Vinh quang nghề “gieo chữ”

20/11/2018 | 08:14 GMT+7

Vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang trong 15 năm qua đã có bước phát triển lớn mạnh cả về chất và lượng. Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của người thầy, luôn tận tụy, tâm huyết với nghề.

Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên Trường THCS Hoàng Diệu hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Quan tâm trẻ như con mình

Đến lớp học của các em Trường Mầm non Hoa Trà Mi, thành phố Vị Thanh, sẽ ấn tượng khi trẻ gặp người lạ đến trường khoanh tay chào lễ phép, “con chào cô ạ”. Giọng nói trong trẻo, tròn vành, tự tin khi giao tiếp của trẻ lớp lá là thành quả của cô Đàm Thị Tích, giáo viên trường đã không ngại khó khăn để rèn luyện cho trẻ. Đang uốn nắn từng điệu múa uyển chuyển cho các bé để chuẩn bị cho buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô Tích, chia sẻ: “Cấp học mầm non mà học tốt thì sẽ là nền tảng vững chắc cho trẻ đam mê học tập các khối lớp sau này, mà việc quan trọng nhất là phải chỉnh sửa và rèn cách đọc chuẩn, rõ ràng cho trẻ. Từ đó tôi đã tích góp kinh nghiệm và sáng tạo bài giảng Elearning tập trung vào chủ đề thế giới thực vật, lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, đề tài “Làm quen với chữ cái h, k” để trẻ học cách phát âm chuẩn”. Bằng những hình ảnh sinh động, lồng ghép vào các trò chơi đoán ô chữ, đọc theo cô, hát theo chú mèo máy Đôrêmon... Bài giảng Elearning của cô Tích không chỉ hỗ trợ trẻ học tập tại trường mà còn giúp phụ huynh các bé tự dạy con học tốt ở nhà. Bà Huỳnh Thanh Nhãn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Trà Mi, cho biết: “Đây là một trong hai sản phẩm của trường đạt giải nhất trong Hội thi giáo viên, học sinh tự làm thiết bị dạy học và đồ dùng học tập cấp tỉnh năm học 2017-2018. Sản phẩm đáp ứng tốt yêu cầu tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ. Từ sản phẩm này tạo cho trẻ sự hứng thú trong học tập, phát huy khả năng quan sát, óc sáng tạo, tính thẩm mỹ…”.

Thành quả của sự yêu nghề là vừa qua cô vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích trong đổi mới sáng tạo dạy và học 15 năm qua. Cô Tích bộc bạch: “Điều gì không biết thì mình học, học kinh nghiệm của đồng nghiệp, học từ trên sách, báo, đài, rồi tham gia các lớp bồi dưỡng, hội thi... Với tôi, hiểu và quan tâm đến trẻ như con mình chính là cách để chăm sóc cho trẻ tốt”.

Thầy giáo khơi nguồn đam mê học tập

Góp thêm vào vườn hoa tri thức của ngành là những nhà giáo trẻ giảng dạy tại các trường vùng nông thôn, điều kiện học tập còn khó khăn nhưng vẫn luôn hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”. Chẳng hạn như thầy giáo trẻ Phùng Huy Định, giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Tiểu học Trường Long Tây 1, huyện Châu Thành A. 12 năm gắn bó với trường, thầy đã khơi nguồn, tạo động lực niềm đam mê học tiếng Anh trong học sinh nhà trường. Em Lê Minh, học sinh lớp 4A2, thổ lộ: “Em ước mơ sau này mình sẽ là giáo viên dạy tiếng Anh. Em sẽ chọn dạy theo cách của thầy. Vì em thấy tiết học hay, hấp dẫn, em thấy hiểu và thích học lắm”. Hỏi bí quyết vì sao được học sinh yêu quý đến vậy, thầy Định chia sẻ: “Muốn để học sinh noi theo thì bản thân giáo viên mình phải “chuẩn”, phải làm gương. Chuẩn từ kiến thức đến lối sống. Tôi luôn cho rằng dạy tiểu học kiến thức cũng cần phải cao như dạy các cấp học khác, không nên bằng lòng với kiến thức cơ bản mà giáo viên phải luôn chủ động đổi mới sáng tạo. Chính sự mới mẻ, tạo ra những bài giảng hấp dẫn sẽ thu hút học sinh”. Từ sự đổi mới, thầy đã nghiên cứu và thực hiện mô hình “Cùng học tiếng Anh bậc tiểu học” áp dụng ở trường từ năm học 2011-2012 đến nay, mô hình vinh dự được tỉnh chọn triển khai nhân rộng trong năm học 2017-2018. Với kết quả dạy và học tốt, thầy Định vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2016-2017, và mới đây là bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích trong đổi mới sáng tạo dạy và học 15 năm qua...

