“Xóa sổ” đào tạo trung cấp mầm non: Giáo viên “chạy nước rút” nâng trình độ

24/06/2020 | 08:13 GMT+7

Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 sẽ siết chặt hơn về trình độ của giáo viên, hệ đào tạo trung cấp mầm non sẽ không còn, vậy cả trường đào tạo và giáo viên mầm non có trăn trở gì và tìm hướng đi ra sao khi luật có hiệu lực?...

Nhiều giáo viên mầm non có trình độ trung cấp đã chủ động học liên thông để nâng chuẩn, nhưng vẫn còn nhiều giáo viên chưa thể đi học.

Thay đổi phương án đào tạo

Bà Trần Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ) Hậu Giang, chia sẻ: “Trung cấp giáo dục mầm non là một trong những ngành đào tạo chủ lực của trường. Lúc nào nguồn cung cũng không đủ đáp ứng đủ nhu cầu các trường. Khi Luật Giáo dục còn là dự thảo, khoảng 2 năm nay, ngành trung cấp giáo dục mầm non của trường đã không còn thu hút người học. Vì vậy, nhà trường đã chính thức dừng tuyển sinh và đào tạo từ năm nay”.

Đối với ngành trung cấp giáo dục mầm non được Trường CĐCĐ Hậu Giang đào tạo trước đây, sẽ học trong 2 năm. Để thu hút người học đáp ứng nhu cầu thực tế tình trạng thiếu giáo viên của tỉnh, những thí sinh có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từ 3 năm trở lên sẽ được miễn 100% học phí. Tuy nhiên, trước quy định của Luật Giáo dục mới sắp có hiệu lực, nhà trường cũng băn khoăn, trăn trở vì giáo viên mầm non học bậc cao đẳng khó thu hút người học so với hệ trung cấp. Đơn giản vì chương trình đào tạo trung cấp ngắn, người học sớm ra trường xin việc làm và có thể nâng trình độ bằng việc học liên thông.

Thay cho việc dừng đào tạo ở bậc trung cấp, Trường CĐCĐ Hậu Giang đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành giáo dục mầm non ở bậc cao đẳng. Trường còn chủ động liên kết đào tạo, phối hợp thực hiện đào tạo chuyển tiếp từ trung cấp lên đại học, cao đẳng lên đại học ở ngành giáo dục mầm non. Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2020 của trường, ngành cao đẳng giáo dục mầm non tuyển sinh 40 chỉ tiêu. Hiện trường phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh, đào tạo 10 lớp liên thông từ trung cấp và cao đẳng lên đại học mầm non tại trường. 

Phải học để đảm bảo trình độ

Các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh đa phần nguồn tuyển giáo viên trình độ trung cấp. Trước quy định mới của Luật Giáo dục năm 2019, các trường tự đề ra lộ trình chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các giáo viên có trình độ trung cấp liên thông cao đẳng, đại học. Cô Phạm Thị Huỳnh Như, giáo viên lớp chồi 2, Trường Mẫu giáo Bông Sen, thành phố Ngã Bảy, bộc bạch: “Năm 2014, sau khi tốt nghiệp trung cấp giáo dục mầm non, tôi xin vào giảng dạy ở trường đến nay. Trước đó, cũng nghe có một số thay đổi về chuẩn trình độ của giáo viên mầm non, nên năm 2017 tôi đã chủ động đăng ký học liên thông lên cao đẳng. Ngoài các ngày thứ trong tuần đi dạy, thứ bảy và chủ nhật trong tuần tôi đi học. Cũng nhờ được nhà trường tạo điều kiện, tôi đã sắp hoàn thành chương trình học cao đẳng”. Cô Như đang theo học lớp liên thông của Trường Đại học Trà Vinh đặt tại Trường CĐCĐ Hậu Giang.

Cũng chủ động liên thông cao đẳng để đảm bảo đủ trình độ theo quy định mới, cô Huỳnh Thị Hồng Nhung, giáo viên lớp chồi 3, Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp và đi dạy được 4 năm, năm 2016 tôi đăng ký học liên thông cao đẳng ở Trường Đại học Đồng Tháp, học vào thời gian hè tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Khi biết Luật Giáo dục mới sắp có hiệu lực, quy định các trường mầm non không được nhận giáo viên có trình độ trung cấp, tôi cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, nhờ được trường tạo điều kiện để đi học, nên tôi cũng yên tâm hơn trong công tác”.

Trước đây, thấy nhu cầu tuyển giáo viên mầm non nhiều, cô Nhung đã đăng ký học trung cấp giáo dục mầm non tại Trường CĐCĐ Hậu Giang. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp, cô xin được việc làm ngay ở các nhóm trẻ tư thục, đến năm 2014 mới bắt đầu giảng dạy ở Trường Mẫu giáo Sen Hồng. Hiện cô Nhung là một trong hai giáo viên có trình độ trung cấp ở Trường Mẫu giáo Sen Hồng, đang học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng để đáp ứng theo quy định mới.

Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo”, đã quy định về sử dụng giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo sẽ là: Trong 2 năm liên tiếp liền kề với năm thông tư này có hiệu lực thi hành, phải có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn nghề nghiệp trở lên… Như vậy các giáo viên mầm non có bằng trung cấp sẽ có thời gian để học nâng cao trình độ, nếu muốn tiếp tục gắn bó với nghề.

Giáo viên có bằng trung cấp mầm non vẫn tiếp tục dạy và được tạo điều kiện đi học nâng cao trình độ

 

Là một trong những địa phương có số lượng trường mầm non, mẫu giáo nhiều nhất tỉnh, huyện Phụng Hiệp hiện có khoảng 50% giáo viên ở các trường có trình độ trung cấp. Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đối với giáo viên ở các trường có trình độ trung cấp mầm non trên địa bàn, một phần đã được tạo điều kiện để đi học liên thông lên cao đẳng, đại học. Riêng một số giáo viên có trình độ trung cấp nhưng chưa được đi học, thì sẽ tiếp tục giảng dạy và bắt buộc phải nâng chuẩn theo lộ trình dựa vào Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Quy định sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo”…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>