Chuyện khởi nghiệp của giới trẻ: Dễ hay khó ?

Bài 3: Phải biết định vị bản thân mình

05/05/2017 | 08:31 GMT+7

Theo chia sẻ của nhiều người, khởi nghiệp là một chặng đường dài với không ít gian nan và rủi ro song hành, nhưng nếu bạn trẻ có đủ khát vọng, điều kiện và nghị lực để vượt qua những “chướng ngại vật” thì khởi nghiệp sẽ thành công.

Nhờ quyết tâm theo đuổi niềm đam mê khởi nghiệp mà anh Lý Út Nữa, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã thành công với mô hình nuôi trăn. Tuy nhiên, theo anh Nữa, thanh niên cần được hỗ trợ về vốn để khởi nghiệp.

Phải có tinh thần khởi nghiệp

Một lần về nói chuyện khởi nghiệp với các bạn trẻ Hậu Giang, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, có những chia sẻ thú vị, hữu ích về những điều cần thiết để khởi nghiệp thành công.

Theo tiến sĩ Dương, khởi nghiệp luôn lắm gian nan nên nhiều bạn trẻ không dám khởi nghiệp, không dám đương đầu với “sóng to, gió lớn”. Đó là biểu hiện của tinh thần khởi nghiệp yếu ớt trong giới trẻ hiện nay.

Từ đó, tiến sĩ Dương khuyên các bạn trẻ ở Hậu Giang nếu muốn khởi nghiệp trước hết phải có tinh thần, vì có tinh thần mới có ý chí phấn đấu và ý thức tìm ra cái mới, cái hay để khai thác, phát huy, tạo ra thành công cho bản thân. “Ai không có tinh thần khởi nghiệp thì đừng mong khởi nghiệp”, tiến sĩ Dương nhấn mạnh.

Một yếu tố mà tiến sĩ Dương cho là quan trọng nhất trong tinh thần khởi nghiệp chính là “Tôi làm chủ cơ thể tôi”. “Khởi nghiệp ở lĩnh vực nào hãy do bản thân mình lựa chọn theo sở trường, niềm đam mê, chứ đừng khởi nghiệp theo ý người khác. Vì khởi nghiệp theo niềm đam mê mới có thể làm hết mình, mới tận tâm với con đường đã chọn”, tiến sĩ Dương giải thích.

Cũng theo tiến sĩ Dương, việc định vị bản thân cũng là yếu tố quan trọng khi đã có tinh thần khởi nghiệp. Đó là mỗi người phải biết mình có sở trường, điểm mạnh ở lĩnh vực nào, rồi năng lực, khả năng của bản thân tới đâu để chọn hướng khởi nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, những người trẻ cũng rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ về các điều kiện cần thiết của người thân, bạn bè trên con đường khởi nghiệp vốn không phải lúc nào cũng bằng phẳng.

Chú tâm nghe những điều tiến sĩ Lê Thẩm Dương trình bày, anh Lý Út Nữa, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, cứ gật gù đầy tâm đắc, bởi những chia sẻ của vị tiến sĩ này khá giống với những gì mình đã trải qua khi khởi nghiệp.

Anh Út Nữa là một trong những đoàn viên tiêu biểu có mô hình làm ăn đạt hiệu quả cao, với mô hình nuôi trăn giống và trăn thịt. Khởi nghiệp từ năm 2007 với 4 con trăn giống, đến nay đàn trăn của anh có trên 50 con và số tiền thu về mỗi năm ngót nghét hơn 200 triệu đồng. Đó là thành quả xứng đáng cho tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt của chàng thanh niên này cách đây 10 năm. Đồng thời, chuyên ngành bác sĩ thú y từng học cũng góp phần để anh nuôi dưỡng, chăm sóc đàn trăn đạt hiệu quả kinh tế cao.

Liên hệ với bản thân trước đây và thông qua việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên (đang là Bí thư Chi đoàn cơ quan thị trấn Cây Dương), anh Út Nữa cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất mà giới trẻ gặp phải trong khởi nghiệp chính là về vốn. “Có tinh thần và đam mê khởi nghiệp rồi mà thiếu vốn thì cũng khó có thể thực hiện được”, anh Út Nữa nói.

Tiếp bước khởi nghiệp

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng nhấn mạnh, nếu không có nguồn vốn thì sẽ không khởi nghiệp được. Rõ ràng, thiếu vốn đang trở thành rào cản thật sự đối với chuyện khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay.

Từ thực tế đó, các đơn vị có liên quan của tỉnh đã vào cuộc để tiếp bước khởi nghiệp. Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, nguồn vốn để tạo việc làm và giúp cho thanh niên khởi nghiệp luôn được tỉnh quan tâm thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay đa số thanh niên sống chung với gia đình, mà theo quy định cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội thì mỗi gia đình chỉ cử ra một đại diện để vay vốn và nguồn vốn vay phụ thuộc vào tổng nhu cầu vốn của cả gia đình, do đó không thể tách rời nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn vốn vay cho lĩnh vực này.

Cũng liên quan đến nguồn vốn, ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hậu Giang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay nhằm hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là hướng đến đối tượng tham gia khởi nghiệp với lãi suất, thời gian hợp lý.

Ông Lữ Văn Hùng thông tin thêm, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả khả quan với nhiều mô hình, cách làm hay. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn đơn lẻ, thiếu sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các chủ thể khởi nghiệp; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp một cách đầy đủ nhất, cũng như thiếu sự tư vấn, hỗ trợ từ các chuyên gia, cơ quan chuyên môn về khởi nghiệp.

“Để cải thiện tình hình trên và từng bước xây dựng khung chính sách cơ bản nhất khuyến khích các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, Hậu Giang đã dự thảo kế hoạch khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sau khi kế hoạch được ban hành, các chính sách hỗ trợ về xây dựng lý tưởng, mô hình sản xuất kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm, đào tạo, tài chính… sẽ được thiết lập và lồng ghép với các chương trình, dự án khác của tỉnh nhằm tạo cơ chế, chính sách cơ bản giúp các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Rõ ràng, Hậu Giang đang rất coi trọng vấn đề khởi nghiệp và có những bước đi cần thiết cho công tác này. Đây sẽ là cơ hội cho tuổi trẻ trong tỉnh có điều kiện hiện thực hóa lý tưởng, mục tiêu khởi nghiệp mà mình đang ấp ủ. “Cánh cửa” khởi nghiệp đang dần mở ra, nhưng liệu tuổi trẻ tỉnh nhà có đủ bản lĩnh mở toang để đón ánh sáng của tương lai?

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>