Tự hào chất lượng nhà giáo

Ngược dòng thời gian về 15 năm trước, quy mô giáo dục của tỉnh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Xác định rõ vai trò và sứ mệnh của mình, 15 năm qua, cán bộ, giáo viên các thế hệ trong ngành giáo dục và đào tạo đã không ngừng nỗ lực vượt khó. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Khi tỉnh mới thành lập, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn không cao. Số lượng giáo viên trên chuẩn rất thấp. Toàn ngành rất ít cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ. Số lượng đảng viên trong ngành cũng khá khiêm tốn. Chính vì vậy, nhiệm vụ then chốt của ngành chính là bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên tích cực tham gia giao lưu, thi giáo viên giỏi các cấp, tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học… Từ nhiều sự cố gắng, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nâng lên vượt trội”. 

Nếu như năm học 2003-2004 toàn ngành có 7.072 cán bộ quản lý, giáo viên thì đến năm học 2018-2019, có 10.250 cán bộ quản lý, giáo viên với trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Cụ thể: Năm học 2003-2004: cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn 59,71%, trên chuẩn 13,11%; năm học 2018-2019, đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 76,58%. Năm học 2003-2004, toàn ngành có 2 thạc sĩ, đến nay tăng lên 196 thạc sĩ. Giáo viên giỏi từ chỗ chỉ có một số ít giáo viên thì qua 15 năm toàn ngành đã có trên 500 lượt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. Trong 15 năm qua, toàn ngành đã có 3.143 đề tài, sáng kiến kinh nghiệm áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy và quản lý.

Thầy Trịnh Nguyễn Thanh Tâm, giáo viên dạy công nghệ, chủ nhiệm mô hình “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của Trường THCS Hoàng Diệu, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tích cực chủ động trong đổi mới sáng tạo là cách giúp giáo viên chúng tôi chủ động lĩnh hội kiến thức, không bị “tụt hậu” kiến thức so với thời đại công nghệ 4.0” Thầy Tâm mê nghiên cứu khoa học từ năm 2007, từ đó đến nay thầy đã bồi dưỡng và hỗ trợ học sinh mang về 5 giải thưởng cấp quốc gia, hơn 40 giải thưởng cấp tỉnh, thành phố.

Hòa cùng không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), ngành giáo dục tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, góp phần bồi dưỡng, vun đắp, khơi dậy lòng tự hào và ý thức trách nhiệm của học sinh, giúp các em trở thành những con người có đạo đức, tri thức, sức khỏe, xứng đáng là thế hệ tương lai của đất nước.

Hậu Giang đã có 203 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 60%, có 92 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Chất lượng giáo dục các cấp học tăng, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 97,81%... Đặc biệt Hậu Giang được nhắc đến là nơi “truyền ngọn lửa sáng tạo khoa học kỹ thuật” trong nhà trường với hơn trăm giải thưởng, sản phẩm sáng tạo của giáo viên, học sinh trong các cuộc thi từ tỉnh đến toàn quốc.

 

Bài, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>