“Vắc-xin” phòng, chống tham nhũng trong tương lai

24/05/2019 | 09:15 GMT+7

Đây là cách gọi ví von mà nhiều phụ huynh học sinh nhận định, khi đánh giá về chất lượng giảng dạy tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) cho học sinh trong trường học. Hoạt động giúp học sinh cấp THPT hiểu và nhận thức đúng đắn về việc PCTN ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Học sinh hào hứng thực hiện đóng vai trong tiết học môn giáo dục công dân.

Khi lý thuyết được gắn liền với thực tiễn

Cảm thấy rất hào hứng với bài giảng tích hợp quyền và nghĩa vụ của một công dân, em Dương Ngọc Phú, học sinh lớp 10A2, Trường THPT Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Nội dung PCTN được giáo viên trường em dạy tích hợp vào môn học giáo dục công dân rất hay và hấp dẫn. Cô đưa ra các ví dụ minh họa cụ thể về tham nhũng, xem các đoạn clip về PCTN, các hình thức xử phạt các hành vi tham nhũng… Qua các tiết học đã giúp chúng em nâng cao nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm hơn về PCTN. Chúng em xác định vừa học tập, vừa trau dồi thêm đạo đức, tác phong để sau này là người công dân tốt”. Không khí học tập của lớp 10A2 trở nên sôi động, nhiều cánh tay học sinh giơ lên để bày tỏ ý kiến của mình về công tác PCTN hiện nay. Việc giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm, chủ động thuyết trình vấn đề, đưa ra nhận định của chính mình… đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng mà hiệu quả.

Ông Huỳnh Văn Cừ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cây Dương, cho biết: “Cùng với việc tích hợp nội dung PCTN vào môn học giáo dục công dân thì các giáo viên trường còn lồng ghép tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho học sinh vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật… Tùy theo chủ đề của tháng mà trường tổ chức cho học sinh thuyết trình, hỏi đáp, hoặc xây dựng thành một vở kịch ngắn... để nâng cao ý thức về PCTN cho học sinh”. 

Bà Trần Thị Cẩm Nhung, phụ huynh học sinh Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Tôi rất ấn tượng với việc triển khai hiệu quả nội dung PCTN cho học sinh trong trường học. Tôi thấy nó giống như một liều “vắc-xin” PCTN trong tương lai. Bởi, các em học sinh là rường cột, là tương lai của đất nước. Giáo dục tốt nội dung này, sẽ định hướng, hỗ trợ các em các kỹ năng cần thiết, giúp những người trẻ như các em có nền tảng vững chắc để mạnh dạn đấu tranh với tham nhũng, sống tốt, sống có lợi cho gia đình, cộng đồng và xã hội”.

Hiểu và nhận thức đúng đắn về việc PCTN

Em Đặng Thị Yến Anh, học sinh lớp 11C1, Trường THPT Ngã Sáu, huyện Châu Thành, thổ lộ: “Em thường hay xem trên báo, đài, thấy hậu quả mà các vụ án tham nhũng gây ra cho xã hội là rất lớn. Tham nhũng không chỉ bòn rút, thất thoát về mặt tài sản, vật chất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tinh thần của chính những nạn nhân và người tham nhũng. Từ đó, em tự xác định mục tiêu học tập của mình là học thật và thi thật. Thi cử đúng nội quy nhà trường không quay cóp, lật tài liệu… cũng là một cách ứng dụng tốt việc PCTN trong tương lai ”.

Được biết, bắt đầu từ năm học 2013-2014, nội dung PCTN được các trường THPT trên địa bàn tỉnh tích hợp vào môn giáo dục công dân cho các em học sinh khối lớp 10, 11 và 12. Với việc tích hợp chỉ khoảng 5-10 phút trong thời gian 45 phút của 1 tiết học nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, các em học sinh có hiểu biết về hậu quả của tham nhũng đối với xã hội, nhận biết những hành vi, dấu hiệu, hình thức tham nhũng phổ biến hiện nay và ứng xử phù hợp với hiện trạng xã hội… Cô Hồ Hồng Thúy, giáo viên dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Hòa An, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Nhờ giảng dạy các nội dung PCTN đã giúp giáo viên được tiếp cận với nhiều cách dạy sáng tạo, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng hiểu rõ thêm về PCTN. Từ đó nâng cao nhận thức cho bản thân, luôn luôn nỗ lực là những tấm gương sáng về đạo đức và sáng tạo cho học sinh noi theo”.

Đưa nội dung giáo dục PCTN vào nhà trường, đây là một yêu cầu rất quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi có được thì việc triển khai nội dung PCTN tại các trường học cũng gặp một số khó khăn nhất định. Ông Thái Văn Út, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Sau những đợt thanh, kiểm tra, việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường vẫn còn bộc lộ những khó khăn như: tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy chưa phong phú, ví dụ minh họa tuy đa dạng nhưng chủ yếu trên mạng internet chưa qua kiểm chứng… Để nâng cao hơn chất lượng nội dung PCTN, tôi đề nghị các trường quan tâm bổ sung thêm tài liệu, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu để giáo viên có dịp bổ sung, nâng cao hơn trình độ, kiến thức pháp luật… Trong thời gian tới, ngành sẽ tổ chức hội thảo để các giáo viên có dịp gặp gỡ và nâng cao hơn trình độ chuyên môn”.

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>