Chuyện khởi nghiệp của giới trẻ: Dễ hay khó ?

Bài 1: “Tôi đã thành công”

03/05/2017 | 07:50 GMT+7

Trước tình trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm, đặc biệt là nhiều thanh niên ở nông thôn không có nghề nghiệp ổn định dẫn tới sa ngã vào các tệ nạn xã hội,… khiến câu chuyện khởi nghiệp trong giới trẻ đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Vậy, khởi nghiệp khó hay không khó ?

Mô hình nuôi cá cảnh đạt hiệu quả cao của anh Trần Thanh Hùng, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành.

Trên thực tế, khởi nghiệp luôn là ước mơ cháy bỏng của các bạn trẻ. Dù lựa chọn những con đường khởi nghiệp khác nhau nhưng họ có chung khát vọng muốn khẳng định mình và cống hiến cho xã hội. Bằng sự cố gắng và quyết tâm theo đuổi ước mơ, lý tưởng mà không ít bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công.

Quả ngọt…

Một ngày gần cuối tháng 3, tháp tùng cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy do Phó Bí thư Tỉnh ủy Đặng Thế Vinh làm Trưởng đoàn, đến tham quan mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả cao của anh Trần Thanh Hùng, ở ấp Thuận Hưng, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Do đường sá khá khó khăn nên cả đoàn phải di chuyển bằng xe gắn máy, và tôi có dịp đi cùng với Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Nguyễn Quốc Việt.

Suốt hành trình, anh Việt cho tôi biết nhiều thông tin thú vị về mô hình khởi nghiệp sắp được mục sở thị.

Tới nơi, thành viên trong đoàn vô cùng thích thú ngắm nhìn nhiều chủng loại cá “độc”, “lạ” như: cá chạch lấu, cá tai tượng da beo, cá hạc đỉnh hồng,… đang nhởn nhơ bơi lặn. Dù gia chủ tỏ ra khiêm tốn nhưng mọi người nhận định chắc mẻm thanh niên này đang sở hữu trong tay khối tài sản vài trăm triệu đồng. Hỏi ra mới biết, để có được cơ ngơi như ngày nay, anh đã trải qua chặng đường khởi nghiệp với không ít trắc trở.

Tốt nghiệp chuyên ngành thủy sản tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ vào năm 2009, anh Hùng xin vào làm tại một trang trại sản xuất cá giống. Nhận thấy thị trường cá cảnh đang rất sôi động nên ý chí về một cuộc khởi nghiệp cứ lớn dần trong suy nghĩ của anh. Và nó chính thức được khởi động từ năm 2011. Nguồn vốn trong tay không đủ, anh vay thêm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi và mua cá giống.

Dù chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, nhưng anh không ngờ chặng đường khởi nghiệp lại khá gian truân. Đàn cá anh nuôi thường bị bệnh và hao hụt khiến không ít lần nản chí. Quyết không chịu thua, anh mày mò, nghiên cứu thêm về đặc tính sinh trưởng của từng loại cá, đặc biệt là các loại bệnh thường gặp để có biện pháp chữa trị kịp thời. Bấy nhiêu tâm huyết, công sức anh bỏ ra cuối cùng cũng thu về “quả ngọt” khi tỷ lệ cá bị hao hụt ngày càng giảm và đầu ra trên thị trường ổn định.

Kiếm nhiều đồng lời, anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và trong tay hiện có khoảng 40 bể nuôi cá lớn, nhỏ. Hàng năm, những chú cá cảnh mang về cho anh thu nhập hàng trăm triệu đồng, con số đáng mơ ước đối với nhiều thanh niên nông thôn hiện nay. Anh Hùng đúc kết: “Quá trình khởi nghiệp cũng chứa đựng không ít rủi ro, nhưng nếu mình không dám đối mặt với nó thì thành công sẽ không bao giờ đến”.

Động lực để phát triển xã hội

Cũng trẻ tuổi, nhưng anh Huỳnh Văn Dân, ở ấp Mái Dầm, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, đã là Giám đốc của một hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chuyên sản xuất cây kiểng với doanh thu hàng năm hơn 4 tỉ đồng.

Mất cha từ năm 12 tuổi, anh Dân trở thành trụ cột gia đình và phải lao động vất vả để nuôi mẹ cùng em gái. Một lần đi buôn bán cây giống ở tỉnh Bến Tre, anh choáng ngợp với những vườn cây kiểng đẹp mắt, lại cho hiệu quả kinh tế cao của người bản xứ; ý tưởng khởi nghiệp với cây kiểng chợt lóe lên. Nghĩ là làm, anh “bái sư học đạo” ở nhiều nơi về kỹ thuật chăm sóc và cách tạo dáng cho cây. 5 công đất trồng bưởi cho hiệu quả không cao của gia đình cũng được anh cải tạo để làm nơi cho các giống kiểng đâm chồi, vươn nhánh. Nhờ đầu ra ổn định nên anh bắt đầu kiếm lời kha khá và quyết định thành lập HTX nông nghiệp chuyên sản xuất cây kiểng khoảng 8 năm nay.

Hiện tại, cây kiểng của HTX được xuất bán không chỉ trong vùng ĐBSCL, mà ngay cả khách hàng ở tận miền Bắc cũng liên hệ đặt hàng. Từ người thanh niên có cuộc sống khó khăn, anh Dân đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời chỉ sau mấy năm. “Nhờ theo đuổi đến cùng lý tưởng khởi nghiệp mà tôi có được thành quả như hiện nay”, anh Dân bộc bạch.

Đây là hai trong số nhiều mô hình khởi nghiệp đạt hiệu quả cao của đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đã có 30 thanh niên có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp năm 2017 được tỉnh tuyên dương mới đây.

Chị Phạm Thị Thùy Dung, Bí thư Tỉnh đoàn, chia sẻ: “Họ là những thanh niên tiên phong trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao và giúp đỡ thanh niên khác có việc làm; là những cán bộ đoàn năng nổ, gương mẫu trong công tác, giỏi trong phát triển kinh tế gia đình, sáng tạo trong tập hợp thanh niên”.

Quả thật, mỗi người đã chọn khởi nghiệp bằng nhiều mô hình và cách làm khác nhau, nhưng đều thành công nhờ tinh thần chịu khó, dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi đến cùng lý tưởng đặt ra. Nhiều bạn trẻ trong số đó là nông dân chính hiệu, chưa được đào tạo qua bất kỳ chuyên môn, nghiệp vụ nào nhưng đã làm giàu chính đáng nhờ sự nhạy bén, linh hoạt và cách làm phù hợp trong chuyện làm ăn.

Thiết nghĩ, các mô hình khởi nghiệp trong giới trẻ cần được khuyến khích, phát huy, nhân rộng. Vì với vai trò là rường cột nước nhà, chỉ cần mỗi thanh niên thành công trong khởi nghiệp sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, thực trạng đáng buồn hiện nay là không ít bạn trẻ còn xem nhẹ vấn đề khởi nghiệp hoặc chưa biết khởi nghiệp từ đâu.

Thời gian qua, phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” đã được các cấp bộ đoàn trong tỉnh quan tâm, qua đó giúp nhiều đoàn viên, thanh niên có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Riêng trong năm 2016, đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã mở 100 lớp dạy nghề với 2.715 lượt đoàn viên, thanh niên tham dự; tổ chức tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho 64.769 đoàn viên, thanh niên và học sinh; tổ chức giới thiệu việc làm cho 24.232 đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn để phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, qua đó đã hỗ trợ cho 9 dự án vay vốn với tổng kinh phí là 308 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Bài 2: Không biết khởi nghiệp từ đâu

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>