Vết chai làm nên nét chữ đẹp

16/01/2018 | 09:37 GMT+7

Đã có những vết chai trên đôi tay thon thả của các giáo viên, học sinh rèn chữ đẹp, nhưng những vết chai đó cũng làm nên nết người !

Học sinh thích chăm chú xem chữ viết đẹp của bạn.

Giữa cuộc sống bộn bề, nhà nhà người người đều chuộng đánh máy, nhưng viết chữ đẹp vẫn có chỗ đứng của riêng mình, đã trở thành một nét đẹp văn hóa, mang nhiều ý nghĩa vừa giáo dục nhân cách học sinh vừa giữ gìn và phát huy chữ viết của dân tộc.

Tự hào từng nét đậm, thanh…

Đến Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Vị Thanh, chúng tôi thấy  từng nhóm học trò tranh nhau xem chữ đẹp từ vở bạn. Hình ảnh đó thật vui nhộn, ý nghĩa khi nhà trường trưng bày những quyển vở sạch, chữ đẹp của các em học sinh. Cảm thấy thú vị sau khi được xem xong một quyển tập của bạn, em Trương Hải Tình, học sinh lớp 3A2, chia sẻ: “Chữ các bạn viết tròn, đều, ngay ngắn có nét thanh, nét đậm rõ ràng. Em không nghĩ rằng các bạn viết chữ đẹp đến thế. Bởi, cuốn tập em đang xem là của học sinh lớp 1. Hồi trước, em cũng luyện nhưng không viết đẹp được như vậy”. Ngước nhìn em, đôi mắt to tròn đang chăm chú dõi theo từng nét chữ, rồi đột nhiên nhìn xuống bàn tay mình, ngón tay nhỏ nhắn tròn trịa đang vuốt nhẹ ngón giữa của đôi bàn tay, tôi hỏi em: “Ủa tay em bị đau hả?”, thì em cười rất tươi nói: “Dạ, tay em ngón này bị chai đó cô, nhưng em không thấy xấu. Em thấy càng tự hào hơn khi ngón tay chai chứng tỏ em đã rất tích cực luyện chữ”.

Hơi ngạc nhiên vì câu nói khá ngộ của cô học trò nhỏ, thì một em kế bên cũng xòe bàn tay bên phải ra khoe, “Cô ơi, cô xem nè, ngón tay giữa của em cũng chai như bạn, chai từ năm em luyện chữ đẹp lớp 2 đó cô. Lúc đầu thấy hơi đau, nhưng bây giờ em quen rồi. Trong đội tuyển tụi em bạn nào cũng bị chai hết á, chai ít hay nhiều thôi cô. Em thấy viết chữ đẹp cầm vở học bài nhanh thuộc hơn, bạn bè có mượn tập cũng không bị ngại”, em Võ Nguyễn Thảo Nguyên, học sinh lớp 3A6, bộc bạch.

Nhìn các em, rồi nhìn một đoạn thơ tiền chiến được viết nắn nót mà thấy ấm lòng biết bao qua từng nét chữ, bài thơ như có hồn và dễ cảm hơn bao giờ hết:

“Ở tận sông Hồng, em có biết

Quê hương anh cũng có dòng sông

Anh mãi gọi với lòng tha thiết:

Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!”…

Viết chữ đẹp - Rèn nhân cách

Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, cho biết: “Các em còn nhỏ, da tay rất mỏng mà cầm bút đè mạnh, hơi bị tì sát một chút lâu ngày tay rất dễ bị chai. Nhất là các em trong đội tuyển, do luyện tập hàng ngày nên không tránh khỏi. Tuy ngón tay không được xinh xắn như trước nhưng rèn chữ đẹp tôi thấy các em học sinh học giỏi hơn, chăm chút cho việc học hơn và nhất là các em cẩn thận và rất tỉ mỉ, khéo léo trong các hoạt động”. Để động viên học trò mình viết chữ đẹp, bản thân cô Nhung cũng luôn thường xuyên rèn chữ trên lớp mỗi ngày, với cô, việc mình viết chữ đẹp không chỉ để làm gương cho học trò mà cũng là cách để mình tự rèn luyện nhân cách chính mình.

