Ước mơ mang ánh sáng cho người khiếm thị

13/07/2018 | 06:03 GMT+7

Em Thị Bích Nhân, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ - học sinh duy nhất đại diện Hậu Giang tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ấp ủ cho mình ước mơ bình dị.

Nhân (bìa trái) đang cùng bạn thực hiện nhận dạng tờ tiền 50.000 đồng, với “Smart Glasses - ứng dụng công nghệ AR hỗ trợ người khiếm thị” .

Sáng tạo vì người khuyết tật

Nhân chia sẻ: “Tới bây giờ, em vẫn cảm thấy vui và mừng khi mình được ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được dự và giao lưu với những điển hình tiên tiến của cả nước. Em thấy có nhiều cô chú, anh chị dù khó khăn, vất vả đến đâu vẫn tự tin, sáng tạo góp công sức của mình cho sự phát triển của quê hương. Chuyến ra thủ đô Hà Nội lần này càng tạo thêm động lực để em tự tin, vượt lên nghịch cảnh nỗ lực hơn trong học tập”. Nhân gây ấn tượng với mọi người khi là một học sinh vùng sâu, hoàn cảnh khó khăn (nhà em thuộc diện hộ nghèo, không ruộng đất) nhưng đã cùng với bạn mình sáng tạo nên sản phẩm “Smart Glasses - ứng dụng công nghệ AR hỗ trợ người khiếm thị”, giúp ích cho những người bị khuyết tật.

Sản phẩm đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018 và được chọn là một trong 6 sản phẩm dự thi cấp quốc gia, được nhận giải đặc biệt của Trường Đại học Cần Thơ. Em Trần Mai Xuân, học sinh lớp 9A2, bạn cùng tạo nên sản phẩm này với em Nhân, chia sẻ: “Khi mới nghe bạn Nhân nói về ý tưởng làm sản phẩm này em cũng thấy bất ngờ và nghĩ sẽ khó thực hiện được. Nhưng nhờ được giáo viên hướng dẫn, bạn Nhân lại rất chủ động tìm kiếm các tư liệu về người khiếm thị… rồi hai đứa mày mò nghiên cứu. Chính bạn đã truyền sự tự tin và quyết tâm làm sản phẩm để giúp ích cho mọi người”.

Chia sẻ cơ duyên vì sao lại thực hiện sản phẩm “Smart Glasses - ứng dụng công nghệ AR hỗ trợ người khiếm thị”, Nhân thổ lộ: “Em thấy ở xóm em có một chú khiếm thị, làm việc gì cũng khó khăn, thấy chú lớn tuổi mà đi cứ vấp ngã hoài nên em suy nghĩ sao mình không làm một sản phẩm gì để giúp người khiếm thị hạn chế việc té ngã, tránh vật cản phía trước…”. Không chỉ tạo ra chiếc kính giúp người khiếm thị khi đeo vào di chuyển dễ dàng, không sợ bị ngã, em Nhân cùng bạn đã cài đặt thêm phần mềm có nhiều tính năng như: giúp người khiếm thị nhận diện mệnh giá tiền, tự điều chỉnh điện thoại, nghe nhạc…”.

Vượt khó khẳng định mình

Thầy Mai Trọng Hữu, giáo viên dạy môn địa lý và là người hướng dẫn cho em Nhân, chia sẻ: “Em Nhân là một học sinh rất ham học và chịu khó nghiên cứu sáng tạo. Việc thất bại sau mỗi lần thực nghiệm càng làm em quyết tâm hơn với ý tưởng của mình. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng tôi thấy ở em sự cố gắng và quyết tâm rất lớn. Tôi nghĩ thành công ở em Nhân chính là đã khẳng định được năng lực của mình khi tạo nên sản phẩm có ích”. 

Một buổi đi học, một buổi ở nhà phụ bà mò cua, bắt ốc, thế nhưng với những tấm giấy khen cùng thành tích học sinh giỏi 9 năm liền luôn là niềm tự hào của bà ngoại em, bà Thị Dịa chia sẻ: “Nhà nghèo, chị Hai nó phải nghỉ học năm lớp 10 để đi làm kiếm tiền. Nhân ham học lắm, luôn tranh thủ những lúc không học đi làm thêm kiếm tiền lo cho sinh hoạt hàng ngày, buổi tối tranh thủ học tập. Tôi mừng vì chỉ có học cháu tôi mới vươn lên được số phận”…

Đang cùng bạn tiếp tục nghiên cứu để nâng cấp hơn tính ưu việt của sản phẩm như tính thẩm mỹ, độ nhẹ của chiếc kính để tiện cho người đeo, em Nhân bộc bạch: “Dù khó khăn đến đâu em cũng sẽ cố gắng học, em muốn mình học thật giỏi để trở thành cô giáo dạy vật lý. Chỉ có học em mới giúp ích được cho mọi người và chăm sóc bà ngoại em tốt hơn, để ngoại vui lòng, đúng mong ước của bà”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>