - Đầu ra” lên trên hết, 8 năm qua, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh (trực thuộc Bộ Tư pháp) đã từng bước vượt khó, lấy chất lượng làm nền tảng, đã tạo nên thương hiệu cho riêng mình.

Lợi thế của nhà trường là có đội ngũ giáo viên năng nổ, nhiệt tình.

Chủ động và vượt khó

Được thành lập vào năm 2010, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh có chức năng chính là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ trung cấp luật, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngành tư pháp.

Tuy nhiên, khi mới đi vào hoạt động điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như đội ngũ giáo viên, học viên của trường còn thiếu rất nhiều. Để đảm bảo đủ phòng học Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ kịp thời cho trường thuê mượn cơ sở vật chất của Trường Trung cấp Nghề tỉnh Hậu Giang với 3 phòng làm việc, 6 phòng học, 1 hội trường…

Đến đầu năm 2015, khi được khánh thành và đưa vào sử dụng trường tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy với diện tích 15ha gồm khu hiệu bộ, khu học đường, khu hội trường, khu nhà công vụ… Có nơi làm việc mới, khang trang đã cổ vũ động viên tinh thần của tập thể nhà trường rất lớn. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phụng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Từ nhiều cái khó buổi ban đầu, chúng tôi quyết tâm với nhau lấy đó làm động lực, khẳng định thương hiệu của trường bằng chính chất lượng đào tạo. Đến thời điểm này chúng tôi đã và đang thực hiện rất tốt. Giáo viên có năng lực, chuyên môn, yêu nghề, học viên chịu khó học tập, cơ sở vật chất đã ngày càng hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học...”.

Môi trường học tập thuận lợi góp phần nâng chất lượng đào tạo của nhà trường.

Từ chỗ chỉ có 7 nhân sự trong những ngày đầu thành lập, đến nay trường đã có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó, 1 tiến sĩ, 11 thạc sĩ, 15 đại học... Đặc biệt, xét về trình độ chuyên môn của giáo viên, có đến 60% giáo viên có trình độ sau đại học. Cô Thái Ngọc Ái Vi, giáo viên môn Luật Hiến pháp của trường, bộc bạch: “May mắn của tôi là khi mới về trường đã được Ban giám hiệu tạo điều kiện học tập. Sau 2 năm vừa học, vừa làm tôi đã có tấm bằng thạc sĩ trong tay. Nhờ nâng cao trình độ chuyên môn tôi thấy mình tự tin trong những giờ đứng lớp giảng dạy. Được giảng dạy tại trường là một niềm vui rất lớn của tôi. Bởi, về công tác tại trường hơn 4 năm, điều tôi nhận được ở nơi đây chính là tình yêu nghề và nhiệt huyết của người thầy”.

Trường trẻ vươn mình

Để có được vị thế như hiện nay là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Trong đó, Ban giám hiệu đã luôn tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ từ Bộ Tư pháp, các cấp chính quyền địa phương để sớm có một nơi làm việc ổn định. Tập thể giáo viên tích cực bồi dưỡng trình độ chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy. Em Dương Quốc Họp, học viên lớp Trung cấp Luật khóa 7 của trường, nói: “Học ở trường em không học lý thuyết suông mà từ lý thuyết, chúng em được thầy cô vận dụng vào các tình huống thực tế, các vụ việc đang diễn ra trong xã hội để xử lý tình huống phù hợp, đúng quy định pháp luật. Việc được tham gia những phiên tòa giả định, đã giúp em thêm yêu ngành luật”. Với năng lực học tập tốt, năm học vừa qua em được nhận học bổng của nhà trường với số tiền hơn 2 triệu đồng. Em Họp đang cố gắng hoàn thành khóa học thật tốt để sau khi ra trường sẽ trở thành một cán bộ tư pháp, hộ tịch có năng lực và gần người dân.

Từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã và đang đào tạo cho 8 khóa với 1.720 học viên trình độ trung cấp luật, bao gồm cả hệ chính quy và vừa làm vừa học mở tại Hậu Giang và cả các tỉnh liên kết như Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau. Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Trưởng phòng Đào tạo và công tác học sinh của trường, chia sẻ: “Với mục tiêu “Chú trọng chất lượng hơn số lượng đào tạo”, trường đã chủ động thực hiện một số hoạt động như: Xây dựng chương trình đào tạo; biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung tập bài giảng mang tính cập nhật, phù hợp với từng đối tượng theo học trung cấp luật; xây dựng phòng thực hành nghề với các mô hình làm việc thực tế phục vụ đắc lực cho việc giảng dạy; xây dựng bộ ngân hàng đề thi theo chương trình đào tạo trung cấp luật mới theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... tất cả đều hướng đến chất lượng cho học viên”.

Bên cạnh việc thực hiện chương trình đào tạo Trung cấp Luật, điểm sáng trong 8 năm qua của trường là việc luôn chủ động liên hệ, làm việc với một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh Hậu Giang để liên kết tuyển sinh, đào tạo các lớp đại học, sau đại học, nghiệp vụ… như: đại học luật, nghề luật sư, nghề công chứng, thạc sĩ quản trị kinh doanh, bồi dưỡng kiến thức quản nhà nước chương trình chuyên viên, chuyên viên chính, nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề…

Từ khi thành lập đến nay, trường đã liên kết, phối hợp đào tạo hơn 20 lớp cao học, đại học luật và đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 8.000 người học các lớp nghiệp vụ ngắn hạn. Đặc biệt với sự tin tưởng của địa phương, năm 2018, trường đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Hòa Bình mở 1 lớp thạc sĩ Luật Kinh tế, 1 lớp thạc sĩ Luật Hình sự và tố tụng hình sự. Đây cũng là một trong những cách làm hiệu quả, vừa tăng mối quan hệ giữa trường với các đơn vị, vừa có thể tận dụng để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của trường là tuyển sinh trung cấp luật.

8 năm qua, trường luôn quan tâm và thực hiện tốt chính sách cho học viên như: miễn, giảm học phí cho 87 học viên các lớp trung cấp luật khóa 6, khóa 7, khóa 8 với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng, xét và trao học bổng khuyến khích học tập cho học viên các lớp, thực hiện vận động quỹ khuyến học với số tiền hơn 88 triệu đồng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào với những kết quả đạt được, Trường Trung cấp Luật Vị Thanh đang có những mục tiêu phấn đấu cụ thể để trở thành cơ sở đào tạo trung cấp luật uy tín nhất đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>