Cùng chung ý nghĩ đó, cô Nguyễn Thị Bích Em, giáo viên Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh, bộc bạch: “Việc rèn chữ đẹp ở trường khuyết tật là rất cần thiết. Các em sau quá trình rèn luyện tính cách, thói quen ứng xử với mọi người cũng hòa nhã, nhẹ nhàng hơn. Chứ ngày trước, cái nào các em không thích là rất khó chịu, phản ứng liền”.

Học sinh Trường Dạy trẻ khuyết tật tỉnh được cô giáo luyện tập chữ đẹp.

Dạy trẻ bình thường viết chữ đẹp đã khó, dạy cho học sinh khuyết tật viết chữ đẹp thì càng khó khăn hơn nhiều. Các thầy cô dạy không bằng lời nói mà bằng cử chỉ, nét mặt, động tác tay. Bằng các kỹ năng của mình, các thầy, cô đã kiên trì lặp đi, lặp lại từng động tác để giao tiếp bằng ký hiệu với các em, để giải thích cho các em biết nét nào là nét thanh, nét nào là nét đậm, bài viết nào cần viết theo mẫu chữ in hoa, bài viết nào sử dụng mẫu chữ sáng tạo… tất cả từng chút, từng chút một được các thầy cô chỉ dạy tận tình. Chính tình yêu thương học sinh hết lòng, mong muốn các em học sinh khuyết tật ngày càng ngoan hơn, tự tin hơn trong học tập, cũng là hành trình hòa nhập với cộng đồng mà các thầy, các cô đã không quản ngại điều gì để uốn nắn từng nét chữ cho trò. Em Nguyễn Văn Dũng, 17 tuổi, học sinh khiếm thính của trường, cho biết: “Em vui lắm khi được thầy cô khen viết đẹp. Tết này em sẽ mang tập về khoe với mẹ chắc mẹ sẽ vui. Mẹ em trước khi đi làm tuốt trên Bình Dương, nói ráng viết chữ đẹp để tặng mẹ khi về quê ăn tết”.

Giáo viên nào cũng có kỹ năng, bí quyết riêng để rèn chữ viết, nhưng có điểm chung với nhau là từng nét chữ viết ra là từng nét yêu thương, định hình cách sống, cách làm người cho học trò của mình.

Chữ đẹp thời nào vẫn có chỗ đứng. Không có nghĩa khi đã có máy tính, thiết bị công nghệ thông tin là từ bỏ chữ viết, nhất là chữ đẹp. Nhiều văn bản quan trọng hay những bức thư chẳng hạn,… đôi khi vẫn cần viết bằng tay hơn soạn trên máy tính. Ông Bùi Đức Quang, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, nhận định: “Viết chữ đẹp là một phong trào được nhân lên từ những người thầy, người cô luôn hết lòng chăm lo cho giáo dục. Thầy cô xác định, chữ đẹp là nết người. Viết tốt, viết đẹp sẽ là nấc thang để các em hình thành nhân cách và đạo đức sống”.

Khi công nghệ thông tin phát triển, chữ viết tay dần được thay thế bởi văn bản đánh máy, thì những hội thi về viết chữ đẹp, rèn chữ trong trường học đã góp phần gìn giữ truyền thống luyện chữ, dạy người…

“Hội thi viết chữ đẹp được Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hàng năm dành cho học sinh tiểu học. Đây là hoạt động được các trường tiểu học tập trung bồi dưỡng nhằm trau dồi kỹ năng viết chữ cho học sinh, rèn cách trình bày, động viên khích lệ các thầy cô chăm lo rèn chữ viết. Các trường đang tập hợp học sinh trong đội tuyển chuẩn bị bồi dưỡng cho hội thi dự kiến vào tháng 3 - 2018”.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>