Xin giảm tỷ lệ trường chuẩn quốc gia: “Chuyện chẳng đặng đừng”

24/05/2018 | 09:07 GMT+7

Mỗi năm, ngành giáo dục và đào tạo chỉ có thể tăng nhiều nhất 5% chỉ tiêu trường chuẩn do khó khăn trong việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, còn quá nhiều điểm lẻ, phòng xây dựng lâu năm đang xuống cấp... là những trở ngại lớn khó đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Bài 2: Sắp xếp lại hệ thống trường lớp

Cùng với việc xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn, ngành giáo dục và đào tạo cũng đang tích cực rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp. Theo đó, dự kiến trong năm học mới 2018-2019 sẽ sáp nhập một số điểm lẻ về điểm cơ sở, gom các điểm trường ít học sinh lại để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương.

Cơ sở vật chất khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vui chơi, học tập. Ảnh chụp tại Trường Mầm non Ánh Dương, thành phố Vị Thanh.

Mỗi năm cần xây dựng 43 trường đạt chuẩn

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy gần đây, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hoài Thúy Hằng đã trình bày những khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn. Bà Hằng cho biết: “Dù đã cố gắng bằng tất cả nội lực lẫn ngoại lực, ngành giáo dục cũng chỉ có thể tăng nhiều nhất là 5% (từ năm 2015 đến nay) tỷ lệ trường chuẩn khó có thể nhiều hơn. Khó khăn để xây dựng mới các trưởng chuẩn là thiếu kinh phí, các trường xây dựng lâu năm đã xuống cấp, cần được nâng cấp sửa chữa, trường học thiếu phòng chức năng, diện tích khuôn viên nhỏ hẹp…”. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 193/340 trường học từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 56,76%.

Thực hiện theo chỉ tiêu nghị quyết 80% trường chuẩn quốc gia, thì từ nay đến năm 2020 tỉnh cần phải xây dựng ít nhất 104 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, trong đó ít nhất mỗi năm cần xây dựng 43 trường. Tuy nhiên, đây là chỉ tiêu quá sức, càng về sau các trường được bổ sung tiêu chí đạt chuẩn càng khó.

Ông Lê Thanh Với, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Hiện tại chỉ còn những trường đầu tư chuẩn nhưng nguồn kinh phí quá lớn. Cũng chính nguyên nhân này mà trong năm 2017, dự kiến sẽ xây dựng thêm 2 trường chuẩn quốc gia nhưng không thể thực hiện được do thiếu kinh phí, đành phải chuyển sang năm 2018. Vì thế, đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 80% trường chuẩn tôi e rằng ngành không thể thực hiện đạt yêu cầu”. Toàn huyện Vị Thủy có 25/46 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chiếm tỷ lệ hơn 54%.

Toàn tỉnh còn hơn 380 điểm lẻ, điểm học nhờ

Ngành giáo dục và đào tạo cũng đang tích cực rà soát, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới trường lớp. Dự kiến trong năm học mới 2018-2019 sẽ sáp nhập một số điểm lẻ về điểm cơ sở, gom các điểm trường ít học sinh lại để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo theo hướng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cũng là thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 380 điểm lẻ, điểm học nhờ từ mầm non, mẫu giáo đến cấp THCS. Hiện nay, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị, thành phố đều có kế hoạch hàng năm để gom các điểm lẻ về điểm cơ sở.    

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm học 2018-2019, chúng tôi sẽ gom 3 điểm phụ thuộc 3 trường: Tiểu học Hiệp Hưng 2, Tiểu học Phương Ninh và Tiểu học Tân Phước Hưng 2 về điểm cơ sở. Sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp để tiện cho việc quản lý, phân bổ nhân sự và đầu tư kinh phí cho xây dựng chuẩn”. Còn huyện Vị Thủy trong năm học tới, cũng sẽ gom 3 điểm lẻ của 3 trường tiểu học và 3 điểm lẻ của 3 trường mẫu giáo về điểm cơ sở…

Thực tế điều này đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Yến Linh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thạnh 1, huyện Châu Thành, nói: “Hai điểm lẻ của trường nằm cách điểm chính cũng không xa lắm, nên khi nhà trường được tiếp nhận cơ sở vật chất khang trang hiện đại với 33 phòng học, phòng chức năng, vào năm học 2016-2017 các em đã về đây học. Ban đầu phụ huynh cũng ngại cho học sinh về học ở điểm cơ sở nhưng hiện nay khi thấy các em được học tập trong điều kiện đầy đủ, chất lượng học tập được nâng lên rất nhiều, nên phụ huynh yên tâm lắm”. Trường Tiểu học Đông Thạnh 1, trước đây có 2 điểm phụ, với 5 lớp, có khoảng 200 học sinh theo học.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chìa khóa nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều khó khăn. Các cấp, các ngành cần có những giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược nhằm góp phần phát huy tối đa vai trò của trường đạt chuẩn quốc gia cũng như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia phải đi vào chất lượng.

Đây không phải là chuyện riêng của ngành giáo dục và đào tạo.

Bài, ảnh: THẢO TRÂN

--------------

Bài 3: Cần sự đột phá

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>